Chương trình Bộ trưởng GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo diễn ra tháng 8/2023

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chương trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023 dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 8.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Cuộc họp.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Cuộc họp.

Hiện đã có hơn 5.700 câu hỏi của nhà giáo trên cả nước gửi đến Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Hầu hết các câu hỏi gắn với thực tiễn. Qua số lượng câu hỏi cho thấy sự quan tâm của đội ngũ nhà giáo trên cả nước, phản ánh thành công bước đầu trong khâu tổ chức.

Chiều 19/7, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì cuộc họp chuẩn bị Chương trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023.

Phát biểu tại Cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Bộ tổ chức Chương trình này, do đó mọi công việc cần thực hiện chu đáo, cẩn thận ở tất cả các khâu.

Chương trình dự kiến tổ chức trong 1 ngày, vào trung tuần tháng 8/2023 nên thời gian không còn nhiều. Vì vậy, các đơn vị được giao làm đấu mối cần tiếp tục chủ động công việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Vì là lần đầu tiên tổ chức nên các cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ cần bám sát kế hoạch, nội dung, mục đích của Chương trình. Việc tổ chức sự kiện cần đi vào thực chất, không phô trương, hình thức.

Đề cập đến dự kiến phương án tổ chức Chương trình, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, Bộ trưởng sẽ chủ trì và sẽ lắng nghe ý kiến, tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của nhà giáo, người lao động.

Sau đó, Bộ trưởng sẽ trả lời các câu hỏi. Các Thứ trưởng, lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ cũng sẵn sàng trả lời các câu hỏi khi được Bộ trưởng yêu cầu.

Thứ trưởng lưu ý, quá trình tổ chức cần linh hoạt, uyển chuyển và kết nối chặt chẽ giữa các điểm cầu. Trong quá trình diễn ra đối thoại, cần chủ động các tình huống phát sinh, không để bị động.

Báo cáo về hạ tầng công nghệ thông tin, ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết, Cục đã phối hợp với Cục Nhà giáo để nắm bắt yêu cầu, nhiệm vụ.

“Đến thời điểm này, Cục đã có phương án tổ chức và sẽ triển khai đến các địa phương để phối hợp triển khai thực hiện” – ông Hải cho hay, đồng thời chia sẻ, trước mắt, Cục dự kiến chia thành 2 nhóm:

Nhóm 1, điểm cầu có thể tương tác với 68 điểm cầu khác nhau, gồm: điểm cầu tại Bộ GD&ĐT; 63 tỉnh, thành phố và một số điểm cầu đặc biệt.

Nhóm 2, chỉ để theo dõi chương trình (không tương tác), dự kiến khoảng 40.000 điểm.

“Cục Công nghệ thông tin sẽ phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn VNPT để triển khai thực hiện nhiệm vụ về hạ tầng công nghệ thông tin” – ông Hải khẳng định.

Đại diện Tập đoàn VNPT đề xuất, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với Tập đoàn để khảo sát, lựa chọn địa điểm đặt điểm cầu trực tuyến của địa phương và các cơ sở giáo dục, nhất là những trường thuộc vùng khó khăn để triển khai hạ tầng kỹ thuật.

Các sở GD&ĐT lập danh sách phòng GD&ĐT, các trường sử dụng hệ thống MyTV để theo dõi chương trình. Trong đó, cần có thông tin về trang thiết bị để VNPT kịp thời hỗ trợ trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Đại diện Tập đoàn VNPT đề xuất, ngay trong tháng 7, các địa phương cần báo cáo thông tin về công tác tổ chức tại địa phương để có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự kiện. Ngoài ra, các địa phương cần cử đầu mối để phối hợp với VNPT trong suốt quá trình triển khai công việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