Chương trình GDPT 2018: Giáo viên sáng tạo để học sinh dân tộc thiểu số nắm vững kiến thức

GD&TĐ - Trong quá trình dạy học chương trình mới, giáo viên đưa các tình huống gần gũi vào bài học. Qua đó, tập cho các em làm quen với cách xử lý tình huống, giúp học sinh tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập, giao tiếp.

Đối với học sinh dân tộc thiểu số cô Nguyệt Ánh đưa những hình ảnh gần gũi vào bài học để các em dễ dàng tiếp cận, ghi nhớ kiến thức.
Đối với học sinh dân tộc thiểu số cô Nguyệt Ánh đưa những hình ảnh gần gũi vào bài học để các em dễ dàng tiếp cận, ghi nhớ kiến thức.

Đưa hình ảnh gần gũi, thân thuộc vào bài học

Những thay đổi trong chương trình SGK lớp 1, 2 và 6 đã đặt ra những yêu cầu mới đối với người thầy, cô. Qua đó, đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt, sáng tạo trong dạy học để tất cả học sinh tiếp thu và nắm vững kiến thức.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (giáo viên lớp 1, trường Tiểu học Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai) tâm sự, ban đầu khi mới tiếp cận chương trình SGK mới đối với lớp 1 bản thân cô và một số giáo viên bị tâm lý và khá lo lắng. Bởi nội dung SGK mới có phần nhiều hơn so với chương trình cũ.

“Trong quá trình giảng dạy, vận dụng kiến thức, kĩ năng được bồi dưỡng trong các mô đunthuộc chương trình ETEP, bản thân mình đã làm quen và bắt nhịp khá thuận lợi. Do học sinh nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên mình linh hoạt trong hình thức giảng dạy. Qua đó, lấy những hình ảnh thân quen, gần gũi với các em để đưa vào bài học. Nhờ vậy, học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn”, cô Nguyệt Ánh chia sẻ.

Đối với kiến thức của môn Toán, cô Nguyệt Ánh dành nhiều thời gian cho học sinh tương tác nhóm. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên chia nhóm để các em thảo luận, trao đổi với nhau. Sau đó, các nhóm sẽ thay phiên nhau trả lời, những bạn ở dưới sẽ tham gia nhận xét.

Cô Nguyệt Ánh ví dụ: Trong bài học môn Toán, cô sẽ mời học sinh lên bảng giải bài tập. Tại đây, học sinh tự tương tác và mời các bạn ở dưới lớp nhận xét bài làm của mình đúng hay sai. Bên cạnh đó, học sinh lên giải bài cũng chia sẻ cách tính toán của mình và những lưu ý khi đặt tính. Nếu cách làm sai thì các bạn phía dưới sẽ góp ý, còn nếu đúng thì học sinh sẽ học tập, noi theo. Từ đó, giúp các em nắm chắc, vững kiến thức hơn.

Còn với môn tiếng Việt, cô Nguyệt Ánh chia sẻ: Tốc độc đọc của học sinh người dân tộc thiểu số không bằng so với những khu vực thuận lợi. Do đó, cô cho các em làm quen bằng cách đọc từng từ, từng câu. Đồng thời đưa ra những hình ảnh gần gũi, thân thuộc với học sinh địa phương để các em dễ hình dung từ ngữ, bài học liên quan.

“Trước khi bước vào bài học mới tôi luôn tìm tòi, nghiên cứu và chọn lọc những hình ảnh gần gũi, phù hợp với học sinh địa phương. Đặc biệt, không dạy theo hình thức giáo viên đọc và học sinh nghe, viết. Thay vào đó, tôi hướng dẫn, hỗ trợ để các em tự đọc, tự học và hình thành cho học sinh tính tự lập, phát huy vai trò nhóm trưởng, tổ trưởng. Từ đó, giúp học sinh tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập cũng như cuộc sống”, cô Nguyệt Ánh bộc bạch.

Phát huy phẩm chất học sinh bằng cách xử lý tình huống

Những căn nhà của người dân chênh vênh bên sườn đồi tại huyện Kbang (Gia Lai).
Những căn nhà của người dân chênh vênh bên sườn đồi tại huyện Kbang (Gia Lai).

Còn tại Kon Tum, cô Đặng Thị Thuý Hoa, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đăk Tô) tâm sự, khi thực hiện chương trình GDPT 2018 đòi hỏi học sinh phải chủ động, tích cực chuẩn bị và soạn bài tại nhà.

