Khởi đầu của chuyển đổi số
Từng cộng tác với nhiều cộng sự ở nhiều nước trên thế giới để thực hiện nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về những bài học thực tiễn mà nền giáo dục các nước đã làm tốt trong đại dịch Covid-19, GS Fernando Reimers - Trường ĐH Havard đã chọn Việt Nam làm ví dụ để các nước khác có thể học hỏi kinh nghiệm.
Theo GS, trong thời điểm khó khăn, những giải pháp của Bộ GD&ĐT Việt Nam rất quan trọng khi trường học không thể hoạt động bình thường như trước đại dịch. Đó là sự chuẩn bị đúng hướng.
Theo GS Reimers, đại dịch Covid-19 thể hiện sự không đồng đều giữa các học sinh trong việc tiếp cận công nghệ. Trách nhiệm của chúng ta là phải cố gắng cân bằng khoảng cách giữa những học sinh này.
Bộ GD&ĐT Việt Nam không chỉ thể hiện cam kết, bảo đảm mọi trẻ em được tiếp tục việc học ngay cả khi không thể đến trường, mà còn nỗ lực trong các sáng kiến và hành động để có thể hướng tới mọi học sinh. Việt Nam đã xem thách thức này như một cơ hội để thay đổi những ưu tiên trong chương trình học, để nhìn lại và cùng nhận định những kỹ năng nào là cần thiết trong thời điểm này.
Ấn tượng với những nỗ lực của ngành Giáo dục Việt Nam trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng: Những giải pháp mà Bộ GD&ĐT đưa ra rất nhanh và hiệu quả, hành động hết sức khẩn trương, tạo điều kiện cho học sinh được học trực tuyến.
Từ những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 tác động, vấn đề dạy - học trực tuyến lại chính là khởi đầu của đổi mới. Chúng ta cần tìm ra những giải pháp để có thể thúc đẩy hơn nữa học tập trực tuyến trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
“Xóa mù” công nghệ cho trẻ em
Nói về quá trình chuyển đổi số trong giáo dục của Việt Nam, bà Rana Flowers nhấn mạnh: Ngành Giáo dục cần nỗ lực thay đổi hơn nữa để bắt kịp với những xu hướng mới. Chúng ta tạo ra những thay đổi, cải cách và tìm ra phương thức mới trong dạy - học của thầy - trò.
Đổi mới giáo dục cần sâu rộng, không để mất đi thế mạnh của những môn học truyền thống, nhưng cần bổ sung vào hệ thống giáo dục, đào tạo truyền thống nội dung mới để xóa mù công nghệ cho trẻ em, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như bảo đảm việc trang bị những kỹ năng mới cho các em.
Cho rằng, giáo viên đóng vai trò quan trọng vì thế cần thay đổi phương pháp dạy học, bà Rana Flowers thông tin: Những lớp học truyền thống, giáo viên nói và học trò nhắc lại dần được thay thế bằng lớp học số, xuyên biên giới. Đây sẽ là thay đổi, cải cách rất lớn, đòi hỏi vai trò chủ động của giáo viên. Thầy cô giáo nhanh chóng vào cuộc để có thể góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới giáo dục.
“Để có thể đáp ứng yêu cầu mới của giai đoạn mới, mỗi trẻ em cần có một thiết bị. Ở đây, tôi không nói là phải có điện thoại di động thông minh, mà là thiết bị thông minh, một dạng máy tính bảng chẳng hạn, để các em có thể đáp ứng được những thay đổi của giáo dục trong thời gian tới.
Muốn làm điều này cần sự vào cụộc của Chính phủ, khu vực tư nhân, cũng như cha mẹ học sinh để giúp trẻ em có thể bắt kịp. Chúng ta cũng cần cung cấp Internet để trẻ em có thể tiếp cận giáo dục trực tuyến. Tất cả những nỗ lực này nhằm bảo đảm không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau” - bà Rana Flowers nói.
Giáo sư Jean-Marc Lavest - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) cho rằng, Việt Nam đã phản ứng rất nhanh và sớm so với các nước khác trên thế giới.
Cụ thể, Việt Nam nói chung và ngành Giáo dục nói riêng phân tích khá tốt bối cảnh hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, từ đó có sự chuẩn bị cũng như bước đi đúng đắn. Việc tất cả trẻ em đều có thể duy trì học tập, nhiều em tiếp cận được bài giảng từ xa, trực tuyến, là một ví dụ rất ấn tượng.
Cũng theo Giám đốc AUF khu vực châu Á – Thái Bình Dương, từ góc độ kỹ thuật, công nghệ thông tin, việc truy cập vào Internet là điều tối quan trọng. HSSV phải được tiếp cận tri thức theo một cách nào đó. Một trong những yếu tố quan trọng không kém là bài giảng.
Theo đó, cần chuyển từ bài giảng trực tiếp sang bài giảng trực tuyến để phù hợp với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số giáo dục. Tuy nhiên, đây cũng là điều khó khăn nhất đối với ngành Giáo dục trong hành trình chuyển đổi số và rất cần sự tham gia của nhiều cơ quan hữu quan.