Chuyện kỳ bí về xác nữ học sỹ trong đại án oan Lệ Chi Viên

Đã hơn 5 thế kỷ trôi qua, vụ án Lệ Chi Viên vẫn còn ám ảnh đối với hậu thế về nỗi oan trái của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và vợ của ông - nữ học sỹ Nguyễn Thị Lộ.

Chuyện kỳ bí về xác nữ học sỹ trong đại án oan Lệ Chi Viên

Trong vụ án này, Nguyễn Trãi và hơn 400 người trong dòng họ của mình bị đưa ra xử tử, riêng bà Nguyễn Thị Lộ bị dìm chết trong làn nước chảy xiết của sông Hồng. 

Hiện nay, người đời vẫn kể rằng, xác chết của bà đã trôi dạt theo sông Hồng và tấp vào ngôi làng trước đây mà bà cùng chồng của mình mở trường dạy học.

Về nơi lưu dấu người phụ nữ tài hoa

Từ hàng ngàn năm nay, sông Hồng vẫn vậy, thân thuộc nhưng bí ẩn, giữ trong mình vô vàn câu chuyện về kiếp hồng nhan mong manh, những hàm oan thế kỷ và vô số nỗi đau đến quặn lòng. 

Nằm bên sông Hồng huyền thoại, được con đê Nguyễn Khoái ôm trọn vào lòng, làng Khuyến Lương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) ẩn chứa nhiều bí mật mà chưa ai có thể lý giải được.

Dẫu trải qua sự biến thiên của thời gian và lịch sử nhưng người dân nơi đây vẫn giữ nguyên những ký ức về nữ học sỹ Nguyễn Thị Lộ và danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Với họ, đó là cách để ghi ơn các bậc tiền nhân, những người có công với làng, với nước.

Đứng trước ngôi đền thờ Nguyễn Trãi tại ngôi làng cổ này, chúng tôi liên tưởng đến cảnh đọc sách, bình văn của ông đồ Nguyễn Trãi và nữ học sỹ Nguyễn Thị Lộ năm xưa. Cảnh cũ, người đâu? Hơn 500 năm như một giấc mơ dài ghi dấu những nỗi đau khó tả.

Nói chuyện với PV, ông Lê Văn Thi (76 tuổi), người trông đền thờ Nguyễn Trãi cho biết, ngôi đền đã có lịch sử hơn 400 năm. Đền được dựng lên trên nền đất cũ, nơi Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ dựng lớp để dạy học trò. Được biết, trước khi vào Thanh Hóa theo Lê Lợi khởi nghĩa, cặp trai tài, gái sắc Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã sinh sống ở mảnh đất này.

Thời điểm đó, Nguyễn Trãi đang bị quân Minh theo dõi. Chính vì vậy, việc ông chọn vùng đất cạnh thành Đông Quan (Thăng Long) ở là vừa để che mắt địch vừa để mưu tính cơ đồ. 

Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, có thời điểm vợ chồng cụ đồ bị nghi ngờ dính líu đến nghi án mưu phản của Trần Nguyên Hãn (thời bấy giờ, bọn gian thần cho rằng Trần Nguyên Hãn có ý mưu phản, chính sự đặt điều ác ý này khiến Trần Nguyên Hãn phải nhảy sông tự vẫn) nên hai người đã chọn vùng đất này làm nơi ẩn mình.

Ông Lê Văn Thi cho rằng, cảnh vật trong bài thơ “Góc thành nam, lều một gian” được các nhà khoa học Vũ Khiêu, Hoàng Đạo Chúc khẳng định là Nguyễn Trãi viết về cảnh vật nơi đây. 

Có thể khẳng định, với Nguyễn Trãi và nữ học sỹ Nguyễn Thị Lộ thì làng Khuyến Lương là mảnh đất lành để họ có thể tá túc và mưu sự cơ đồ.

Để tưởng nhớ đến công lao của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, vào ngày 16/8 âm lịch hàng năm (ngày này vào năm 1442, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ cùng hơn 400 người trong họ tộc bị xử án tru di), dân làng Khuyến Lương lại tổ chức lễ hội. Nhưng có lẽ chẳng ở đâu trên thế giới có lễ hội mà không kèn, không trống, người đi hội không được nói to, không một nụ cười.

Ly kỳ chuyện xác chết tự tìm về làng cũ!?

Cũng tại làng quê này, hiện có miếu thờ nữ học sỹ Nguyễn Thị Lộ sát chân đê Nguyễn Khoái. Đặt chân vào khu miếu thờ này, PV thực sự xúc động bởi sự nhỏ bé, đơn sơ của nó. 

Chúng tôi thắp một nén hương gửi tới người xưa mà lòng quặn đau. Số phận và lịch sử đã gán cho bà một nỗi hàm oan nghiệt ngã – lập mưu giết vua và cái thói đa tình. 

Miệng thế gian còn gắn cho bà bằng giai thoại “rắn báo oán” để nhằm bôi nhọ phẩm hạnh cao quý của người phụ nữ đã hết mình vì đất nước, gia đình .

