Chuyển dịch cơ cấu đào tạo

GD&TĐ - “Thừa thầy, thiếu thợ” vẫn là câu cửa miệng của nhiều người khi nói về giáo dục Việt Nam hiện nay. Từ đó dẫn đến ý kiến cho rằng, nên giảm quy mô đào tạo đại học, tập trung nhiều hơn cho dạy nghề. Tuy nhiên, các chuyên gia từ nghiên cứu quy mô, bài bản lại có góc nhìn khác.

Thiếu hụt lao động có kỹ năng là một trong ba hạn chế hàng đầu để phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam. Ảnh minh họa/INT
Thiếu hụt lao động có kỹ năng là một trong ba hạn chế hàng đầu để phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam. Ảnh minh họa/INT

Kết quả phân tích của Ngân hàng Thế giới về dữ liệu khảo sát lực lượng lao động năm 2014 cho thấy tác động về xác suất có việc làm tăng lên khi trình độ đào tạo của người lao động cao hơn và giáo dục là con đường để có việc làm tốt hơn, qua đó đem lại phát triển đồng đều.

Nhóm lao động trình độ cao có cơ hội việc làm tốt hơn. Cụ thể, với lao động có trình độ đại học, xác suất có việc làm hưởng lương là 56,1%; trình độ cao đẳng là 49,9%. Tỷ lệ này giảm dần đối với các lao động được đào tạo qua trường dạy nghề chuyên nghiệp (41,5%), trung học chuyên nghiệp (29,4%), THPT (6,7%). Điều này minh chứng rằng, giáo dục là con đường để có việc làm tốt hơn và tạo điều kiện nâng cao trình độ đào tạo cho lực lượng lao động là con đường dẫn đến phát triển đồng đều và bền vững.

Báo cáo đánh giá quốc gia Việt Nam 2016 của Ngân hàng Thế giới cũng nhận định, việc thiếu hụt lao động có kỹ năng là một trong ba hạn chế hàng đầu để phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam. Dù số lượng lao động tốt nghiệp đại học của Việt Nam tăng lên đáng kể nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường đối với nguồn nhân lực này. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục làm tăng nhu cầu về lao động có tay nghề cao, đồng thời thu hẹp thị trường việc làm của những lao động có kỹ năng trung bình, như thợ đứng máy, nhân viên bán hàng… do máy móc sẽ thay thế.

Là chủ nhiệm đề tài “Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS”, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), trong nghiên cứu của mình có cùng quan điểm như trên. PGS Loan nhận định rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động phải lành nghề, có tay nghề - kỹ thuật cao, làm chủ được công nghệ hiện đại đang ngày càng phát triển. Đây sẽ là thách thức lớn trong tìm kiếm việc làm đối với những lao động không được qua đào tạo hoặc được đào tạo ở trình độ thấp.

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu khách quan của nền sản xuất hiện đại đòi hỏi sự chuyển dịch cơ cấu đào tạo. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy sự dịch chuyển cơ cấu trình độ đào tạo của nhân lực. Nhiệm vụ của mỗi nước trong quá trình phát triển nguồn nhân lực là phải tạo ra một cơ cấu lao động cân đối, đồng bộ về ngành nghề và trình độ để đáp ứng cho sự thay đổi của cơ cấu kinh tế. Điều này có nghĩa là phải đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật có cơ cấu phù hợp với trình độ phát triển công nghệ.

Ở Việt Nam, để từ một nước đang phát triển trên nền tảng một nước nông nghiệp với thành phần lao động đơn giản chiếm khoảng 70% tổng số lao động xã hội hiện nay, trở thành một nước công nghiệp hiện đại, cần phát triển mạnh mẽ đào tạo công nhân kỹ thuật trình độ cao và kỹ thuật viên trình độ cao đẳng.

Có thể thấy rằng, nếu muốn giáo dục tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng, cần đảm bảo rằng giáo dục phải theo kịp sự vận động của thế giới việc làm đang thay đổi rất nhanh chóng. Công nghệ không chỉ làm tăng cầu về đội ngũ lao động có tay nghề cao, mà còn làm giảm cầu đối với lực lượng lao động có kỹ năng trung bình, chẳng hạn như vị trí thư ký, nhân viên bán hàng và thợ đứng máy, vì công việc của những người này dễ tự động hóa hơn. Vì vậy, để các quốc gia được thịnh vượng, đầu tư vào giáo dục trung học và giáo dục đại học có chất lượng tốt là điều kiện bắt buộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.