Chương trình mới cần thêm nhiều nguồn lực để đi đúng lộ trình

GD&TĐ - Thầy cô, nhà trường đều mong muốn có thêm nhiều nguồn lực thực hiện Chương trình mới...

Trường THPT Lê Hồng Phong (TP Hải Phòng) đi đầu đưa âm nhạc vào giảng dạy.
Trường THPT Lê Hồng Phong (TP Hải Phòng) đi đầu đưa âm nhạc vào giảng dạy.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã nỗ lực vượt khó khăn, từng bước đưa Chương trình GDPT mới đi đúng lộ trình. Tuy nhiên, để đạt kết quả như kỳ vọng, thầy cô, nhà trường đều mong muốn có thêm nhiều nguồn lực để vơi bớt nhọc nhằn.

Trao quyền cho giáo viên

Cơ cấu giáo viên các môn tại một số trường không đồng đều. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mặc dù được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Nhiều trường còn thiếu phòng học chức năng, phòng bộ môn; diện tích sân chơi, bãi tập chưa bảo đảm. - Ông Khổng Văn Thiện (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ)

Năm học 2022 - 2023 lần đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10. Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu cũng như các trường THPT khác đều thực hiện song song Chương trình GDPT 2006 (khối 11 và 12) và Chương trình GDPT 2018 (khối 10).

Theo thầy Vương Văn Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, việc thực hiện kế hoạch giáo dục các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc đảm bảo đúng quy định, phù hợp điều kiện. Hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục hướng nghiệp được nhà trường chú trọng.

“Nhà trường đã trao quyền xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục cho từng tổ, cá nhân. Tổ chức dạy học theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm. Cùng với đó, đa dạng hình thức như dạy 2 buổi/ngày, tăng cường tiết học ngoài trời, dạy học qua các ứng dụng điện tử… Nhờ thế, học sinh hình thành tư duy, logic vấn đề, phát triển các kỹ năng cần thiết tốt hơn”, thầy Tâm chia sẻ.

Tương tự, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Dào San (huyện Phong Thổ) xác định những năm đầu triển khai Chương trình GDPT mới sẽ có nhiều khó khăn. Do đó, trường đã bố trí giáo viên chuyên môn vững dạy các lớp học chương trình mới.

Thầy Hiệu trưởng Mai Văn Tường cho biết: “Chúng tôi chú trọng đổi mới phương pháp thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn liên trường. Hiện cơ bản giáo viên đáp ứng được tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018”.

Thầy Tường cũng khẳng định: Sách giáo khoa mới có nội dung phù hợp với từng lớp học, lứa tuổi học sinh. Nội dung bài học đề cập trong các bộ sách giáo khoa mới gắn với với cuộc sống, phát triển năng lực của học sinh trong thực tế, đáp ứng đúng yêu cầu của việc đổi mới. Kênh hình, kênh chữ rõ ràng, tạo sự thích thú của học sinh trong quá trình học tập.

Chú trọng triển khai Chương trình GDPT mới, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo lồng ghép, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình. Trang thiết bị được đầu tư theo hướng chọn lọc, bổ sung từng bước, ưu tiên đối với các hạng mục cần thiết, cấp thiết để phát huy hiệu quả.

NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu nhận định: Triển khai Chương trình GDPT mới tại Lai Châu đã đi vào nền nếp. Chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương về giảng dạy, học sinh được học 2 buổi/ngày. Chất lượng cả về đội ngũ lẫn người học được nâng lên. Từ đó, tạo được niềm tin đối với cha mẹ học sinh và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Thầy trò Trường DTNT THPT Nậm Nhùn ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Thầy trò Trường DTNT THPT Nậm Nhùn ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Không máy móc trong sáp nhập trường, lớp

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, chất lượng giáo dục của các bậc học trên địa bàn huyện Phong Thổ đều được nâng lên. Huyện giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp được đảm bảo. Số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm hơn 43%.

