Không có một tư liệu hình ảnh nào về dung nhan Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ - nữ nhà giáo đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, hình ảnh biểu lộ qua bức tượng trắng ở Lệ Chi Viên lại làm người nay ngỡ ngàng. Phải mất rất nhiều thời gian, tâm sức một thầy giáo và một họa sĩ mới hoàn thành được phác thảo.
Khu vườn máu
Lệ Chi Viên - khu vườn vải và cũng được gọi với một cái tên đau xót hơn “khu vườn máu”. Ngày 27/7/1442 (năm Nhâm Tuất), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn.
Ngày 4/8 cùng năm, vua về đến Lệ Chi Viên. Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, là thiếp của Nguyễn Trãi. Trong thời gian Lê Lợi đứng lên khởi nghĩa, Nguyễn Trãi cùng em họ Trần Nguyên Hãn ra giúp sức tụ nghĩa chống quân Minh. Mỗi khi Nguyễn Trãi thảo thư từ, chiếu hịch đều có Thị Lộ ở bên giúp việc sửa chép.
Vốn Thị Lộ rất được vua Lê Thái Tông yêu quý, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Thị Lộ, rồi băng hà. Các quan bí mật đưa xác vua về, ngày 6/8 đến kinh sư, phát tang lúc nửa đêm. Nhưng lệnh phát tang lại kèm một nghiêm lệnh khủng khiếp khác: Bắt và giết chết tất cả những người thuộc họ cha, mẹ và họ vợ nhà Nguyễn Trãi.
Vợ chồng Nguyễn Trãi và tam tộc bị tru di. Lệ Chi Viên thành thảm án oan sai lớn nhất trong lịch sử dân tộc. Và thật kinh hoàng, chỉ trong vòng 10 ngày, án lệnh đã cấp tốc thi hành xong. Cả ba họ nhà Nguyễn Trãi không ai thoát, ngoại trừ duy nhất bà vợ thứ của Nguyễn Trãi là Phạm Thị Mẫn đang có mang trốn được.
Cuộc bắt bớ, giết chóc còn tiếp tục lan rộng với chung một cớ chính: Nguyễn Trãi cùng người thiếp yêu là Nguyễn Thị Lộ - đương chức Lễ nghi học sĩ, chuyên trách việc quản lý và giáo huấn các cung nữ đã âm mưu và thi hành việc giết vua ở trại vải. Vườn vải từ đó trở thành đầu mối và diễn trường của vụ thảm án tày trời nhưng lại có tên mỹ miều là: Lệ Chi Viên.
Tuy nhiên, trong “Đại Việt sử ký toàn thư” do tác giả Ngô Sĩ Liên biên soạn trong khi chép lại vụ án Lệ Chi Viên đã không hề nêu nghi vấn hay phản biện nào. Và từ đó về sau, sách sử cũng không hề có một công bố, một kết luận chính thức nào về sự vô tội của bà Nguyễn Thị Lộ.
Tình sử diễm lệ - đau thương
Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, ngay khi Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, nhiều người đã cho là ông bị oan.
Lê Nhân Tông khi xem sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi từng có ý kiến rằng: “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp loạn tặc, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình... không may bị người đàn bà gây biến, để người lương thiện mắc tội rất là đáng thương”.
Năm 1464, Lê Thánh Tông chính thức ban chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá, cho người con trai sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ làm chức Đồng tri châu. Năm 1512, Lê Tương Dực truy tặng Nguyễn Trãi làm Tế Văn hầu.
Tuy nhiên, với bà Nguyễn Thị Lộ thì án oan vẫn còn lơ lửng. Vì lẽ đó, nhiều cuộc khảo cứu và tọa đàm khoa học đã được tổ chức nhằm minh oan cho bà.
Dựa vào những kết quả thu lượm được, một số nhà nghiên cứu, dưới sự chủ biên của nhà giáo Hoàng Ðạo Chúc, đã biên soạn thành cuốn “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên” (xuất bản năm 2004).
Trong đó, một số nhà khoa học đã chỉ rõ, thủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, vốn rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (hai người đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao thoát khỏi âm mưu sát hại của bà). Sâu xa hơn, đó còn là sự ghen ghét, đố kỵ của một số không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng và tính tình cương trực của Nguyễn Trãi.
Về phần Nguyễn Thị Lộ, các nhà khoa học cũng đã đề xuất rằng: Cần có sự công khai chiêu tuyết (làm sáng tỏ nỗi oan) cho bà. Chế độ phong kiến cũ đã không làm được việc đó thì ngày nay chúng ta phải làm được việc đó thông qua việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử dân tộc một cách trung thực và khoa học.
Vì bà cũng là người tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa. Lớn lao hơn, bà còn là người đã dâng trọn cuộc đời phục vụ cho sự bền vững của vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Ðại Việt.
