Đó là chia sẻ của GS Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
GS.TS Đỗ Đức Thái cho biết: Chương trình môn Toán hiện nay được xây dựng trên phương châm là tiếp cận nội dung, có nghĩa là chúng ta quan tâm nhiều đến học sinh được học cái gì, biết bao nhiêu dạng bài tập và giải được các dạng bài tập gì. Bai tập càng lắt léo càng tốt.
Phương pháp dạy học về cơ bản là truyền thụ. Vào lớp các thầy cô thương dạy theo quy trình: Ôn lại bài cũ mấy phút, sau đó viết tên bài mới (định nghĩa, tính chất sơ bộ, cho giải một số bài tập để nắm được định nghĩa đấy).
"Chúng ta rất ít tạo cơ hội để học sinh tự kiến tạo kiến thức. Và đỉnh cao nhất là trong kì thi đại học, trong đề thi có một bài toán rất khó. Ở đấy chúng ta bắt học sinh giải những chương trình hoặc bất phương trình mà như tôi, người làm toán chuyên nghiệp và công tác trong ngành nhiều năm cũng không bao giờ dùng đến".- GS Đỗ Đức Thái bày tỏ.
Bức tranh như thế, quan điểm như thế cho chúng ta thấy rằng việc quá tải hiện nay nằm cả trong 3 thành phần của tiến trình giáo dục: Nội dung chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Và trên hết nó bắt đầu bằng một triết lí giáo dục ít thể hiện được ứng dụng toán học vào thực tiễn.
Bây giờ chương trình môn Toán mới muốn giảm tải thì phải giải quyết tình trạng trên.
GS Đỗ Đức Thái chia sẻ: Chúng tôi đưa ra nguyên tắc thiết kế chương trình và đồng thời cũng là kim chỉ nam cho phương pháp dạy học là phải đi từ cụ thể đến trìu tượng, đi từ dễ đến khó.
Những đơn vị kiến thức ở thời điểm hiện nay học sinh thấy khó mà ngày mai học sinh thấy dễ do sự phát triển tâm sinh lí thì nên dạy ở ngày mai. Còn những đơn vị kiến thức mà nặng với học sinh, chưa thích hợp với học sinh, chưa thiết thực phục vụ sự hình thành phát triển năng lực môn toán mới thì chúng tôi bỏ.
Ví dụ như chúng tôi không trình bày, không đi sâu vào trình bày những kĩ thuật phân tích đa thức thành phân tử ở chương trình lớp 8 một cách phức tạp. Chúng tôi bỏ hẳn chương số phức ở lớp 12.
Nhìn chung chương trình môn Toán mới giảm nhẹ yêu cầu giải bài tập. Chương trình mới xác định phương châm: Tinh giảm, thiết thực, hiện đại và phải khơi được nguồn sáng tạo của người học, khơi gợi được sự sáng tạo của người học.
Nói đến sáng tạo thì chúng ta nhìn thấy năng lực tư duy, suy luận, khả năng khái quát, giải quyết vấn đề. Sáng tạo là đỉnh cao của khoa học.