Chuyến đi bổ ích tìm hiểu về hành lang đa dạng sinh học

Chuyến đi bổ ích tìm hiểu về hành lang đa dạng sinh học

(GD&TĐ) - Dự án Hành lang Đa dạng sinh học (BCI) là một hợp phần trong Chương trình Môi trường trọng điểm, được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, thực hiện từ năm 2006-2011 tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị. Sau gần 3 năm thực hiện, Dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt đã nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ rừng.

Theo Luật Đa dạng sinh học (2008) của Việt Nam, hành lang đa dạng sinh học (ĐDSH) đóng vai trò là nơi di chuyển cho các loài động thực vật: “Hành lang ĐDSH là khu vực nối liền các vùng sinh thái tự nhiên cho phép các loài sinh vật sống trong các vùng sinh thái đó có thể liên hệ với nhau”.

Từ ngày 21/2 đến 4/3, trong khuôn khổ Dự án Hành lang Đa dạng sinh học (BCI), Ban quản lý dự án đã tổ chức chuyến khảo sát tại Australia và Indonesia cho các cán bộ liên ngành tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng và thực hiện Dự án, nhằm chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn đa dạng sinh học và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu với các đối tác tại hai nước trên.

Chuyến đi bổ ích tìm hiểu về hành lang đa dạng sinh học ảnh 1
Chia sẻ kinh nghiệm tại các điểm đoàn đến thăm

Chuyến khảo sát tại Australia và Indonexia được tiến hành để tăng cường năng lực thực hiện và quản lý Dự án giai đoạn 2. Chuyến đi do ông Trương Mạnh Tiến, Trưởng Ban Quản lý BCI dẫn đầu cùng với nhiều cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã thu lại được những kết quả thiết thực qua từng ngày làm việc với các đối tác nước bạn.

Trong ngày làm việc của đoàn với các chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối cộng đồng (CSIRO), một đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ của Australia tại Canberra, hai bên đã trao đổi và chia sẻ thông tin về các nhu cầu liên quan đến nguồn nước và tài nguyên; tác động biến đổi khí hậu đến lưu vực sông Mekong; khám phá các tài nguyên trong tương lai tại lưu vực sông Mekong; các nhu cầu liên quan đến nông nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu và không ổn định. Phía bạn có cung cấp thông tin về dự án đồng thực hiện với Đại học Cần Thơ về đánh giá tài nguyên nước dưới tác động của biến đổi khí hậu tại Cần Thơ. Đặc biệt phía bạn còn chia sẻ một số thông tin về các đề xuất nghiên cứu về tài nguyên và biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á mà sông Mekong là vùng tập trung ưu tiên. CSIRO mong muốn có cơ hội hợp tác về nghiên cứu tài nguyên và biến đổi khí hậu. 

Đến gặp gỡ với các chuyên gia Kinh tế, môi trường và biến đổi khí hậu (CSES) của Đại học Victoria tại Melbourne, các cán bộ hai bên đã thảo luận về tính dễ bị tổn thương của hệ sinh thái bởi biến đổi khí hậu, mức độ bồi thường hệ sinh thái khi bị tác động, việc lượng hoá giá trị tài nguyên đa dạng sinh học để tính toán chi phí dịch vụ môi trường rừng. CSES mong muốn có cơ hội hợp tác với các đối tác Việt Nam về các lĩnh vực trên.

Cũng tại Australia, đoàn đã đi thăm Vườn Quốc gia Lamington tại Brisbane. Vườn Quốc gia này có diện tích hơn 20.000 ha với hàng trăm loài chim và thực vật nhiệt đới. Đây có thể nói là một điển hình rất phát triển về chi trả dịch vụ du lịch sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cũng là trung tâm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học thông qua nhiều hoạt động về huấn luyện các loài hoang dã bảo vệ môi trường.

Trong hành trình của chuyến khảo sát tại Indonesia, các cán bộ Việt Nam đã đi thăm khu bảo tồn Biển Nusa Penida tại Bali, thăm khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn và khu trồng rong biển, gặp gỡ nhóm cộng đồng dân cư sinh sống trong khu bảo tồn và trao đổi về biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng để tăng sinh kế cho người nghèo. 

Sau đó, đoàn làm việc với các đơn vị liên ngành tại Bộ Lâm nghiệp ở Jakarta, Indonesia về Chương trình Trái tim vùng Borneo và Sáng kiến tam giác Coral. Đây là sáng kiến do Chính phủ của 3 nước (Malaysia, Mianmar và Indonesia) cùng xây dựng và cam kết thực hiện bằng ngân sách của chính phủ nhằm tạo hành lang đa dạng sinh học chung biên giới để bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên; xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước và giảm phát thải từ nạn phá rừng (REDD). Tại đây, đoàn Việt Nam đã chia sẻ thông tin về BCI và PES tại Việt Nam. Hai bên đã thống nhất về một số điểm ưu tiên chung trong bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. 

Chuyến khảo sát, tham quan và làm việc của đoàn với các cơ quan tại Australia và Indonesia đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Đối với Việt Nam, vùng thử nghiệm của Dự án Hành lang sinh học tại Quảng Nam và Quảng Trị đang gặp nhiều vấn đề trở ngại như phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng thủy điện. Nhiều đường xá trong khu vực như đường Hồ Chí Minh, đường 14D và một số tuyến đường khác đang được xây dựng sẽ làm ảnh hưởng các vùng sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, nhiều dự án thủy điện đang được quy hoạch và xây dựng sẽ gây tác động lớn lên hệ sinh thái và các điều kiện kinh tế - xã hội của người dân sống trong khu vực. Bên cạnh đó là các hoạt động khai thác vàng, gỗ, buôn bán động vật hoang và săn bắn trái phép cũng tác động không nhỏ tới các hệ sinh thái.  

Do đó, để quản lý và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và xây dựng quy hoạch phải được quan tâm đúng mức, khoa học và đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, để thực hiện lượng hoá giá trị đa dạng sinh học, chi trả dịch vụ môi trường, trước hết phải nghiên cứu cơ sở lý luận, xác định các hệ số, tiêu chí cơ bản của tài nguyên thiên nhiên. Việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái phải được gắn kết hài hoà với cộng đồng và do chính cộng đồng dân cư tại địa phương tham gia, quyết định từ các giai đoạn ban đầu. Liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các tổ chức hỗ trợ. Khuyến khích cộng đồng tham gia chủ động và tự nguyện. Đặc biệt, sự phối hợp, liên kết giữa các quốc gia trong vùng có chung khu vực lãnh thổ giàu đa dạng sinh học nhằm thống nhất hành động bảo tồn đa dạng sinh học. Nội lực của các nước để cam kết xây dựng và thực hiện chung chương trình bảo tồn là đáng quan tâm. 

Nguyễn Thị Minh Hoạt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.