Thu nhập tăng, thất nghiệp giảm
Theo bản tin, trong quý IV/2018 cả nước có khoảng 23,8 triệu người làm công hưởng lương, chiếm 45,14% trong tổng số lao động có việc làm, tăng hơn 820 nghìn người so với quý III/2018. Tỷ trọng nam giới có việc làm là 52,39%; khu vực thành thị chiếm 32,75% tổng số người đang làm việc.
Các ngành có số lượng lao động tăng nhiều nhất so với quý III/2018 và quý IV/2017 như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng; Tài chính, ngân hàng; Bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ khác. Các ngành: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo tăng hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Thu nhập của lao động làm công hưởng lương trong hầu hết các ngành đều tăng so với quý III/2018, đặc biệt ở những ngành có nhiều lao động làm việc như: Sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm liên quan, ngành sản xuất điện tử, thiết bị điện, mức tăng từ 67 - 149 nghìn đồng/tháng. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương có trình độ đại học trở lên là 8,27 triệu đồng/tháng, bằng 1,64 lần so với nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 5,04 triệu đồng/tháng.
Quý IV/2018, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên là 12,36 triệu người, tăng gần 337 nghìn người so với quý IV/2017, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ là 22,22%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 9,76% trong tổng số lực lượng lao động, trình độ cao đẳng là 3,68%, trung cấp 5,35% và sơ cấp nghề là 3,43%.
Tình trạng thất nghiệp giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước, quý IV/2018 cả nước có 1,062 triệu người thất nghiệp, giảm 7,6 nghìn người so với quý III/2018 và giảm tới 8,81 nghìn người so với quý IV/2017. Thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên là 135,8 nghìn người, giảm 15,9 nghìn người; nhóm có trình độ trung cấp là 68,8 nghìn người, giảm 1,5 nghìn người. Ngược lại nhóm trình độ cao đẳng có 68,8 nghìn người thất nghiệp, tăng 6,2 nghìn người và nhóm trình độ sơ cấp nghề có 27 nghìn người thất nghiệp, tăng 1,6 nghìn người so với quý III/2018.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Điểm đáng lưu ý là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tiếp tục tăng, hiện nay Việt Nam vẫn ở trong nhóm các nước có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhất trên thế giới. Đặc biệt, phân tách theo giới, thì không có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ trong thị trường lao động. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm nhanh, đến quý IV/2018 là 36,53%. Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm mạnh. Chỉ tiêu lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ còn thấp so với kỳ vọng, đang tồn tại khoảng cách khá lớn giữa tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ nói riêng.
Nhiều ngành tiếp tục tăng trưởng
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Trong quý IV/2018, với những nỗ lực của Chính phủ trong việc cắt giảm các thủ tục kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, số lượng việc làm gia tăng, chất lượng việc làm được cải thiện. Thông qua các chỉ số lao động việc làm cho thấy môi trường làm việc có nhiều chuyển động tích cực, lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản tiếp tục giảm, lương và thu nhập tăng lên. Bản tin cập nhật phản ánh các nội dung, khía cạnh của thị trường lao động, trên cơ sở đó đánh giá lại các chỉ số lao động cơ bản trong các ngành nghề để có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp.
Quý I/2019, dự kiến một số ngành tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao và ổn định kéo theo tăng trưởng việc làm như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn, bán lẻ; Dịch vụ lưu trú, nhà hàng… Năng suất lao động chung được cải thiện, xu hướng ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp sẽ dẫn đến chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành. Dự báo tổng số việc làm trong quý I/2019 đạt khoảng 54,6 triệu, tăng 60,5 nghìn người. Các ngành có nhu cầu việc làm tăng so với quý IV/2018 như: Sản xuất và phân phối, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, nghệ thuật, vui chơi giải trí… Các ngành sẽ giảm nhu cầu lao động là nông, lâm, thủy sản, khai khoáng, kinh doanh bất động sản, hoạt động làm thuê dịch vụ gia đình…