Mặc dù đạt được thành quả đáng khích lệ song việc triển khai Chương trình mới còn những khó khăn nhất định. Chia sẻ thông tin, bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ đồng thời viện dẫn: Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên ở một số trường trên cùng địa bàn. Trình độ, kỹ năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong quản lý và dạy học ở một số cán bộ, giáo viên hạn chế. Việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử, Địa lý cấp THCS gây khó khăn cho các đơn vị trong việc bố trí giáo viên giảng dạy.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn nhiều trường THCS chưa tổ chức dạy Tin học, Ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018 mà vẫn thực hiện Chương trình GDPT 2006 do chưa đủ điều kiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, môn Tin học có 48/110 trường, 207 lớp được học; môn Ngoại ngữ có 91/110 trường, 409 lớp (trong đó có 211 lớp 6 và 198 lớp 7).

Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới về chất lượng và cơ cấu, còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học. Đặc biệt thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật ở các cấp học. Nguyên nhân được xác định là khó tuyển dụng. Năm học 2022 - 2023, môn Tin học có chỉ tiêu tuyển dụng là 67 nhưng không tuyển được giáo viên nào. Còn môn Tiếng Anh có 82 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 3 giáo viên.

Trước những bất cập đó, tỉnh Lai Châu đã bàn thảo và đề ra giải pháp, lộ trình từng bước khắc phục, tháo gỡ. Đó là không lệ thuộc SGK cứng nhắc hay máy móc trong việc dồn dịch, chuyển trường. Không ép buộc trong việc phân luồng hướng nghiệp. Chủ động đổi mới giáo dục toàn diện để đưa Chương trình GDPT mới đi đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới.

NGƯT Đinh Trung Tuấn khẳng định: Ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân về sự nghiệp đổi mới GD&ĐT. Đồng thời, rà soát và có các giải pháp hữu hiệu sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên đảm bảo cơ cấu phù hợp; ưu tiên bố trí biên chế, bổ sung đủ số lượng giáo viên Tiếng Anh, Tin học. Cùng với đó, Lai Châu sẽ ưu tiên bố trí kinh phí, lồng ghép các nguồn lực và đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng cho việc triển khai Chương trình GDPT mới.

Sớm giải bài toán cơ sở vật chất

Hơn 20 năm xây dựng, nhiều hạng mục công trình của Trường THPT Lê Ích Mộc, huyện Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng) đã xuống cấp. Nhiều phòng học bị bong tróc, cửa sổ mối mọt, khu vệ sinh ngấm dột… ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học cũng như an toàn cho thầy trò nhà trường.

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường thiếu nhiều phòng chức năng như: Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc và không có sân chơi bãi tập cho học sinh. Thầy Quách Tân Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, từ năm 2019 nhà trường đã có văn bản báo cáo các cấp và đề nghị UBND TP bố trí nguồn đề sửa chữa. Đầu năm học 2022 - 2023, sở đồng ý với tờ trình của trường, bố trí nguồn để tu sửa 9 phòng học khu B.

Tiết học của cô trò lớp 3A2, Trường PTDTBT Tiểu học Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ.

Tiết học của cô trò lớp 3A2, Trường PTDTBT Tiểu học Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ.

Để khắc phục tạm thời những chỗ xuống cấp, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên để ý cơ sở vật chất, có vấn đề phản ánh kịp thời để nhà trường khắc phục. Khu vực phòng học có cửa sổ xuống cấp, trường chỉ đạo bảo vệ buộc chặt cửa tránh bị rơi.

Là huyện trọng điểm về công nghiệp của thành phố, An Dương đang đứng trước sức ép lớn về dân số. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở vật chất, phòng học trầm trọng trong các nhà trường.

Theo báo cáo của UBND huyện An Dương, xét về quy mô trường, lớp, số học sinh so với thành phố, huyện An Dương xếp thứ 2/14 quận huyện (sau huyện Thuỷ Nguyên). Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 71,68%, trong đó nhà trẻ đạt 34,85%, mẫu giáo đạt 95,56%. Sở dĩ số trẻ nhà trẻ đến trường thấp vì cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp nhu cầu so với tăng dân số cơ học. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng quy mô số lớp, số học sinh thì huyện An Dương đang dẫn đầu thành phố. Cụ thể, năm học 2022 - 2023, huyện tăng 31 lớp với hơn 1,3 nghìn học sinh so với năm học trước.

