Nhà giáo '3 cùng' với dân bản

GD&TĐ - Các thầy cô giáo đã “3 cùng” với bà con để mở đường, làm nhà vệ sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới...

Những bao xi măng, cát… được người dân làng Tu Nương cõng qua các con dốc cao để làm đường.
Những bao xi măng, cát… được người dân làng Tu Nương cõng qua các con dốc cao để làm đường.

Con đường bê tông từ cầu treo thôn 3, làng Tu Nương (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) vào đến từng nhà dân đã dần hình thành, thay thế con đường đất lầy lội. Ngoài xin kinh phí từ các nhà hảo tâm, các thầy cô giáo đã “3 cùng” với bà con để mở đường, làm nhà vệ sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nhà giáo và nhân dân cùng làm

Từ cầu treo vào đến làng Tu Nương, con đường đất chỉ hơn 1 km, nhưng nhiều dốc cao. Mùa mưa thì lầy lội, trơn trợt, mùa Hè, mặt đường đầy sống trâu. Dù là tay lái lụa cỡ nào thì cũng không thể đi xe máy vào làng được mà chỉ có thể để xe lại phía bên kia cầu rồi đi bộ vào.

Già Hồ Văn Chanh kể: “Mưa gió, nắng nôi gì xe cũng phải để lại bên tê cầu. Thanh niên làng mình nghèo, nên chỉ đủ tiền mua xe xấu thôi. Nhưng rồi cũng bị mất trộm. Mất xe thì không chở đồ về bán ở xã được. Đi rừng đành phải đi bộ thôi. Cực lắm mà không có chỗ gửi xe”.

“Đường xe” (đường có thể đi xe máy được - PV) chưa vào đến nơi, điện cũng chưa có. Thế nên khi nghe thông tin cô giáo Trà Thị Thu là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập xin được nguồn kinh phí để làm đường bê tông, thầy giáo Trần Văn Bửu mừng đến mất ngủ. Là người con của làng Tu Nương, thầy Bửu chỉ mong ước mở đường đủ rộng để xe máy có thể đi được.

Con đường bê tông vào làng Tu Nương dần dần hình thành với sự vận động kinh phí của cô giáo Trà Thị Thu và sự góp sức của bà con.

Con đường bê tông vào làng Tu Nương dần dần hình thành với sự vận động kinh phí của cô giáo Trà Thị Thu và sự góp sức của bà con.

Thầy Bửu kể: “Tôi đang dạy học ở điểm trường ông Tuấn của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Dơn. Từ điểm trường này, phải đi bộ khoảng 1,5 giờ đồng hồ mới ra đến “đường xe”. Làng Tu Nương của tôi cũng có một điểm trường. Thầy cô giáo đều phải gửi xe lại nhà dân rồi đi bộ một quãng đường khá xa để vào trường. Đường được đổ bê tông sẽ làm vơi bớt nhọc nhằn trên con đường đến lớp của cả thầy cô giáo cắm bản và con em trong làng khi về điểm trường chính học”.

Cô Trà Thị Thu cho biết: “Chúng tôi chỉ được hỗ trợ 10 tấn xi măng, vận chuyển, xăng xe. Thế nên phải vận động bà con tham gia ngày công làm đường”. Những phần việc này, thầy giáo Trần Văn Bửu nhận về mình. “Mình là con em của làng.

Ngoài vận động chung trong buổi họp thôn, mình cũng đi thuyết phục từng nhà để cùng tham gia ngày công. Cả làng chỉ có 2 chiếc ‘xe cày’ (là xe máy cà tàng) được mua với giá chỉ 1 - 2 triệu đồng dùng để chở hàng, nên hầu hết vật liệu xây dựng, từ cát, xi măng, đá… đều phải cõng bằng sức người”, thầy Bửu kể.

Với sự vận động của thầy Bửu, 51 hộ dân của làng Tu Nương đều tham gia công việc làm đường, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều góp sức với những công việc phù hợp.

Trẻ em làng Tu Nương cùng tham gia vận chuyển vật liệu làm đường.

Trẻ em làng Tu Nương cùng tham gia vận chuyển vật liệu làm đường.

Đón chờ những bước chân vui

Mùa này, gần như chiều nào núi rừng Trà Tập cũng có mưa, thế nên việc làm đường phải tập trung vào buổi sáng. Đổ xong, thầy cô, người dân còn phải lựa thời tiết để che chắn, không để bị nước mưa cuốn trôi đi. Thế nên, thầy Bửu ăn cơm trưa rất muộn.

“Làm đường thì không quá khó, chỉ cần hướng dẫn qua là thanh niên có thể làm theo được. Nhưng vì cát thì bà con phải tự ra sông lấy nên trong công việc phải cắt cử, phân công người mới đủ cát để trộn bê tông. Buổi chiều, lúc nào trời tạnh thì mình cùng thanh niên trong làng ra sông xúc cát. Rồi vận chuyển cát về làng. Chủ yếu là cõng cát bằng sức người. Có những ngày không đủ cát để trộn bê tông nên đành phải gián đoạn công việc” - thầy Bửu kể.

Già Hồ Văn Chanh phấn khởi nhìn đoạn đường bê tông đã hoàn thiện: “Có đường thì rau rừng, măng rừng, chuối của bà con sẽ không phải gùi bộ mà sẽ được chở đi bằng xe máy. Con em đi học cũng thuận tiện hơn. Cứ có đường đi bằng xe máy thì sẽ kéo theo nhiều thay đổi”.

Với sự hỗ trợ về kinh phí của Câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My, con đường đến điểm trường Lang Lương và Răng Chuỗi của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trà Tập đã được mở với sự tham gia ngày công của bà con thôn bản.

Những lối mòn đã được mở rộng thành đường với rất nhiều công sức và tâm huyết của bà con dân bản và những người làm công việc kết nối. Khoảng 8 km đường rừng cho mỗi điểm trường hoàn toàn được bà con thôn bản tham gia mở đường chỉ với những dụng cụ thô sơ như xà beng, cuốc, xẻng, búa tạ, đục đá… Con đường đất rộng chưa đầy 2 m, qua nhiều đoạn suối, dốc đá… đã giúp thầy cô giáo, học sinh và bà con thôn bản bớt đi nhiều khó khăn, nhọc nhằn.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ (CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My, Quảng Nam) vừa vận động nguồn lực để triển khai thí điểm trại chăn nuôi tập trung, có hầm xử lý bioga tại thôn 3, xã Trà Vinh. Theo thầy Vỹ, mô hình này sẽ giúp giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho bà con và cả các điểm trường. Kinh phí xây dựng khoảng 100 triệu/trại từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm và bà con đóng góp ngày công. Dự kiến ở xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My sẽ có khoảng 6 trại chăn nuôi tập trung theo mô hình này. Bà con sẽ được hỗ trợ con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