Thiên tình sử giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ với giai thoại làm thơ ghẹo người đẹp khi bắt gặp cô hàng chiếu xinh đẹp người Hưng Hà (Thái Bình). Tài đối đáp sắc sảo của cô gái trẻ quê mùa đã khiến Nguyễn Trãi mê đắm và cưới cho được nàng về làm thiếp.
Và cũng từ đó, ngoài cái nghề dệt chiếu kia, họ dệt nên một thiên tình sử diễm lệ và đẫm nước mắt cho hậu thế. Mối tình và cả nỗi đau của họ sau thảm án Lệ Chi Viên còn được thêu dệt thành những huyền thoại để tụng ca và cảm bày nỗi xót thương cho những oan nghiệt mà họ phải gánh.
Theo chiều dài lịch sử, mối oan ấy rồi cũng được minh xét để cả thiên hạ thấy được lòng trung. Nhưng có người cũng nói rằng: Giải oan thì cũng đã muộn rồi. Vị đại thần khai quốc cùng vợ con cháu chắt đã phải chết dưới lưỡi đao đố kỵ của những kẻ cơ hội.
Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ chẳng có oan khuất, trái khoáy nào có thể vượt qua được nỗi đau Nguyễn Trãi.
Chân dung nữ học sĩ qua giấc mơ
Cố nhà giáo Hoàng Đạo Chúc (người làng Lủ - Đại Kim – Hà Nội) khi sinh thời là Hội trưởng Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ, đã dành ra 40 năm cuộc đời đi tìm lời giải và xây dựng chân dung Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.
Sau nhiều năm kêu gọi, thầy Chúc đã xây dựng tại khu vườn vải năm xưa một đền thờ trang nghiêm. Khách từ các nơi về tham quan, thắp hương vợ chồng Nguyễn Trãi và cũng là để nhớ lại vụ án oan khuất gần 600 năm trước.
Thầy Chúc bảo rằng, lịch sử dù đã minh oan cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ nhưng những dấu vết về vợ chồng người anh hùng dân tộc dần bị xóa nhòa, có đi chăng nữa cũng chỉ còn lại những huyền thoại lưu truyền qua trang giấy. Chúng ta phải làm một điều gì đấy, tỉ như việc khôi phục lại di tích để có chỗ mà phụng thờ, mà nhắc đến và nhớ lại.
Khi muốn cho người đúc tượng vợ chồng Nguyễn Trãi để đặt trong ba đền thờ ở Khuyến Lương (Hà Nội), Tân Lễ (Thái Bình) và Lệ Chi Viên (Bắc Ninh) thì gặp sự khó. Chân dung Nguyễn Trãi thì người đời trước đã để lại, nhưng còn Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ thì không có.
Thầy Chúc và họa sĩ Trịnh Yên rất băn khoăn, đọc hết các sử liệu cũng chỉ biết đó là một phụ nữ sắc sảo, xinh đẹp. Còn dung nhan thực sự thế nào thì không thể hình dung ra được. Nếu cứ phác thảo hình tượng rồi cho đúc tượng thì không ổn, phải có một căn cứ nào đó cụ thể.
Có lần đặt vấn đề làm tượng bà Nguyễn Thị Lộ với GS Phan Huy Lê, nhưng GS Lê đã phải gàn thầy Chúc nên dừng lại. Tuy nhiên, vì đau đáu với quá khứ mà thầy Chúc hạ quyết tâm phải hoàn thành.
Sau một thời gian dài, trong ngôi nhà của họa sĩ Trịnh Yên, hai người khấn vong linh Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Trong lúc xuất thần, họa sĩ Trịnh Yên đã phác thảo xong chân dung. Thầy Chúc xem mà ngỡ ngàng, bức chân dung khá giống với giấc mộng mà thầy từng trải qua.
Khi đã có hình chân dung của bà Nguyễn Thị Lộ, việc làm tượng cũng khiến thầy Chúc phải đau đầu suy nghĩ. Thầy không biết phải làm ra sao, cao lớn, trọng lượng thế nào cho phải.
Và lại trong một giấc mơ khác, khi thầy Chúc vừa chợp mắt thì có tiếng người nói nhỏ vào tai: Có làm thì làm cao 2,71m là được. Thầy Chúc chợt tỉnh, tưởng có ai nói bên cạnh, nhưng soi đèn thì làm gì có ai. Trời khi ấy đương lúc nửa đêm.
Vậy là các bức tượng về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cao đúng 2,71m. Bức tượng được tạc bằng đá nguyên khối trắng phau như tuyết. Tay phải mềm mại cầm chiếc bút lông với nét mặt thanh thản viết lên trời xanh tấm lòng trong sáng của mình.
Ai từng đến Lệ Chi Viên sẽ được chiêm ngắm tượng đài đẹp đẽ ấy ở phía bên phải đền thờ. Đối diện tượng đài là “Giọt lệ” bằng đá hoa cương đỏ đặt trên một cuốn sách mở, tượng trưng cho tri thức. Đế là ba vòng tròn đồng tâm tạo thành tam cấp, ngầm ý ba họ bị tru di. Tượng đài như một giọt lệ đang rơi trên cuốn sách.