(GD&TĐ) - Ông Lê Minh Thưởng - chủ nhân của 5 cây thị (cây di sản Việt Nam) ở xóm 2, xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc (Nghệ An) là người từng có 10 năm bảo vệ Bác Hồ, nhiều năm làm đội trưởng săn bắt cướp ở Công an Nghệ Tĩnh. Trong thời gian này, ông Thưởng đã cùng đồng đội bắt sống tướng cướp Trương Hiền, nguyên mẫu của nhân vật trong tiểu thuyết “Người không mang họ”.
Cận vệ của Bác Hồ
Chúng tôi tìm về nhà ông Thưởng để tìm hiểu về 5 cây thị cổ có niên đại hơn 700 năm vừa được công nhận "Cây di sản Việt Nam". Thật thú vị khi biết ông Thưởng là người từng có 10 năm bảo vệ Bác Hồ. Người cận vệ năm xưa, bây giờ đã gần 80 tuổi nhưng trông ông vẫn còn tráng kiện và minh mẫn, những kí ức, những mốc thời gian được ở gần Bác vẫn vẹn nguyên, in sâu trong tâm trí ông.
Năm 1959, chàng trai 17 tuổi Lê Minh Thưởng ở xóm 2, xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc, Nghệ An) được tuyển vào đội Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Tháng 4/1959, Lê Minh Thưởng được triệu tập về học ở Trường C500 của Bộ Công an. Năm 1960 ra trường, ông nhận quyết định về công tác ở Cục Cảnh vệ với nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ.
Ngay trong ngày đầu tiên phục vụ Bác, ông cùng các đồng chí đã được nghe những lời căn dặn sâu sắc của Bác đó là: Làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình. Nếu trong công tác các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công.
“Đối với anh em cận vệ chúng tôi, Bác đối xử như những đứa con trong nhà. Vui thì vui hết mình, nhưng khi làm việc thì lại nghiêm túc tuyệt đối. Vào làm công việc ở đây không dễ, phải cần cù, khiêm tốn, chịu khó và kỷ luật tốt. Bác đã từng nói với tôi rằng: “Biết thì nói, không biết thì hỏi, đừng im lặng. Im lặng có thể là giấu dốt hoặc tự cao tự đại" - Ông Thưởng nói.
Ông Thưởng nhớ lại, năm 1964 cùng Bác đi chợ Đồng Xuân xem bà con tiểu thương buôn bán, đồng bào mua hàng, sắm Tết thế nào. Kế hoạch của cảnh vệ đề xuất là có người sẽ đến giúp Bác cải trang nhưng Bác không đồng ý. Bác tự mặc áo bông, đội mũ và quàng khăn rồi đi. Bác đến khắp các dãy hàng trong chợ, qua từng cửa hàng, đứng nhìn, ngắm, thậm chí hỏi mua hàng nhưng không ai nhận ra Bác.
Khi đến dãy hàng cuối cùng của chợ, có một em bé suýt nhận ra Bác. Rất may một cảnh vệ ăn mặc giống Bác nhanh trí đứng chen lên phía trước. Thế là em bé không để ý nữa, thật là may.
Hơn 10 năm vinh dự là người được phục vụ trong đội cận vệ bảo vệ Bác Hồ, được sống và làm việc gần Bác, được Bác trực tiếp chỉ bảo và giáo dục đã để lại trong ông Lê Minh Thưởng một tình cảm kính yêu đặc biệt với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc về lối sống giản dị, tận tụy với công việc, hết lòng vì nước, vì dân. Vì vậy, tình cảm sâu nặng, sự trân trọng và lòng biết ơn với Bác trong ông được thể hiện qua từng việc làm và cả trong cuộc sống giản dị của ông. Hiện tại, căn nhà nhỏ bé của ông là nơi lưu giữ rất nhiều tư liệu về Bác Hồ mà ông đã cần mẫn sưu tầm. Với hàng nghìn bức tranh, ảnh, di vật, bút tích và bài viết về Bác Hồ trong suốt 43 năm qua, tất cả đều được ông lưu giữ cẩn thận và coi đó như những tài sản quý giá của mình.
