Đà Nẵng cần chủ động điều tiết giáo viên khi triển khai Chương trình GDPT 2018

GD&TĐ - Ngành Giáo dục cần điều chuyển giáo viên giữa các trường THPT khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 để tránh thừa - thiếu cục bộ trong từng năm học.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng làm việc với UBND TP về giám sát chuyên đề liên quan đến đổi mới chương trình - sách giáo khoa trên địa bàn. (Ảnh: PV).
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng làm việc với UBND TP về giám sát chuyên đề liên quan đến đổi mới chương trình - sách giáo khoa trên địa bàn. (Ảnh: PV).

Ngày 7/2, Đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng đã làm việc với UBND thành phố về giám sát chuyên đề liên quan đến đổi mới chương trình, SGK trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chủ trì.

Giáo viên chuyển từ chuyên sâu sang “đa năng”

Thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết: “Chương trình GDPT 2018 đã trao quyền chủ động cho người học mà tiêu biểu là việc lựa chọn các môn học. Đây là cơ hội để học sinh hình thành được năng lực và thực hiện được năng lực đó trong thời gian học phổ thông, định hướng được nghề nghiệp tương lai khi bước chân vào bậc học này”.

Ngay khi kết thúc năm học 2021 – 2022, Trường THPT Phan Châu Trinh đã công khai các thông tin liên quan đến Chương trình GDPT 2018 đối với khối lớp 10 để học sinh, phụ huynh và cả giáo viên có thể hình dung được những thay đổi so với chương trình dạy – học trước đó.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh thừa nhận rằng, nhà trường rõ ràng có bị động khi xây dựng các nhóm môn học lựa chọn để vừa đảm bảo nhu cầu lựa chọn của học sinh nhưng cũng vừa phù hợp với điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất hiện có. “Nhà trường xây dựng 24 nhóm môn lựa chọn. Thế nhưng, trên thực tế, có một số nhóm môn, số học sinh đăng ký học rất lớn khiến nhà trường gặp khó khăn trong tập trung đội ngũ giáo viên và biên chế lớp đáp ứng yêu cầu của phụ huynh – học sinh. Nhưng cũng có một số nhóm môn, số học sinh đăng ký quá ít, không đủ để biên chế thành một lớp vì không đủ sĩ số/lớp theo quy định. Biên chế của nhà trường chỉ được 31 lớp ở khối 10, không thể tổ chức một lớp có sĩ số chưa được 20 học sinh theo đúng nguyện vọng đăng ký nhóm môn học mà đội lên thành 32 lớp” – thầy Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.

Việc trao quyền lựa chọn nhóm môn học cho học sinh ở lớp 10 Chương trình GDPT 2018 còn dẫn đến tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ. Thầy Hưng phân tích rằng, sự thừa – thiếu này, nhà trường không thể dự báo trước được cho từng năm học mà tùy thuộc vào thực tế khi học sinh đăng ký chọn nhóm môn học sau khi trúng tuyển vào lớp 10. Trường THPT Phan Châu Trinh đã có giải pháp bố trí giáo viên dôi dư đảm nhận dạy phần hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp.

Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến tư vấn cho phụ huynh học sinh trước khi đăng ký nhóm môn lựa chọn. (Ảnh: NTCC).

Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến tư vấn cho phụ huynh học sinh trước khi đăng ký nhóm môn lựa chọn. (Ảnh: NTCC).

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ) cho rằng, về lâu dài, các trường THCS cần được bổ sung đội ngũ giáo viên được đào tạo các môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý. Hiện nay, với môn Khoa học tự nhiên, nhà trường đang sử dụng giải pháp tình thế là bài nào có khối lượng kiến thức của phân môn nào nhiều nhất thì giáo viên được đào tạo chuyên môn giảng dạy.

“Dù là giải pháp tình thế nhưng lại hiệu quả. Tuy nhiên, nếu lâu dài thì cách làm này không thể duy trì được vì không đúng với mục tiêu của chương trình GDPT 2018. Hơn nữa, giáo viên sẽ quá tải trong một thời điểm nhất định. Ví dụ, 9 tuần đầu các khối lớp chủ yếu học về kiến thức liên quan đến môn Hóa thì giáo viên môn này có số lượng tiết dạy vượt quá định mức. Nhưng thời gian sau đó thì lại trống tiết” – cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến ví dụ.

