Bình Định hỗ trợ học sinh miền núi trong chương trình GDPT 2018

GD&TĐ - Ngành GD&ĐT tỉnh Bình Định dạy phụ đạo, hỗ trợ cho học sinh đồng bào dân tộc, giúp các em tiếp thu tốt kiến thức ở Chương trình GDPT 2018.

Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang trò chuyện cùng với học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn (Bình Định) vào ngày 25/3. Ảnh: Hoàng Vinh.
Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang trò chuyện cùng với học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn (Bình Định) vào ngày 25/3. Ảnh: Hoàng Vinh.

Tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm trang thiết bị dạy học

Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội với UBND tỉnh Bình Định về đổi mới chương trình, SGK GDPT vào chiều 19/4, ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cho biết, trong các ngày 24-25/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi kiểm tra tại UBND huyện Phù Cát, THPT số 2 An Nhơn và Trường phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn.

Đoàn giám sát đã ghi nhận một số kết quả ban đầu và đề xuất một số vấn đề cần được làm rõ. Cụ thể, về ban hành chính sách, pháp luật và chỉ đạo thực hiện; bổ sung, làm rõ các căn cứ, cơ sở thực tiễn để đánh giá về ưu điểm, hạn chế, mức độ đáp ứng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, việc thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hai giai đoạn và định hướng nghề nghiệp; kết quả thực tế qua hai năm triển khai năm học 2020-2021, năm học 2021-2022...

“Đoàn giám sát đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Bình Định trong việc đầu tư nguồn lực cho Chương trình GDPT 2018. Báo cáo của UBND tỉnh Bình Định nêu tình trạng cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở vật chất một số đơn vị chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một số trường còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng; đồ dùng, trang thiết bị đã xuống cấp, chưa có thiết bị dạy học theo tiêu chuẩn mới như ti vi, máy chiếu. Số liệu thống kê cho thấy số cơ sở vật chất cần bổ sung ở cả 3 cấp học là rất lớn, tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh không đồng đều giữa các cấp học và không đồng đều giữa các địa phương…”, ông Sỹ nêu.

Đại diện Đoàn giám sát cũng yêu cầu tỉnh báo cáo đánh giá rõ kinh phí hằng năm của Trung ương hỗ trợ địa phương về chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển và các nguồn hợp pháp khác để chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình trong đó có so sánh với giai đoạn trước. Kinh phí hằng năm do tỉnh bố trí từ ngân sách địa phương để triển khai Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn; thuận lợi, khó khăn và Kinh phí huy động từ nguồn lực xã hội hóa phục vụ cho triển khai Chương trình 2018…

Trang thiết bị dạy học được đầu tư mua sắm trên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: Hoàng Vinh.

Trang thiết bị dạy học được đầu tư mua sắm trên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: Hoàng Vinh.

Lý giải một số vấn đề mà Đoàn giám sát đặt ra, ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định cho hay, toàn bộ kinh phí chi trả cho hội đồng chọn SGK được thực hiện theo các thông tư quy định hiện. Để triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh Bình Định đã ban hành 20 văn bản, Sở GD&ĐT tỉnh ban hành 75 văn bản.

“Hằng năm, UBND tỉnh Bình Định đều chỉ đạo Sở GD&ĐT tỉnh thường xuyên quan tâm, nâng cao nhận thức cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành về chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình SGK. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên đẩy mạnh việc tuyên truyền về đổi mới chương trình SGK thông qua các họp hội đồng sư phạm nhà trường. Đồng thời tuyên truyền thông qua các buổi họp phụ huynh”, ông Tuấn cho biết.

Đối với việc một số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số việc tiếp thu lĩnh hội kiến thức trong chương trình GDPT 2018 vẫn còn chậm, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định cho rằng, để giải quyết vấn đề này, ngành giáo dục tỉnh đã tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém. Hỗ trợ phương pháp dạy học, động viên học sinh, tuyên truyền người dân quan tâm hơn đến với con em mình.

Theo ông Tuấn, qua khảo sát thực tế cho thấy, học sinh khi học chương trình GDPT 2018 đã tự tin, năng động hơn, biết phát biểu suy nghĩ của mình. Đây là điều rất quan trọng.