Bắt sống tướng cướp “người không mang họ”
Ông Lê Minh Thưởng hướng dẫn khách đến tham quan |
Sau khi Bác mất, ông Thưởng lại được cử đi học chuyên tu 3 năm ở Trường C500. Xong khoá học, ông được điều về tăng cường cho Công an Nghệ Tĩnh với chức vụ đội trưởng SBC (săn bắt cướp). Nhận nhiệm vụ mới, ông Thưởng rất lo lắng, vì lúc bấy giờ ở Nghệ Tĩnh rất hỗn loạn về tệ nạn xã hội, nhiều băng nhóm trộm cướp mọc lên, gây bao nỗi kinh hoàng cho nhân dân. Nhưng vốn là người bản lĩnh, thông minh và mưu lược nên ông đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công vang dội. Triệt phá, hàng trăm băng nhóm trộm cướp, khám phá thành công hàng ngàn chuyên án... Thiết lập an ninh trật tự trên địa bàn chỉ trong một thời gian ngắn.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất trong ông là dẹp băng cướp do Trương Hiền (Toọng) cầm đầu - tên tướng cướp này người Đông Hà - Quảng Trị, hắn trốn trại giam của chế độ Nguỵ quyền Sài Gòn phiêu dạt về Vinh đã thu nạp trên 40 đệ tử tác oai, tác quái khắp vùng Thanh - Nghệ Tĩnh. Trương Hiền chính là nguyên mẫu trong tiểu thuyết “Người không mang họ” danh tiếng một thời. Đội SBC của ông nhiều lần mật phục, vây bắt nhưng Toọng vẫn tẩu thoát bởi hắn rất giỏi võ và liều lĩnh.
Ông Nguyễn Văn ở Hà Tĩnh, người công an trong đội SBC ngày đó, hiện nay đang sống tại Hà Tĩnh kể: "Nhiều lần vây bắt không thành, anh Thưởng và tôi đã cải trang, để theo dõi, với quyết tâm bắt bằng được tên này. Vào một buổi trưa, khi phát hiện tên Toọng đang đi qua một con khe gần ga tàu hỏa, anh Thưởng đã áp sát dùng vũ thuật quật ngã hắn. Mặc dù ngã và bị bẻ quặt tay phải ra đằng sau, nhưng tay trái hắn vẫn rút súng bắn vào đầu anh Thưởng, anh Thưởng né đầu, viên đạn sượt qua mang tai. Nhanh như cắt, anh Thưởng đánh bay súng và bắt giữ y".
Vụ án thứ 2 là bắt tên tướng cướp Sáu Côi, cũng không kém phần nghẹt thở và gay cấn. Tên này chuyên cướp trên tàu, những ai chống lại nó sẽ dùng súng AK bắn ngay, không thương tiếc. Độ lỳ của tên này còn hơn cả tên Trương Hiền. Sáu Côi lúc nào cũng kè kè súng AK trong người nên bắt được y là rất khó và nguy hiểm. Nhưng bằng sự dũng cảm, mưu trí của mình, ông đã tước súng bắt giữ tên Sáu Côi khi y đang chuẩn bị lia băng đạn vào ông và những người dân xung quanh. Đến giờ, khi nhắc về chuyên án bắt tên Sáu Côi, nhiều người vẫn còn nhớ rõ và khâm phục.
Ông già “di sản”
Với những gì cống hiến cho đất nước, ông Thưởng đã được tặng thưởng nhiều huân huy chương, huy hiệu các loại: Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân huy chương khác.
Năm 1990, ông Thưởng nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Ông vẫn tích cực tham gia các công tác xã hội như làm bí thư chi bộ xóm, chủ nhiệm câu lạc bộ sĩ quan công an nhân dân hưu trí huyện Nghi Lộc. Dù bất cứ nơi đâu, công việc gì ông đều làm tốt nhiệm vụ và được nhân dân yêu mến. Hiện nay về Nghi Thịnh, nhắc đến ông, người dân ai cũng hết lời ca ngợi với sự kính trọng và biết ơn.
Họ gọi ông là ông già di sản, không phải ông là chủ nhân của 5 cây thị di sản mà là chính là tư tưởng, đạo đức của ông đã ảnh hưởng lớn đến mọi người. Ông Phan Hùng một cán bộ hưu trí xã Nghi Thịnh nói: "Gia đình ông Thưởng là gia đình văn hoá, bản thân ông sống mẫu mực và cống hiến. Từ ngày về hưu, ông là trung tâm hòa giải rất tuyệt vời. Những mâu thuẫn, vướng mắc, rắc rối của các gia đình ở trong thôn xóm mà có ông đến là tất cả đều được giải quyết êm đẹp. Ngoài ra, ông còn tham mưu cho địa phương về phát triển đời sống kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Đặc biệt là vấn đề ANTT. Từ ngày có ông về, những tệ nạn trên địa bàn được đẩy lùi, an ninh trật tự được giữ vững. Ông Thưởng chính là "di sản" là tài sản quý giá của người dân chúng tôi".
Tiến Dũng