Nhà trường sát cánh cùng giáo viên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Trong quá trình triển khai CT, SGK mới, đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà các trường THCS tỉnh Hưng Yên luôn nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường khắc phục khó khăn do tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19.

Giáo viên tham gia tập huấn cho chương trình GDPT 2018. Ảnh minh hoạ.
Giáo viên tham gia tập huấn cho chương trình GDPT 2018. Ảnh minh hoạ.

Hỗ trợ, khích lệ giáo viên

Nhằm triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018, thầy cô giáo Trường THCS Tân Châu, huyện Khoái Châu đã nghiêm túc tham gia chương trình bồi dưỡng tổng thể theo tổ chức từ Phòng GD&ĐT đến Bộ GD&ĐT. Việc tập huấn được triển khai sâu rộng từ cấp quản lý, giáo viên cốt cán, giáo viên nhà trường cho đến giáo viên được phân công trực tiếp giảng dạy cho khối lớp 6 năm học 2021-2022.

Đến nay, giáo viên đã hoàn thành 3 mô đun: “Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”; Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT; Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/THCS/THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Thầy giáo Lê Văn Bảy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các đợt tập huấn triển khai trên nhiều nội dung như chương trình tổng thể GDPT 2018, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ triển khai thực hiện chương trình, đội ngũ giáo viên cốt cán… Hình thức tập huấn cũng đa dạng từ tập trung đến trực tuyến, linh hoạt theo tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện tại.

Theo tổ chức của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các thầy cô được tập huấn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường trên cơ sở xây dựng kế hoạch môn học, kế hoạch giáo dục chuyên môn hay giáo án dạy học cho học sinh lớp 6. Giáo viên cũng được hướng dẫn nghiên cứu sách giáo khoa, dự giảng minh hoạ.

“Về phía nhà trường, chúng tôi đã xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán để hỗ trợ giáo viên bộ môn. Đồng thời, tạo điều kiện về kinh phí cho đội ngũ giáo viên cốt cán tham gia các đợt tập huấn cấp Sở, cấp Bộ”, thầy Bảy chia sẻ.

Không chỉ tạo điều kiện cho giáo viên tham gia tập huấn, ban giám hiệu nhà trường thường xuyên động viên, khích lệ tinh thần tự học, tự bồi dưỡng của cán bộ giáo viên. Kết quả, 16 thầy cô giáo nhà trường được phân công dạy lớp 6 năm nay đều hoàn thành tốt chương trình bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa theo chương trình GDPT 2018.

“Trong quá trình tự học, khi có vướng mắc, chúng tôi trao đổi qua các nhóm zalo, viber. Là giáo viên cốt cán, tôi nhận thấy các thầy cô rất chăm chỉ tự học, tích cực hỗ trợ lẫn nhau. Sau khi học trực tuyến, chúng tôi có buổi sinh hoạt chuyên môn trực tiếp để trao đổi, giải đáp thắc mắc. Sự kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến trong bồi dưỡng là mô hình phù hợp đối với chúng tôi”, cô giáo Đỗ Thị Cúc.

Cô giáo Phạm Thanh Yên, Hiệu trưởng Trường THCS Chất lượng cao Dương Phúc Tư, huyện Văn Lâm, cho biết, giáo viên các khối lớp đã tham gia tập huấn và hoàn thành 3 mô đun. Dù phải song song tập huấn tập trung và trực tuyến, thầy cô nhà trường đều chủ động tích luỹ kiến thức.

Trường đồng thời tổ chức họp trực tuyến với giáo viên cốt cán, giáo viên bộ môn để giải đáp thắc mắc, trao đổi chuyên môn. Ngoài bố trí giảng dạy các môn lớp 6, nhà trường đang xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên lớp 9 bởi theo lộ trình, năm học 2022-2023, lớp 10 sẽ thay sách giáo khoa. Các em nên được làm quen với chương trình tổng thể để nhanh chóng thích nghi và làm chủ kiến thức.

Tham gia bồi dưỡng, cô giáo Đỗ Thị Cúc, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Trưng Vương, huyện Văn Lâm, đánh giá cao sự tương tác, trao đổi giữa các thầy cô tập huấn, kể cả giữa giáo viên cốt cán và đại trà.

Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 toàn quốc thực hiện chương trình GDPT 2018 với SGK mới.
Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 toàn quốc thực hiện chương trình GDPT 2018 với SGK mới.

Trang bị cơ sở vật chất

Cùng đó, các nhà trường tại tỉnh Hưng Yên nỗ lực chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai tốt chương trình GDPT 2018. Sau khi thu thập đề xuất của giáo viên bộ môn, Trường THCS CLC Dương Phúc Tư đã đề xuất cấp chính quyền bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Nhà trường được trang bị một bảng tương tác thông minh tại phòng lab. Dự kiến, thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện Văn Lâm sẽ tiếp tục trang bị thiết bị này cho 12 lớp học của nhà trường.

Ngoài ra, trường cũng mua bổ sung thiết bị dạy học nhằm đảm bảo các lớp trùng tiết không bị thiếu trang thiết bị. Các lớp học được đầu tư TV màn hình lớn, có kết nối Internet để giáo viên có thể linh hoạt tổ chức bài giảng qua giáo án mềm, video, audio… Nhà trường đã tổ chức tập huấn theo chuyên đề hướng dẫn giáo viên ứng dụng CNTT, tài liệu trong giảng dạy.

Tại Trường THCS Tân Châu, ban giám hiệu đặc biệt quan tâm đến đầu tư trang thiết bị, công nghệ thông tin như máy tính, đường truyền Internet để sẵn sàng tổ chức tập huấn và giảng dạy trực tuyến. Nhà trường đã đăng ký và mua tài liệu về chương trình GDPT mới, sách giáo khoa để phục vụ nghiên cứu. Tham mưu cùng chính quyền địa phương xây dựng đủ phòng học, phòng bộ môn.

Nhiều trường THCS tại tỉnh Hưng Yên còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Một số đầu mục thiết bị sử dụng trong các môn học theo hướng dẫn còn thiếu trong khi số khác cũ, lỗi thời, không còn phù hợp với chương trình mới. Khắc phục khó khăn, thầy cô tận dụng cái có sẵn, sáng tạo phương thức giảng dạy để cùng hướng đến mục tiêu thuận lợi triển khai chương trình mới cho học sinh lớp 6.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.