“Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi - tâm hồn đẹp, nhân cách lớn

GD&TĐ - Thơ hay tựa ô cửa khai mở vẻ đẹp trong bề sâu tâm hồn con người.

Minh họa: IT
Minh họa: IT

Giữa những ngày cuối hạ, lắng sâu cảm xúc trữ tình của Nguyễn Trãi trong thi phẩm “Cảnh ngày hè”, ta mến yêu hơn một tâm hồn đẹp, trân quý hơn một nhân cách lớn của một bậc đại nhân.

Cuộc đời bi hùng

Cuộc đời Nguyễn Trãi có lẽ kết đọng lại bởi hai chữ: BI HÙNG. Người anh hùng tận trung với nước, trọn nghĩa với dân, vị quân sư tài trí, mưu lược góp công đầu làm nên những chiến thắng quân cuồng Minh xâm lược thế kỉ XV lại nhận một một kết cục bi thương với vụ án oan Lệ Chi Viên oan khuất ngàn đời. Âu cũng tại thế thời bất công, trong đục khôn lường: “Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng, Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi”.

Nương theo số phận ấy toàn bộ thư tịch, văn chương của ông bị đốt bỏ. May thay, tạo hóa công bằng, oan khiên được gột rửa, văn thơ ông “còn xanh” mãi với thời gian. Bên cạnh những bài văn chính luận mẫu mực có sức mạnh hơn “mười vạn tinh binh” là những áng thơ trữ tình chứa chan nỗi niềm, đong đầy tâm trạng. Lắng sâu, giản dị, bài thơ “Bảo kính cảnh giới 43” hé lộ cho người đọc khám phá vẻ đẹp tâm hồn Ức Trai: Hòa hợp với thiên nhiên cuộc sống, nặng lòng lo nước thương dân.

Hòa mình với thiên nhiên

Một đời lo nước, bận bịu nghìn việc, trăm công, thế nên câu thơ mở đầu thể hiện một hoàn cảnh đặc biệt của thi nhân: “Rồi, hóng mát thuở ngày trường”. Rồi nghĩa là rỗi rãi, không vướng bận. Ngày trường tức ngày dài. Cách ngắt nhịp: Một, hai, ba kết hợp với thanh bằng ở cuối câu thể hiện một tâm thế ung dung, thảnh thơi.

Với Nguyễn Trãi, cả ngày dài an nhàn, thư thái, họa hiếm lắm. Có thể bài thơ được viết khi ông lui về Côn Sơn ở ẩn nên mới có cơ hội bầu bạn với thiên nhiên. Câu thơ lục ngôn mở đầu đã khá đầy đủ về thời gian, hoàn cảnh, tâm trạng của nhà thơ. Và từ hoàn cảnh, tâm thế đó, thi nhân đã vẽ nên một bức tranh sống động về cảnh ngày hè. Thiên nhiên, cuộc sống hiện lên trong trang thơ Nguyễn Trãi với nhiều màu sắc, hình ảnh, âm thanh:

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

Thạch Lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

“Thi trung hữu họa”, có điều bức họa cảnh ngày hè được Ức Trai vẽ bằng ngôn từ đặc sắc: Đùn đùn, giương, phun, tiễn. Các động từ mạnh thể hiện tính chất của cảnh là luôn trong trạng thái cựa quậy, vận động, ứa căng, tràn đầy nhựa sống. Đó là nét thú vị bởi thời điểm nhà thơ tả cảnh là cuối chiều, lúc Mặt trời lặn (tịch dương). Bức tranh thiên nhiên hiện lên bởi đủ loại sắc màu tươi tắn, rực rỡ.

Tán cây hòe xanh, tỏa rộng bóng mát, hoa lựu đỏ chói chang, thêm vào đó là sắc hồng của hoa sen. Hòa cùng màu sắc là âm thanh rộn rã của tiếng cầm ve. Âm thanh ấy làm cho khung cảnh ngày hè thêm phần sôi động. Thi nhân cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên bằng rất nhiều giác quan: Thị giác, thính giác, khứu giác. Đặc biệt nhất, cảnh vật được đón nhận bằng một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, chan hòa với thiên nhiên đất trời. Có thể nói, sau cảnh là tình yêu thiên nhiên tha thiết của một tâm hồn thi sĩ.

Cảnh thiên nhiên ngày hè đẹp, tràn đầy nhựa sống, cảnh ấy càng tuyệt hơn khi hòa cùng âm thanh cuộc đời: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ”. Câu thơ miêu tả âm thanh rất đỗi thân quen của một chợ cá làng chài. Từ láy “lao xao” gợi sự nhộn nhịp, lời qua tiếng lại của kẻ bán người mua. Từ đó mở ra một liên tưởng về cuộc sống ấm no, tấp nập đông vui. Điều đó khác với phiên chợ tàn buồn vắng trong văn Thạch Lam sau này: “Chợ họp giữa phố vãn từ lâu, người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”. Vậy đấy, câu thơ tha thiết một tình yêu, sự gắn bó với cuộc sống. Đó là biểu hiện của một tâm hồn đẹp trĩu nặng tình đời. 

Nặng lòng với dân với nước

“Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi kết cấu một cách đặc biệt. Nếu sáu câu đầu nghiêng về tả cảnh, thì hai câu kết đọng lại ở tình. Đó là ân tình đẹp của một con người trọn đời lo nước thương dân:

Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương

Thì ra thiên nhiên dẫu đẹp, cuộc sống dẫu vui cũng không thể làm ông nguôi quên nhân dân, đất nước. Thi sĩ nhàn thân mà chẳng được nhàn tâm. Dường như canh cánh trong sâu thẳm nỗi lòng Ức Trai là nỗi thương dân. Tình thương kết thành ước nguyện đẹp. Có được cây đàn của vua Thuấn gảy khúc Nam Phong cho muôn dân giàu có, no đủ khắp muôn nơi. Nguyễn Trãi thật tinh tế lấy cái xưa để thổ lộ lòng mình.

Cách dùng điển tích trong văn học cổ quen thuộc mà giàu ý nghĩa. Kết hợp với câu thơ lục ngôn cảm xúc dồn nén để rồi vút lên một niềm khao khát cao đẹp. Chẳng phải mong ước dành cho riêng ông, mà là “Dân giàu đủ khắp đòi phương”. Thế là đủ ! Thôn cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận oán sầu, chỉ mong muôn dân no đủ.

Câu thơ nặng trĩu một tấm lòng yêu nước, thương dân. Thêm một lần tình cảm cao đẹp, tấm lòng đau đáu vị nước, vị dân ấy được Ức Trai gửi trọn trong thơ. “Bui có một lòng trung lẫn hiếu. Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen”.

Sinh thời, Bác Hồ muôn vàn kính yêu ao ước: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Hai con người, hai nhân cách lớn vời vợi cách xa cả mấy trăm năm gặp gỡ nhau ở một tấm lòng đẹp. Tấm lòng yêu nước, thương dân đậm sâu sẽ lấp lánh mãi ngàn đời, soi sáng cho chúng ta vững bước giữa muôn nẻo gian nan.

Bài thơ tả cảnh mà chan chứa tình. Qua đó, ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách Nguyễn Trãi, yêu thiên nhiên cuộc sống, yêu nước thương dâu sâu nặng. Nội dung ấy được truyền tải trong một thi phẩm cô đọng, giàu hình ảnh, cảm xúc. Ve ngừng kêu, sen nhạt hương, đọc lại “Cảnh ngày hè”, ta đắm say vẻ đẹp thiên nhiên, mến phục tài năng tấm lòng của Ức Trai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