Vấn đề này sẽ gây một chút khó khăn với học sinh người dân tộc thiểu số bởi các em thường thụ động và điều kiện học tập còn nhiều thiếu thốn. Nhiều học sinh vừa học phải vừa hỗ trợ, giúp đỡ bố mẹ công việc đồng áng. Bên cạnh đó, rất ít em có góc học tập. Chính vì vậy, giáo viên phải thường xuyên quan tâm học sinh, đặc biệt là các em người dân tộc thiểu số.

Theo cô Thuý Hoa, sau khi được tham gia bồi dưỡng các mô đun thuộc Chương trình ETEP, cô đã linh hoạt thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Cô Thuý Hoa chia sẻ, khi tiếp cận chương trình mới học sinh còn khá nhút nhát, đặc biệt là các em người dân tộc thiểu số. Do đó, trong tiết học, cô thường xuyên gọi các em lên phát biểu. Để học sinh không tự ti, ban đầu cô cho các em làm quen với câu hỏi, bài tập dễ. Khi học sinh trả lời đúng cô khuyến khích, khen học sinh làm bài tốt, chữ viết đẹp… Từ đó, tạo động lực và để học sinh phấn đấu hơn trong học tập.

Trong mỗi bài học cô Thuý Hoa đưa ra tình huống để học sinh xử lý nhằm giáo dục các em về năng lực, phẩm chất.
Trong mỗi bài học cô Thuý Hoa đưa ra tình huống để học sinh xử lý nhằm giáo dục các em về năng lực, phẩm chất.

Cô Thuý Hoa đưa ra ví dụ: Trước khi bước vào bài học về “bạo lực học đường” cô sẽ cho học sinh đứng lên chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân. Cụ thể, bản thân các em là người bắt nạt, bị bắt nạt và hướng xử lý của học sinh ra sao. Có em tự nhận bản thân là người đi bắt nạt các bạn khác. Khi chia sẻ và nghĩ lại em đó tự thấy bản thân không tốt, rất hối hận và tự nhủ sẽ không bao giờ lặp lại những chuyện như vậy. Còn có học sinh khác đứng lên tâm sự, bản thân là người hay bị bắt nạt. Khi đó, em không chống cự lại mà báo với gia đình, giáo viên để tìm hướng giải quyết.

“Sau khi được tập huấn các mô đun và áp dụng vào dạy thực tế, bên cạnh dạy kiến thức, tôi giáo dục học sinh để các em nâng cao phẩm chất, đạo đức. Với từng bài học, tôi đưa ra một số tình huống liên quan và các đáp án khác nhau để học sinh lựa chọn. Từ những sự tương tác qua – lại tôi thấy học sinh thay đổi rất đáng kể. Các em dần mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp và chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm, câu chuyện của bản thân… Trong những buổi học không còn đơn thuần là giáo viên hỏi - học sinh trả lời mà là cơ hội để các em giải bày và học hỏi từ các bạn khác.

Khi các em học tốt, làm bài đúng tôi thường xuyên khen để học sinh cảm giác được sự quan tâm, sẻ chia. Dần dần các em sẽ cảm thấy tự tin và muốn chia sẻ nhiều hơn về cảm xúc, trải nghiệm của bản thân”, cô Hoa bộc bạch.

Cũng theo cô Hoa, dạy học theo chương trình mới thì công tác kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Thay vì kiểm tra giấy để lấy điểm thường xuyên như trước kia, giáo viên có thể cho điểm học sinh khi các em xung phong phát biểu hoặc dựa vào bài test sau tiết học, nói – nghe hay hoạt động nhóm. Ngoài ra, tính điểm cho học sinh theo từng giai đoạn khác nhau, như: giữa kì, cuối kì… Tuy nhiên, kiểm tra bao hàm dưới hình thức, nhận biết 40%, thông hiểu 30%, vận dụng 20% và vận dụng cao 10%.

“Hiện tại giáo viên cốt cán đã được tập huấn mô đun 5 “Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học” và mô đun 9 “Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh”. Còn giáo viên đại trà tự học trên Hệ thống học tập trực tuyến (LMS) với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán. Giáo viên đại trà tự học tại chỗ, thường xuyên, liên tục - đây là mô hình bồi dưỡng mới do Bộ GD&ĐT triển khai thông qua Chương trình ETEP.

Trong năm học tới tôi sẽ tiếp tục phát huy lợi thế, đồng thời rút kinh nghiệm để có thể giảng dạy học sinh một cách tốt hơn”, cô Thuý Hoa nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.