Điều này được ghi nhận từ các ý kiến chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo - thành quả và thách thức” do Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng 28/3.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của Ban Quản lý Chương trình ETEP; đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai và trên 100 cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đại diện Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ hỗ trợ 19 tỉnh thành phía Nam - chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Đức Thuận cho rằng: Xây dựng cộng đồng phát triển chuyên môn thường xuyên là một trong những yếu tố để nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhờ chương trình ETEP, cộng đồng giáo viên đã hình thành và phát triển mạnh mẽ với các giáo viên phổ thông cốt cán, giáo viên phổ thông đại trà, có sự hỗ trợ từ các giảng viên đại học sư phạm.
Cộng đồng này không chỉ tồn tại một cách hình thức, mà có sự tương tác, hỗ trợ thường xuyên qua hệ thống LMS Viettel, qua mạng xã hội và các kênh giao tiếp khác. Các thành viên không chỉ trao đổi những vấn đề liên quan đến các mô đun trong Chương trình ETEP mà còn trao đổi với nhau về thực tiễn giáo dục địa phương và chia sẻ giải pháp.
Ông Trần Đức Thuận cho biết: Trường Đại học Sư phạm đã tạo nhiều kênh thông tin liên lạc, hỗ trợ học viên như website về Chương trình ETEP của Trường. Những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm dạy học được đăng tải trên website nhà trường giúp giáo viên phổ thông cập nhật, cải tiến chất lượng giảng dạy. Trong “Nhóm Bồi dưỡng giáo viên - Đại học Sư phạm Tp.HCM - HCMUE”, những thông tin, câu chuyện thường xuyên được chia sẻ, tạo mối gắn kết hơn 7800 thành viên, trong đó có các học viên cốt cán tích cực đến từ tỉnh Đồng Nai.
Với các phương thức phối hợp đa dạng và sâu sát giữa Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, các hoạt động hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đã dần sát với thực tiễn và mang lại hiệu quả.
Đặc biệt, sự gắn kết giữa giảng viên sư phạm chủ chốt và các giáo viên, cán bộ quản lí đã tạo nên cộng đồng phát triển chuyên môn bền vững, khi những định hướng và kết quả nghiên cứu đã được triển khai, vận dụng phù hợp với bối cảnh thực tiễn ở trường phổ thông. Điều này tạo nên sự phát triển bền vững trong giáo dục dưới sự tác động qua lại, biện chứng giữa lí luận và thực tiễn.
Theo ông Trần Đức Thuận, cần tiếp tục duy trì và phát triển các hệ thống kết nối chuyên môn để đảm bảo thông tin thông suốt từ cốt cán đến đại trà. Đồng thời, kết hợp trong công tác bồi dưỡng thường xuyên ở những năm tiếp theo phù hợp với nhu cầu của địa phương, để lấy đó làm cơ sở khi nhà Trường đào tạo giáo viên phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu.
Tại Đồng Nai, 100% cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của tỉnh được cử tham gia bồi dưỡng đều hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu; tích cực tổ chức, hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên đại trà. Trong năm 2021, tỉnh đã hoàn thành bồi dưỡng 5 mô đun cho cán bộ quản lý, giáo viên đại trà (mô đun 1, 2, 3, 4, 5), tỷ lệ hoàn thành đạt từ 99,4% đến 99,9% tùy mô đun và đối tượng.
Hiện nay sở Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức các công việc có liên quan đến cung cấp tài khoản LMS cho cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh trong năm 2022. Sau khi có tài khoản sẽ tiếp tục bồi dưỡng mô đun 9.
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, cho biết: Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Đồng Nai quan tâm, chú trọng đầu tư và đạt những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục trong giai đoạn mới, đặc biệt là tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về tình hình triển khai bồi dưỡng và hỗ trợ tự bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, theo ông Võ Ngọc Thạch, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai đã triển khai đầy đủ các văn bản hướng dẫn; ban hành hướng dẫn công việc của đội ngũ cốt cán tham gia bồi dưỡng đại trà thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của đội ngũ cốt cán. Sở đồng thời hướng dẫn, bảo đảm quyền lợi của đội ngũ cốt cán theo quy định.
“Sở/phòng Giáo dục và Đào tạo đã thành lập đoàn cán bộ cùng tham gia bồi dưỡng tmỗi mô đun cùng với đội ngũ cốt cán nhằm nắm bắt kịp thời nội dung bồi dưỡng để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo công tác chuyên môn của ngành. Thành lập nhóm zalo gồm đầu mối phụ trách công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên giữa Sở với các phòng Giáo dục và Đào tạo; giữa Sở/phòng Giáo dục và Đào tạo với đội ngũ cốt cán để kịp thời trao đổi, hướng dẫn và giải đáp các khó khăn cho đội ngũ cốt cán tham gia bồi dưỡng” - ông Võ Ngọc Thạch chia sẻ.
Đối với đội ngũ đại trà, việc bồi dưỡng được tổ chức theo cụm chuyên môn. Trước khi bồi dưỡng, học viên sẽ tự học trên hệ thống LMS dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của đội ngũ cốt cán. Theo mỗi cụm chuyên môn, đội ngũ cốt cán đã lập các nhóm Zalo theo môn học cụ thể để kịp thời hỗ trợ học viên.
Ngoài ra, đội ngũ cốt cán còn hỗ trợ trên LMS, qua email cá nhân, điện thoại trực tiếp cho học viên, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở học viên hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo quy định. Kết nối kịp thời với giảng viên chủ chốt để trao đổi về các vấn đề mà đội ngũ cốt cán còn chưa rõ, đồng thời báo cáo Sở/phòng Giáo dục và Đào tạo để biết và có ý kiến.
Tại hội thảo, các cán bộ quản lý, giáo viên Đồng Nai đã có những phản hồi tích cực sau khi được tham gia các mô đun bồi dưỡng; đặc biệt việc hình thành, kết nối giữa các giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, giảng viên sư phạm đã giúp đội ngũ rất nhiều trong tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.