Chương trình lưu trú FAMLAB: Khám phá các nét màu âm nhạc bản địa

GD&TĐ - Trên khung nền là âm nhạc bản địa (ÂNBĐ) từ những “cái nôi” văn hóa Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, các nghệ sĩ Việt và quốc tế đã có một chương trình lưu trú, làm việc cùng nhau suốt 20 ngày để trải nghiệm và khám phá các nét màu cốt lõi. Cơ hội tương tác, hợp tác của Dự án FAMLAB đã góp phần mở ra không gian kết nối các miền di sản văn hóa.

Các nghệ nhân, nghệ sĩ tập luyện trong Chương trình lưu trú FAMLAB
Các nghệ nhân, nghệ sĩ tập luyện trong Chương trình lưu trú FAMLAB

Những âm thanh không thể đoán trước

Đến từ nhiều vùng đất khác nhau, 43 nghệ sĩ, nghệ nhân Việt và quốc tế hội tụ trong chương trình lưu trú FAMLAB tháng Sáu (thuộc hợp phần FAMLAB của Dự án Di sản kết nối) do Hội đồng Anh triển khai. Phía Việt Nam, các thành viên của đoàn Palao mang đến trống Paranưng cùng nhiều nhạc cụ đậm hơi thở văn hóa Chăm.

Nhóm Đàn Đó với các nhạc cụ tự chế lấy cảm hứng từ ÂNBĐ. Ca sĩ Mai Khôi, nghệ nhân Lò Thị Chăn… mang đến những giai điệu của dân ca Tây Bắc, dân tộc Lào - Lai Châu. Các nghệ nhân 3 tỉnh Tây Nguyên mang chiêng, cồng, đàn đá, đàn Ta Lư, T’rưng…

Các nghệ sĩ quốc tế cũng đem đến nhiều loại nhạc cụ, ở nhiều thể loại âm nhạc như Tom Bancroft (trống và trống bodhran), Esther Swift (đàn harp) và David Shedden (sáo và kèn túi).

Đặc biệt, Bryan Charles Wilson - nghệ sĩ cello, nhà soạn nhạc, giáo viên đến từ miền đất Teaneck, New Jersey (Mỹ). Bryan đã biểu diễn cello trong nhiều không gian âm nhạc khác nhau, từ nhạc cổ điển, rock, đến hip-hop hay điện tử.

Alec Schachner là một nghệ sĩ tài hoa và kỹ sư âm thanh điêu luyện với nhiều dòng nhánh âm nhạc khác nhau, anh đã có hơn 10 năm sống tại Việt Nam và chơi nhạc trong nhiều môi trường thú vị... Cùng với đó là 3 nghệ sĩ ÂNBĐ đến từ Scotland.

Trong không gian nhỏ bé của Nhà hát Hội An - TP Hội An (Quảng Nam), suốt hơn 20 ngày qua các thành viên cùng chơi nhạc với nhau để tìm chất liệu, chọn bài hay nhất trong khả năng của mình.

Các cố vấn giúp họ bộc lộ khả năng, trải nghiệm, tiếp cận sự va chạm của gần 100 nhạc cụ từ thô sơ đến hiện đại, tấu lên muôn nét thanh âm. Thành quả chung được kiến tạo từ phát hiện những mảnh nhạc thú vị, kết hợp các tiết tấu lại để cấu trúc thành giai điệu chung.

“Thời gian qua, chúng tôi đã tìm kiếm nhân tố đại diện nhằm phát triển văn hóa bản địa để tiến tới xây dựng một dàn nhạc ÂNBĐ. Công việc dài hơi và quá nhiều khó khăn, đòi hỏi sự chung tay của nhiều người giỏi, giàu tâm huyết và nhiều nguồn lực mới có hy vọng thành công.

Chúng tôi may mắn có thêm sự “tiếp sức” của Hội đồng Anh hỗ trợ nguồn lực để làm Dự án lưu trú FAMLAB. Việc mời được 3 nghệ sĩ từ Scotland sang tham gia chương trình rất có ý nghĩa vì đây là môi trường âm nhạc mở, càng có nhiều người tham gia càng tốt”, nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh chia sẻ.