Quanh cái chết của nữ học sỹ Nguyễn Thị Lộ, đến nay người dân nơi đây vẫn truyền tụng câu chuyện ly kỳ về việc xác của bà theo sông Hồng trôi dạt về chính làng Khuyến Lương một cách kỳ lạ.

Theo ông Trần Văn Vượng, 86 tuổi (thủ từ của miếu thờ Nguyễn Thị Lộ) thì trước đây các cao niên trong làng có kể rằng, nơi ngôi miếu này được xây chính là nơi xác bà Nguyễn Thị Lộ tấp vào làng. 

500 năm trước, sau khi bị xử tử bằng cách dìm xuống sông Hồng, không hiểu vì lý do gì mà dòng nước sông lại đẩy xác bà vào chính ngôi làng nơi bà cùng chồng từng mở lớp dạy học. 

Cũng theo ông Vượng, thời điểm bà Nguyễn Thị Lộ bị xử tội chết là vào giữa tháng Tám. Hàng năm, thời điểm này sông Hồng lũ to, nước lên cao nên tràn ngập vào tận chân đê Nguyễn Khoái bây giờ là chuyện bình thường.

Câu chuyện đó khiến chúng tôi ngỡ ngàng bởi sự trùng lặp khó có thể lý giải. Bởi, trong vụ án tru di tam tộc thì bà Nguyễn Thị Lộ bị xử tử bằng cách nhốt vào sọt rồi dìm xuống sông Hồng. 

Đến nay, nơi xử tử bà vẫn không thể xác định chính xác đó là khúc sông nào. Nhưng theo nhiều người thì địa điểm đó phải gần kinh thành Thăng Long. 

Chính vì vậy, câu chuyện xác bà Nguyễn Thị Lộ trôi dạt về làng Khuyến Lương và tấp vào nơi bà từng mở trường dạy học cùng chồng là hiện tượng bí ẩn...

Hậu thế giải oan cho người phụ nữ tài sắc

Để minh oan cho nữ học sỹ Nguyễn Thị Lộ, nhiều nhà giáo, nhà khoa học như nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, nhà giáo Vũ Khiêu... đã đi vận động các nhà sử học, nhà văn hóa, nghệ thuật mở hội thảo “Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên”.

Kết quả đã có hàng trăm tiếng nói vang lên tôn vinh Nguyễn Thị Lộ “một nữ sỹ tài hoa, một nhà giáo nữ sớm nhất được biết tên, văn chương phẩm hạnh tuyệt vời, người bạn đời tâm đầu ý hợp của danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. 

Hơn nữa, chính bà đã cùng chồng cứu sống mẹ con Hoàng phi Ngô Thị Ngọc Dao và Hoàng tử Tư Thành, bảo vệ cho đất nước một minh quân lỗi lạc của văn hóa Đại Việt, Hoàng đế Lê Thánh Tông”.

Truyền thuyết rắn báo oán

Truyền thuyết về việc rắn báo oán có ghi lại, đời Nguyễn Phi Khanh (cha Nguyễn Trãi, là thầy đồ), trong một lần chuẩn bị cho học sinh dọn cỏ, đêm hôm trước, ông nằm mộng thấy một người phụ nữ đến khẩn khoản nói rằng xin thư lại cho ít hôm để dọn nhà vì các con còn nhỏ. 

Đến trưa, có học trò báo lại, họ đào phải một hang rắn. Vì rắn định cắn nên họ đã đánh chết 3 con con và làm đứt đuôi con mẹ. Phi Khanh chợt hiểu ra người đàn bà trong giấc mơ là rắn đội lốt báo mộng xin thầy trò ông nương tay. Ông thở dài: “Thế là ta đã không cứu được họ rồi”.

Mấy ngày sau, trong khi Phi Khanh đang ngồi đọc sách thì trên xà nhà có con rắn bò. Đuôi của nó nhỏ máu xuống trang sách của ông đúng vào chữ “đại” và máu thấm qua 3 trang giấy. 

Sau này, Nguyễn Trãi, con trai của ông có gặp một người phụ nữ tài danh là Nguyễn Thị Lộ, bèn lấy bà làm thiếp. Vì bà có học thức nên được vua Lê Nhân Tông cho vào triều làm Lễ nghi học sỹ để dạy cho cung tần mỹ nữ của mình.

Năm 1442, Nhân Tông về miền Đông tuần du rồi băng hà ở Lệ Chi Viên. Khi vua mất chỉ có một mình Nguyễn Thị Lộ theo hầu. Lập tức Nguyễn Trãi bị khép tội cùng Thị Lộ âm mưu giết vua. 

Ngay sau đó triều đình tru di 3 họ Nguyễn Trãi gây ra một vụ án tàn khốc nhất lịch sử. Kể rằng, khi xử tử, vừa cởi trói cho Nguyễn Thị Lộ thì bà đã biến thành một con rắn rồi bò đi. Người đời cho rằng, con rắn trên đã biến thành Nguyễn Thị Lộ để báo oán cha con họ Nguyễn.

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