Vươn lên thoát nghèo
Tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, anh Hồ Văn Chung là tấm gương tiêu biểu về sự nỗ lực vượt khó làm giàu từ tiềm năng, lợi thế của quê hương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng sâu, vùng xa, bao đời chỉ biết sống nhờ vào nương rẫy, cuộc sống của gia đình anh Chung và người dân trong xã rất khó khăn, thiếu thốn. Cuộc sống vất vả quanh năm đã nung nấu thêm ý chí thoát nghèo trong anh. Anh Chung nghĩ rằng, muốn thoát đói nghèo, lạc hậu thì không có cách nào khác là phải dám nghĩ, dám làm, đổi mới cách làm ăn.
Cơ duyên làm thay đổi nhận thức và thói quen trong sản xuất nông nghiệp đã đến với anh khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do Hội Nông dân xã phối hợp với các phòng, trạm liên quan của huyện tổ chức.
Đặc biệt năm 2003, khi Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa xây dựng tại xã Thuận hoàn thành đưa vào hoạt động, được sự hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ hom giống, phân bón của nhà máy, anh Chung đã mạnh dạn đầu tư công sức, tiền vốn khai hoang đất đồi để trồng sắn nguyên liệu KM94 và diện tích sắn của gia đình anh cứ mở rộng dần theo từng năm. Đến nay, diện tích sắn của gia đình anh đã lên đến 8 ha.
Anh Chung cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng trồng sắn trên triền đồi nương rẫy, nhưng lúc đó, củ sắn thu hoạch về chủ yếu là để ăn chống đói. Nếu có dư ra thì xắt lát phơi khô, chờ tiểu thương dưới xuôi lên mua.
Nhưng từ khi có Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, nhà máy đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm, nên tôi chỉ có việc tập trung thâm canh, đầu tư để trồng sắn nguyên liệu đạt năng suất cao. Niên vụ sắn năm nay, gia đình tôi đã nhập cho nhà máy 7 xe sắn, số tiền thu về trên 90 triệu đồng.
Cùng với trồng sắn nguyên liệu, những năm gần đây nhận thấy các hộ nông dân ở các xã Thuận, Tân Long có thu nhập cao từ cây chuối, gia đình anh Chung đã khai hoang đất đồi trồng chuối, bình quân mỗi năm thu về hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn trồng 2 ha bời lời, nuôi 7 con bò, nuôi thêm lợn và các loại gia cầm. Mới đây, gia đình anh đã bán 2 con bò thu về 35 triệu đồng.
Nhờ siêng năng làm lụng lại giỏi căn cơ tính toán, nên từ chỗ là hộ nghèo của địa phương, gia đình anh Chung đã có của ăn, của để, xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa các tiện nghi đắt tiền, nuôi các con ăn học chu đáo.
Còn ông Hồ Văn Chung, dân tộc Vân Kiều ở thôn Thanh Ô, xã Thanh, huyện Hướng Hóa cũng là tấm gương sáng về hành trình vươn lên thoát nghèo. Ông Chung cho hay, trước đây, gia đình ông đã trồng sắn trên triền đồi nương rẫy, nhưng thời đó củ sắn thu hoạch về chủ yếu để cứu đói. Nếu có dư ra thì chúng tôi xắt lát, phơi khô rồi chờ tiểu thương từ xuôi lên mua.
Nhưng từ khi có Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, họ bao tiêu toàn bộ sản phẩm, gia đình anh đã đầu tư khai hoang đất đồi trồng sắn và đến nay gia đình đã trồng 8 ha, bình quân mỗi vụ sắn sau khi trừ chi phí gia đình thu về hơn 100 triệu đồng. Có được những kết quả này là nhờ sự quan tâm của Chính quyền địa phương, đặc biệt là nhờ hiệu quả của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nông dân huyện Hướng Hóa trồng sắn đến thoát nghèo. |
Giảm nghèo bền vững
Tại Quảng Trị, trong những năm qua, được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã có những tiến bộ vượt bậc về cơ sở hạ tầng, năng lực tiếp cận các dịch vụ xã hội, thu nhập, sản xuất và đời sống... Tỉ lệ hộ nghèo trong vùng giai đoạn 2016-2020 giảm từ 41,65% xuống còn 25,05%.
Tuy nhiên, đây vẫn là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương, đặc biệt là đồng bào DTTS. Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị là 49,51%, cao hơn đáng kể so với tỉ lệ nghèo chung toàn tỉnh 19,44%. Khả năng phát triển bằng nội lực của đồng bào DTTS còn hạn chế; một số tệ nạn mới, nhất là ma túy có xu hướng diễn biến phức tạp trong cộng đồng.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong bối cảnh có nhiều thách thức đối với mục tiêu phát triển bền vững, vùng đồng bào DTTS và miền núi cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng đón nhận Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỷ đồng.
Đây là chương trình lớn của quốc gia, là động lực quan trọng để vừa khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế, vừa góp phần giải quyết các vấn đề cả về cấp bách lẫn lâu dài đối với mục tiêu phát triển bền vững vùng miền núi.
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị đầy đủ các nội dung về cơ chế, chính sách, nguồn lực và con người để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tuy nhiên, đây là chương trình lần đầu triển khai thực hiện, có nhiều nội dung phức tạp, một số văn bản của bộ, ngành Trung ương chưa đầy đủ... nên việc triển khai còn nhiều khó khăn, lúng túng.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, để triển khai Chương trình đạt hiệu quả cao nhất, cần tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân, từ đó góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng "phên dậu" của quốc gia.
Với hệ thống chính sách toàn diện của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, các cấp địa phương, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh vùng đồng bào dân tộc sinh sống duy trì ở mức cao và tương đối ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cơ sở hạ tầng từng bước được kiện toàn, đồng bộ hóa.