Chương trình GDPT mới sẽ giảm tải cho học sinh

GD&TĐ - Sự sắp xếp chưa khoa học các môn học, tiết học trong chương trình học khiến nhiều học sinh và phụ huynh cảm thấy nặng nề. Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ loại bỏ hoàn toàn điều này, khi “độ mở” trong việc học của học sinh, việc dạy của giáo viên, hướng đến việc điều chỉnh cách dạy được đặt làm trọng tâm của đổi mới. 

Chương trình GDPT mới sẽ giảm tải cho học sinh

Đó là khẳng định của PGS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cũng như của Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới GS Nguyễn Minh Thuyết khi trao đổi với phóng viên. 

Chương trình nặng do đâu?

Trước câu hỏi đặt ra cho mục tiêu đổi mới sắp tới: Chương trình GDPT của chúng ta có đang quá nặng không, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Nếu bóc tách từ lõi tất cả môn học (từ Tự nhiên cho đến Xã hội) ở các lớp rồi liệt kê, so sánh giữa ta và Tây, mình không hơn họ bao nhiêu.

Cái chúng ta đang vướng và tạo cảm giác nặng của chương trình chính là sự sắp xếp các môn học, chương trình cho đến cả phương thức giảng dạy trên lớp.

“Là người làm công tác nghiên cứu phương pháp dạy học hơn 20 năm, cá nhân tôi nhìn thấy cách sắp xếp chương trình hiện hành của chúng ta hiện nay còn cồng kềnh, khi cùng một môn học, từ lớp nhỏ đến lớp lớn, từ cấp này đến cấp kia có sự trùng lặp kiến thức.

Chẳng hạn ở lớp 9 đã dạy mạch điện thì lớp 11 tiếp tục, chỉ bổ sung chút kiến thức mới. Ở lớp 6 - 7 học cơ nhiệt điện quang thì lớp 8 - 9 và 11 - 12 lại học tiếp. Nếu nói một cách hình tượng ta và Tây có chung hành lý như nhau, nhưng họ biết sắp xếp thì cho gọn vào một cái valy, còn ta thì đóng vào một thùng carton. Điều đó khiến cho chương trình của chúng ta nặng hơn” - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành phân tích.

Không chỉ khẳng định sự bất cập trong cách sắp xếp chương trình GDPT hiện nay của chúng ta, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành còn cho rằng, chính phương pháp dạy học của giáo viên hiện nay cũng là nguyên nhân khiến chương trình thêm nặng. Tất nhiên, lỗi không hoàn nằm ở giáo viên mà nó nằm ở những quy định mềm.

Việc yêu cầu giáo viên chia cắt tiết dạy theo thời lượng 45 phút cho mỗi tiết học đã tạo cho cả giáo viên và người học áp lực. Bởi mỗi tiết học đều phải có bốn nội dung: Đặt vấn đề, học kiến thức mới, luyện tập, rồi vận dụng. Vì vậy, bình quân giáo viên có 10 phút một hoạt động, nội dung nào cũng vội vàng 0dẫn đến hiệu quả không cao.

“Chương trình GDPT mới sắp tới sẽ giải quyết được vấn đề này. Bởi khi chúng ta cho phép giáo viên ghép một chủ đề môn học vào 3 - 4 tiết thì cùng với lượng kiến thức đó, giáo viên thực hiện bốn bước trên nhưng chỉ làm một lần trọn vẹn và không lặp lại. Việc học tích hợp, liên môn cũng giúp tránh sự trùng lặp kiến thức chung giữa các môn, giúp học sinh tăng cường tính ứng dụng”- PGS.TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Chương trình GD phổ thông mới giúp học sinh tăng cường tính ứng dụng Ảnh minh họa/ Internet
 Chương trình GD phổ thông mới giúp học sinh tăng cường tính ứng dụng                                 Ảnh minh họa/ Internet

Nhìn nhận những điều PGS.TS Nguyễn Xuân Thành phân tích là đúng, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết, thực tế phương pháp dạy học chủ động, với giáo án mở đã được Bộ GD&ĐT áp dụng 7 - 8 năm nay, bản thân giáo viên cũng đã “quen tay” với các phương pháp giảng dạy tiến bộ, hướng đến sự chủ động nơi học sinh. Tuy nhiên, do áp lực của các kỳ thi cuối cấp khiến cho việc áp dụng các phương pháp sư phạm trên chưa nhiều như các cấp học khác.