Chọn lọc nét tinh hoa

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc phân tích: Nghệ nhân hát lên giai điệu, bài hát của sắc tộc mình, hoặc chơi nhạc theo ý mình thì dễ, bởi họ là chính mình. Họ có thế mạnh “lòng bản”, được dạy theo lối truyền khẩu. Đó là chất nguyên sơ, cái gốc đáng quý, nhưng nghệ nhân lại thiếu tố chất ngẫu hứng để phát triển lâu dài, kết hợp rộng mở như nghệ sĩ.

Trong chương trình lưu trú, chúng tôi tạo môi trường va đập để các thành viên hợp tác cùng nhau, sắp xếp, kết hợp để tạo ra cái mới, bảo tồn bằng cách kích thích chủ thể văn hóa phát triển. Theo phương pháp đồng hiện, mỗi thành viên cùng khoe sắc, khoe giọng, góp âm thanh, giai điệu từ sâu thẳm niềm tự hào tôn vinh nhạc cụ của dân tộc mình.

“Đến từ các vùng địa lý khác nhau, có sự cách biệt văn hóa và gặp rào cản do bất đồng ngôn ngữ, nhưng qua âm nhạc, nhờ chất liệu âm thanh, tiết tấu, cảm xúc mà các thành viên vẫn tìm thấy tiếng nói chung nhờ ngôn ngữ âm nhạc. Chương trình không chỉ đạt được tính kết nối chặt chẽ, mà còn nâng tầm chuyên nghiệp cho mỗi thành viên.

Dù mức độ thu nhận khác nhau nhưng không thể phủ nhận, cùng với việc tạo cơ hội tương tác, mở ra không gian kết nối các miền di sản của dự án này, các nghệ nhân và nghệ sĩ đã hoạt động tích cực hơn trong bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng mình”, nghệ sĩ độc lập Linh Hà chia sẻ cảm nhận.

Sự kiện quan trọng nhất của Dự án lưu trú FAMLAB là buổi hòa nhạc, biểu diễn tổng kết ngoài trời tại Công viên Văn hóa Đồng Hiệp - Hội An. Công chúng và du khách được thưởng thức một buổi hòa âm, phối khí có một không hai, thành quả lao động nghệ thuật suốt thời gian lưu trú của gần 60 nghệ sĩ, nghệ nhân và các thành viên điều hành chương trình.

Việc kết hợp các loại hình dân ca, dân vũ và sử dụng nhiều nhạc cụ để thiết kế các chương trình quy mô, các nước trên thế giới đã làm từ lâu trong khi chúng ta đang thử nghiệm. Với kết quả các mảnh ghép hòa quyện, bắt nhịp trôi chảy thành một mạch như một cách khéo léo giới thiệu các loại nhạc cụ bản địa, giúp mọi người hình dung ra mô hình dàn nhạc bản địa như thế nào, tôi thấy đó đã là một thành công”, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc khẳng định.

Lâu nay, nói đến âm nhạc dân gian và nhạc cụ truyền thống, người ta hay có một hình dung bị bó hẹp trong “bầu, tranh, sáo, nhị”, trong khi mỗi một vùng, miền đất đều ẩn chứa một vẻ đẹp văn hóa riêng mang tính đặc trưng với rất nhiều nhạc cụ được sáng tạo rất tài tình. Chính vì chưa có tư duy mở nên tầm nhìn bị hạn chế, chúng ta không nhìn thấy vẻ đẹp muôn hình vạn vẻ trong bản chất lõi của ÂNBĐ. Nghệ thuật âm nhạc làm nên từ nhiều mảnh ghép khác nhau. Hiện có những phần chìm lấp gắn với vùng thổ nhưỡng không có điều kiện được đầu tư phát triển dẫn đến mai một, mờ nhạt ngôn ngữ, hơi thở đương đại. Dự án lưu trú FAMILAB giúp tạo ra một môi trường thuận lợi để đưa những mảnh ghép âm nhạc lại gần nhau, tạo điều kiện cho 43 nghệ nhân, nghệ sĩ gặp gỡ, tương tác, tập luyện, hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.