Về trang thiết bị dạy học theo chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định đang thực hiện rất tiết kiệm. Bởi vì trang thiết bị trước đây đã có sẵn vì vậy phải có sự chuyển tiếp dựa trên cái nền cũ đã có. “Vì thế, ngành giáo dục yêu cầu cơ sở giáo dục sắp xếp lại trang thiết bị hiện có. Cụ thể, thiết bị tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT = trang thiết bị có sẵn + mua bổ sung. Như vậy mỗi trường sẽ mua không nhiều, quan điểm của Sở là phải tiết kiệm, chống lãng phí”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội kiểm tra tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn ngày 25/3. Ảnh: Hoàng Vinh.

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội kiểm tra tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn ngày 25/3. Ảnh: Hoàng Vinh.

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định cũng cho hay, từ khi ban hành kế hoạch GDPT 2018, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục tại Bình Định ở khối Tiểu học là 571 tỷ đồng, THCS là 414 tỷ và THPT là 135 tỷ. Cạnh đó, các dự án đầu tư cơ sở vật chất cho khối Tiểu học, THCS, THPT là 117 tỷ đồng…

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong giáo dục

Nêu ý kiến tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đổi mới giáo dục là cần thiết, được tiếp cận nền giáo dục hiện đại. Tuy nhiên khi mới bắt đầu triển khai còn vướng, do vậy cần rà soát, đào tạo lại nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để nắm bắt và tiệm cận được, truyền đạt được các môn theo chương trình mới. Đồng thời bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng khẳng định, quan điểm lãnh đạo tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm tới giáo dục. Cụ thể, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho ngành giáo dục đào tạo, nhất là với khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu kiến nghị tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu kiến nghị tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Vị đại diện UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Quốc hội quan tâm đến cấp mẫu giáo nhưng cơ bản không nên xã hội hóa. Cạnh đó, định biên giáo viên theo chuẩn của Bộ GD&ĐT đề xuất. “Kiến nghị Quốc hội nên cân nhắc, có lộ trình cụ thể cho công tác xã hội hóa giáo dục, có sự phân định với từng khu vực, không nên “ép” quá mức về vấn đề tự chủ, xã hội hóa, ngân sách Nhà nước nên tiếp tục quan tâm bố trí”, ông Anh Tuấn kiến nghị.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Bình Định trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.

“Đoàn giám sát đã thấy được những điểm tốt và chưa tốt. Để từ đó phát huy những vấn đề tốt, và tìm giải pháp khắc phục những mặt hạn chế. Qua đó tiếp tục kiến nghị những bất cập đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành các liên quan để sửa chữa các cơ chế chính sách đầu tư cho giáo dục tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, qua báo cáo của tỉnh, đã thấy được quá trình dạy và học tại tỉnh Bình Định đã được những tiến triển rất tốt. “Muốn giáo dục phát triển là phải đầu tư cơ sở vật chất. Qua báo cáo cho thấy địa phương đã có sự đầu tư về trường lớp, đội ngũ giáo viên. Chất lượng giáo viên quyết định chất lượng dạy và học. Qua báo chí phản ánh, học sinh Bình Định đã tự tin, năng động khi học chương trình mới, đây là điều đáng mừng, cho thấy Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 thấm sâu vào việc dạy học tại Bình Định”, ông Mẫn chia sẻ.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị UBND tỉnh Bình Định tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Tăng cường việc bồi dưỡng cho giáo viên, trao dồi về lý tưởng, hoài bão cho học sinh, sinh viên.

“Nâng cao chất lượng chuẩn hóa giáo viên và chất lượng quản lý các cấp, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng Công nghệ thông tin trong ngành giáo dục. Thực hiện tốt chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả các đề án chương trình mục tiêu Quốc gia, các nguồn huy động hợp pháp từ xã hội để có thêm nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn”, ông Mẫn nhấn mạnh.

Bình Định có 204 trường tiểu học, 148 trường THCS, 55 trường THPT, trong đó 52 trường công lập, 3 trường tư thục và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Bình Định có 277.789 học sinh, học viên gồm 129.339 học sinh tiểu học, 90.468 học sinh THCS, 53.847 học sinh THPT và 4.75 học sinh GDTX.

Tổng số giáo viên của Bình Định ở cả 3 cấp học là 13.708 người. Đội ngũ giáo viên cơ bản đủ để tổ chức dạy và học, triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn ở cấp tiểu học là 85,36%; cấp THCS là 86,06% và cấp THPT là 100%...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.