Trong khi đó, ông Trần Chí Cường – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng phản ảnh rằng, các trường THCS ở quận Hải Châu và Hòa Vang đều cho rằng, giáo viên đơn môn gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển sang dạy liên môn ở môn Khoa học tự nhiên. “Giáo viên vừa dạy học vừa tự bồi dưỡng nên nhiều giáo viên chia sẻ rằng họ rất áp lực khi giảng dạy. Thời gian để giáo viên tự cập nhật kiến thức là một việc nhưng áp lực nhất là sự tương tác với học sinh trong tình huống các em chủ động tìm hiểu trước các kiến thức và có những câu hỏi đòi hỏi thầy cô giáo phải giải đáp chuyên sâu” – ông Cường thông tin.

Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục gặp phải một số khó khăn về đội ngũ. Số lượng giáo viên giảm nhưng chất lượng giáo viên thì yêu cầu phải nâng lên. Tùy theo thực tế của từng năm học, một giáo viên có thể phải dạy học nhiều môn hoặc dạy trái môn và phải dạy theo nhu cầu của học sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Ông Lê Trung Chinh cho biết, thành phố Đà Nẵng đã bố trí dự phòng ngân sách để hợp đồng giáo viên đảm bảo số lượng theo yêu cầu của quá trình triển khai chương trình – sách giáo khoa mới. “Có thể năm nay, thầy cô này sẽ ký hợp đồng dạy học với trường A nhưng năm tới, trường A không có nhu cầu thì phải chuyển sang hợp đồng với một trường khác. Nhưng tâm lý của người lao động thì vẫn muốn ổn định nên có thể sẽ rất khó để hợp đồng đủ giáo viên theo nhu cầu” – ông Chinh nêu tình huống.

Trao quyền thẩm định tài liệu giáo dục địa phương cho cơ sở

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, hiện tại, vẫn chưa tiến hành in ấn, phát hành Tài liệu giáo dục địa phương các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 trên địa bàn thành phố. UBND TP vừa nhận được hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức in ấn, phát hành bộ tài liệu. Trong thời gian chờ in ấn, Sở GD đã hướng dẫn các trường sử dụng file PDF để giảng dạy.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: PV).

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: PV).

Về tài liệu giáo dục địa phương, ông Dương Đình Liễu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ kiến nghị Bộ GD&ĐT trao quyền cho địa phương trong thẩm định, in ấn rút ngắn thời gian, có sự chủ động hơn. Đồng ý với đề xuất này, ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, Bộ GD&ĐT nên ban hành chương trình khung, trao quyền cho các tỉnh, thành phố thành lập Hội đồng thẩm định. Ngoài ra, ông Vân đề nghị Sở GD&ĐT Đà Nẵng cần rà soát một số đề án liên quan đến giáo dục như Giáo dục STEM… được lồng ghép thế nào vào chương trình GDPT 2018, có đảm bảo hiệu quả hay không?.

Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố ghi nhận những nỗ lực của Đà Nẵng trong việc triển khai Chương trình GDPT và sách giáo khoa mới.

Ngoài yêu cầu Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT cùng phối hợp báo cáo Bộ Nội vụ để xin thêm chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị Sở GD&ĐT Đà Nẵng cần rà soát để chủ động điều tiết đội ngũ giáo viên giữa các trường, giữa các địa phương với nhau để khắc phục tình trạng thừa – thiếu cục bộ theo từng năm học. Nếu chỉ bó hẹp đội ngũ cứng trong từng trường thì sẽ rất khó vì học sinh chọn nhóm môn học lựa chọn mỗi năm mỗi khác, nên phải xây dựng cơ chế để có sự liên kết giữa các trường. Ngành GD&ĐT cũng cần đào tạo lại giáo viên đơn môn, có thể dưới hình thức các chứng chỉ để giáo viên đáp ứng được yêu cầu dạy liên môn.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP lưu ý về những khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học; vướng mắc trong việc tổ chức dạy các môn học Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xúc tiến và tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào giáo dục, góp phần giảm gánh nặng về biên chế giáo viên cho các trường công lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