Chương trình GDPT mới không chỉ mở về không gian, điều kiện học tập mà sẽ tăng cường cho học sinh tự đọc SGK để tiếp nhận kiến thức, dành nhiều thời gian trên lớp để báo cáo và thảo luận 
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành chỉ rõ

Một nguyên nhân khác khiến cho chương trình GDPT hiện nay thêm nặng chính là phương thức soạn giáo án thiếu tính đổi mới của giáo viên - hay gọi một cách nôm nay là hiện tượng “giáo viên chen ngang giữa học sinh và sách giáo khoa”.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, SGK vốn được thiết kế để học sinh có thể tự đọc, hiểu. Giáo viên chỉ đóng vai trò là người mở rộng khối kiến thức đó, chứ không phải là người lên lớp diễn giải lại các vấn đề trong sách.

Chương trình GDPT mới có ưu điểm gì?

Để tháo “nút thắt” trong phương pháp dạy học, cũng như hướng đến việc giảm tải chương trình, Chương trình GDPT mới sắp tới việc giao quyền tự chủ sắp xếp chương trình dạy học cho các trường vẫn được tiếp tục, như cách Bộ GD&ĐT đã làm từ năm 2013.

Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành thì chương trình sẽ không bó buộc theo từng tiết, gây áp lực cho giáo viên mà sẽ giao khoán theo chủ đề môn học và số tiết cho phép phục vụ chủ đề đó.

Chương trình GDPT mới sắp tới cũng yêu cầu giáo viên phải biết cách giao nhiệm vụ cho học sinh, biết quan sát và giúp các em vượt qua khó khăn để báo cáo, nhận xét và đánh giá kiến thức thu nhặt được, chứ không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức một chiều.

“Chẳng hạn cùng là bài học về cấu tạo con cá, trước đây được phân bổ thành ba tiết, tiết 1 học về đầu, tiết 2 học về mình, tiết 3 học về đuôi, tới tiết nào là phải xong tiết đó nếu không muốn cháy giáo án. Nay chỉ phân phối ba tiết, giáo viên chủ động giáo án, miễn sao hoàn thành xong bài về con cá” - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nêu ví dụ.

Chúng ta không thực hiện nền giáo dục cào bằng mà thực hiện nền giáo dục có sự quan tâm tới từng đối tượng. Chúng ta biết rằng, năng lực là sự kết hợp từ những tố chất sẵn có và quá trình rèn luyện, học tập. Mỗi cá nhân đều có tố chất khác nhau. Do đó, khi họ được học thuận lợi để phát triển những tố chất đó thì họ sẽ trở thành người có năng lực. Ngược lại, nếu chúng ta áp dụng nền giáo dục dùng chung cho tất cả mọi người, chúng ta sẽ làm thui chột tiềm năng của nhiều học sinh 
GS Nguyễn Minh Thuyết thông tin.

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết: Chương trình mới lần này sẽ có 3 điểm thay đổi cơ bản: 1. Về phương pháp xây dựng chương trình; 2. Cách phát triển, hình thành các năng lực cốt lõi cho học sinh; 3. Sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết với yêu cầu của Chương trình mới, thầy cô giáo phải là người chủ động tổ chức hoạt động cho học sinh, đồng thời đóng vai trò người hướng dẫn trẻ tự học. Đặc biệt, với trọng tâm chương trình là hình thành, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực dạy học, nên Chương trình GDPT mới sẽ không thực hiện phương thức giáo dục cào bằng.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Chương trình GDPT mới sẽ tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những nội dung học tập phù hợp với bản thân mình. Quan trọng hơn trên cơ sở đó, sẽ điều chỉnh cả quá trình dạy học của giáo viên.

Chuẩn bị cho Chương trình, SGK mới sắp tới, ngay từ năm học này, cô Trần Thị Nga đã áp dụng phương pháp tổ chức giờ học được gọi là Giáo án thang điểm 100, phát huy tối đa vai trò của HS. Trong giờ học, khoảng 70 - 80% là hoạt động của HS, cô giáo chỉ đóng vai trò điều khiển. Khi áp dụng một phương pháp, HS sẽ lên trình bày những gì tìm hiểu được, các bạn bên dưới đặt câu hỏi và các HS thuyết trình trả lời. Với cách này, HS thể hiện được sự năng động, tự chủ, sáng tạo, mạnh dạn, tự tin khi trao đổi với nhau trong giờ học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