Đáp ứng yêu cầu bức thiết
“Những năm trước, dư luận xã hội, nhân dân, cử tri, phụ huynh rất băn khoăn, lo lắng, có nhiều ý kiến phản ánh về yêu cầu cấp thiết phải đổi mới giáo dục. Giáo dục không đáp ứng yêu cầu mới. Chương trình bị đánh giá nặng nề, lạc hậu, thiên về dạy kiến thức, ít chú trọng kỹ năng, truyền tải kiến thức một chiều...” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng chỉ ra thực trạng dẫn đến yêu cầu cấp thiết phải đổi mới GD-ĐT. Ông phân tích, bấy giờ giáo dục phổ thông vẫn thực hiện theo Luật Giáo dục cũ, chưa phản ánh tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Vì vậy, Quốc hội đã tiến hành giám sát tổng thể về giáo dục phổ thông, từ đó ban hành Nghị quyết 88.
6 năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều hoạt động để hiện thực hóa mục tiêu trong Nghị quyết 88, chuyển đổi cơ bản phương thức giáo dục từ nặng về dạy kiến thức sang phát triển năng lực của HS, từ dạy chữ sang dạy người, nhằm phát triển HS toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Nếu như trước đây SGK được coi là “pháp lệnh”, thì bây giờ có nhiều SGK để triển khai một chương trình. Việc thực hiện Nghị quyết 88 với việc đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT nhận thức đây là một nhiệm vụ quan trọng. Toàn ngành xác định đổi mới phải từ việc xây dựng nhà trường, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách đánh giá và công tác quản lý theo hướng từ quản lý sang quản trị để giúp nhà trường thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT bảo đảm chất lượng”.
Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về việc triển khai Nghị quyết 88, Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn ra 4 ghi nhận bước đầu của việc đổi mới chương trình, SGK: Thứ nhất, công tác triển khai, chỉ đạo của ngành xuống từng địa phương rõ ràng, bài bản; Thứ hai, tinh thần nhập cuộc một cách tích cực của các địa phương; Thứ ba, về cơ bản các địa phương đã lựa chọn được đội ngũ có năng lực để bảo đảm thực hiện tốt chương trình, SGK mới từ năm học đầu tiên; Thứ tư là triển khai tập huấn song song trực tiếp và trực tuyến.
Thấm đến từng giáo viên
Cô Đinh Duyên Thịnh, GV Trường TH và THCS Victoria Thăng Long, Thanh Oai (Hà Nội) cho rằng, đổi mới chương trình, SGK là cơ hội tốt để GV đổi mới mình. Cô Thịnh nhìn nhận: “Nghiên cứu sách hướng dẫn cho GV chúng tôi nhận thấy tính kế thừa chương trình cũ, nhưng tích hợp nhiều yếu tố phù hợp với yêu cầu đào tạo thế hệ công dân mới. Đó là việc tuân thủ ba nguyên tắc: Huy động hiểu biết vốn có của HS; dạy học qua các trò chơi; có sự tương tác nhiều chiều giữa HS và GV để các em được sống trong mỗi bài học. Kết quả là học trò yêu việc học, ý thức, nền nếp hơn”.
Đổi mới là cơ hội, cũng là thách thức liên quan đến đội ngũ giáo viên. Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết, muốn phát triển HS năng lực nào thì phải tổ chức cho HS những hoạt động tương ứng. Thay vì giảng cho HS nghe thì phải tổ chức cho HS làm. Vấn đề là bồi dưỡng để giáo viên vận dụng đúng phương pháp. “Vì vậy, chúng tôi đổi mới phương thức tổ chức bồi dưỡng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên cốt cán, từ đó lan tỏa trở về địa phương”.
Thầy Đào Chí Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cho rằng, GV có tác động then chốt đến chất lượng đổi mới giáo dục, muốn họ thay đổi thì phải cho họ tâm thế sẵn sàng. Có điều, một bộ phận không nhỏ GV còn e ngại tiếp cận cái mới. Thầy Minh chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc với câu nói này: Năng suất lao động nói chung, năng suất sư phạm nói riêng là tích của 3 thừa số: Biết làm, tạo điều kiện để làm và tạo động lực để làm. Sẵn sàng cho đổi mới là chấp nhận hành trình gian nan, thách thức, vướng đâu gỡ đó”.
Giáo dục phổ thông tác động trực tiếp đến khoảng 1/4 dân số đất nước, nên việc đổi mới chương trình, SGK, đổi mới giáo dục phải tiếp tục triển khai, hoàn thiện. Thách thức, khó khăn thời gian qua là cách để nhìn nhận, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Hàng loạt vấn đề đặt ra cũng đòi hỏi sự tập trung nguồn lực cần thiết tạo ra điều kiện tối thiểu cho cuộc đổi mới này.