Trên địa bàn huyện có 2 trường THPT công lập và 2 trường THPT tư thực. Số học sinh tăng lên nhanh chóng khiến nhà trường thiếu phòng học trầm trọng, đặc biệt là các phòng chức năng, phòng học đạt chuẩn theo Chương trình GDPT 2018.

Thầy Phùng Văn Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện An Dương chia sẻ, năm học 2022 - 2023 có 595 học sinh ra trường nhưng chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào của năm học 2023 - 2024 là 20 lớp với 900 học sinh. Chênh lệch giữa đầu ra và đầu vào là 300 học sinh trong khi nhà trường có 30 phòng học. Trong 3 năm học gần đây quy mô lớp tăng mạnh, từ 36 lớp lên 55 lớp (tăng 19 lớp). Số lượng học sinh đông, có sở vật chất chỉ đáp ứng hoạt động dạy học chính khoá, việc dạy nâng cao cho học sinh mũi nhọn và bồi dưỡng học sinh yếu, kém rất khó khăn vì thiếu phòng.

Để đáp ứng nhu cầu dạy học tối thiểu cho học sinh, Trường THPT Nguyễn Trãi phải tận dụng các phòng chức năng, hội trường, nhà đa năng… thành phòng học. Thậm chí, dãy nhà B xây dựng mỗi tầng có 3 khu vệ sinh đã ngấm dột, xuống cấp do được xây dựng từ những năm 1997. Khi học sinh không dùng được, nhà trường có giải pháp xây dựng nhà vệ sinh riêng ra khu khác và tận dụng nhà vệ sinh cũ làm nhà kho. Nhưng mấy năm gần đây, trước sức ép về phòng học, nhà trường đã cải tạo lại nhà vệ sinh tầng 2 và tầng 3 làm 2 phòng học.

Tương tự, Trường THPT An Dương, huyện An Dương hiện có 32 phòng học, theo thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Bích, tính theo quy định tối thiểu thì chỉ đáp ứng được 53 lớp học. Hiện nhà trường có 49 lớp, nhưng năm học tới tăng thêm 20 lớp vì vậy rất khó khăn khi bố trí lớp học chính khoá, chưa kể việc dạy thêm và bồi dưỡng cho học sinh. Để đảm bảo chất lượng học sinh cuối khoá, nhà trường phải dồn các phòng thiết bị, tận dụng phòng chức năng để ưu tiên học sinh lớp 12 học thêm, học tăng cường.

Không chỉ áp lực về phòng học, nhà trường còn rất khó khăn khi sân chơi, bãi tập, chỗ để xe, phòng thực hành đều thiếu thốn. Đặc biệt, thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường thiếu nhiều phòng học, phòng chức năng. Bên cạnh đó, học sinh tăng lên gây quá tải về việc sử dụng các thiết bị điện, nước, quạt, bàn ghế và nhà vệ sinh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Thế Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cho hay, huyện đã đề nghị với UBND thành phố xem xét, chỉ đạo xây dựng mới 1 trường THPT công lập trên địa bàn; đầu tư xây dãy nhà 4 tầng 16 phòng học cho Trường THPT An Dương và dãy nhà 3 tầng 18 phòng học cho Trường THPT Nguyễn Trãi để đảm bảo đủ phòng học và phòng bộ môn quy định. Huyện cũng như ngành Giáo dục mong thành phố tạo điều kiện, có cơ chế đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào giáo dục để giảm tải áp lực cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học trên địa bàn.

Theo thầy Hoàng Văn Hường, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện An Dương, Hải Phòng) trước sức ép về tỷ lệ học sinh tăng nhanh theo từng năm, nhà trường đã báo cáo đề nghị các cấp xem xét đầu tư xây mới dãy nhà gồm 18 phòng học và khu vệ sinh. Năm học tới, trường dự tính tận dụng toàn bộ phòng hiện có và cải tạo khu nhà xe của học sinh thành phòng học để giải quyết bài toán trước mắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.