Cuốn sách do chính các em học sinh Hàn Quốc đang học tập, sinh sống tại Việt Nam thực hiện, phần nhiều bằng chính trải nghiệm của các em.
Nhóm thực hiện gồm 6 thanh thiếu niên hiện đang theo học tại Trường quốc tế Hàn Quốc Hà Nội (KISH). Trong 8 tháng, các em đã khảo sát, thu thập tài liệu, biên soạn cuốn sách giới thiệu về 130 thương hiệu thuộc nhiều lĩnh vực phục vụ đời sống sinh hoạt và du lịch như thực phẩm, hàng tiêu dùng, văn hóa, điện tử, xây dựng, hàng không, khách sạn…
Đây dường như là một cách để hiểu về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, hiểu thêm các thông tin về kinh tế phát triển tại Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn và xu hướng tiêu dùng của khách hàng Việt Nam.
Em Park Geon Woo, học sinh lớp 11 KISH cho biết, “dường như những thương hiệu mà tôi đã sử dụng cho đến nay là sản phẩm hoặc dịch vụ gần gũi với cuộc sống. Để thưởng thức những món ăn Việt Nam như bánh mì hay phở được ngon miệng thì người ta thường ăn cùng với tương ớt Chinsu. Tôi cũng ngạc nhiên vì sự thích ứng của bản thân trong cuộc sống bản địa, giờ đây khi ăn mực nướng là tôi phải chấm với Chinsu. Tương tự, khi về Hàn Quốc tôi tường sử dụng hãng hàng không Jetstar hoặc Vietjet…”.
Em Kim Min Soo, học sinh lớp 12 KISH, bổ sung: Khi làm khảo sát về thương hiệu tại Việt Nam, tôi nhận ra mình có rất nhiều điều chưa hiểu biết về đất nước này. Tôi đã sống ở đây được 15 năm. Khảo sát về thương hiệu Việt Nam, tôi được trải nghiệm và hiểu thêm về Việt Nam. Chẳng hạn, với thương hiệu thời trang BOO by Bo Sua. Trước kia tôi biết đến bởi thiết kế độc đáo, cá tính và chất liệu vải tốt của hãng. Nhưng sau khi nghiên cứu về thương hiệu tôi biết thêm rằng thương hiệu này còn sử dụng chất liệu thân thiện môi trường và tích cực truyền tải nhiều thông điệp về môi trường.
Đáng ngạc nhiên là trong quá trình thực hiện cuốn sách, nhóm tham gia đã có những nhận xét hết sức “già dặn” với những cách nhìn nhận thấu đáo về thương hiệu Việt Nam. Em Kim Joo Yeon, lớp 12 KISH lại có nhận xét xác đáng: Các công ty dược phẩm Việt Nam đã có một chỗ đứng trong lĩnh vực dược thảo Đông y nhưng lại nhường chỗ cho các công ty dược phẩm đa quốc gia trong lĩnh vực dược phẩm chuyên môn, các loại thuốc đặc trị... Tôi chắc chắn rằng nếu liên tục phát triển nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện marketing hiệu quả thì các thương hiệu tư nhân hoàn toàn có thể được công nhận trên toàn thế giới”.
Điều khó khăn mà hầu như các thành viên trong nhóm thực hiện gặp phải chính là rào cản ngôn ngữ. Khi tìm hiểu thông tin về các thương hiệu Việt, các học sinh này đã tìm được rất ít tài liệu bằng tiếng Anh và hầu như không có tài liệu tiếng Hàn. Hầu như giới thiệu về công ty, sản phẩm của các nhãn hàng… đều để ở tiếng Việt. Qua cách nhìn nhận của các em, cuốn sách không chỉ là trải nghiệm thực tế của những người nước ngoài.
Mong rằng, ý tưởng cập nhật thêm tài liệu và xuất bản cuốn sách này hằng năm cùng với các cuốn sách về 100 điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, 100 nhà hàng Việt nổi tiếng… của Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của hãng tin Yonhap Kim Sun Han sẽ sớm được thực hiện.