Chung tay giữ ấm cho trò ở vùng cao Tây Bắc

GD&TĐ - Những ngày qua, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh, nhiệt độ ở miền núi giảm sâu, trời chuyển rét.

Giáo viên điểm Nậm Ty 2, Trường Mầm non Hua Thanh hướng dẫn học sinh đi tất giữ ấm.
Giáo viên điểm Nậm Ty 2, Trường Mầm non Hua Thanh hướng dẫn học sinh đi tất giữ ấm.

Nỗi lo rét đậm, rét hại lại thường trực với nhiều thầy cô các điểm trường vùng cao Điện Biên.

Xoay xở chống rét cho trò

Tháng 1 - 2 là cao điểm mùa Đông. Nhiều khu vực vùng cao ở Điện Biên liên tục đón các đợt rét đậm, rét hại. Có nơi xuất hiện hiện tượng đóng băng, sương muối…

Xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo là địa bàn thường xảy ra rét đậm và rét hại vào mùa Đông. Theo chia sẻ của thầy Bùi Văn Cun, Hiệu trưởng Trường Tiểu học&THCS Tỏa Tình, mùa Đông thời tiết tại đây luôn lạnh hơn so với khu vực khác trong huyện. Sáng và tối nhiệt độ xuống dưới 10 độ C.

“Từ khi trời trở lạnh, thầy cô đã nhắc nhở học sinh mặc đủ áo ấm, rà soát xem các em đã đủ chăn chưa? Tại các điểm trường cũng vậy, trường đảm bảo em nào cũng được giữ ấm. Nhà trường cũng hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời, nhất là vào buổi sáng. Các lớp học được yêu cầu đóng hết cửa sổ, giữ kín gió”, thầy Cun cho hay.

Tại Trường Mầm non Tỏa Tình, do học sinh còn nhỏ nên giải pháp này được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Cô Nguyễn Diễm Hương, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Những ngày thời tiết lạnh, trường yêu cầu giáo viên không tổ chức hoạt động ngoài trời. Phòng học được giữ ấm, che chắn kín gió. Kế hoạch giảng dạy cũng như giáo án của giáo viên cũng được chỉnh sửa cho phù hợp.

Còn theo ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo, ngay từ đầu mùa, phòng đã chỉ đạo các trường kiểm tra, sửa chữa kịp thời những phòng học, phòng bán trú, phòng ăn… chưa đảm bảo. Hạn chế tối đa gió lùa, nhằm giữ ấm cho học sinh.

Giáo viên điểm trường Mầm non Nậm Ty số 2 chăm chút cho học sinh giấc ngủ trưa ấm áp.

Giáo viên điểm trường Mầm non Nậm Ty số 2 chăm chút cho học sinh giấc ngủ trưa ấm áp.

Để chủ động phòng, chống và ứng phó với tình hình thời tiết, năm nào cũng vậy Sở GD&ĐT Điện Biên sớm ban hành công văn chỉ đạo, hướng dẫn việc tăng cường các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh.

Do sự chênh lệch về thời tiết mỗi vùng miền khác nhau, nên ngành giao quyền tự chủ cho các trường. Không để chờ các chỉ đạo bằng văn bản từ cấp trên, mỗi nhà trường sẽ dựa vào tình hình thời tiết thực tế để bố trí thời gian, hoạt động giáo dục cũng như cho phép học sinh nghỉ học, đảm bảo sức khỏe.

Ngoài ra, trường cũng có nhiệm vụ thông báo tới phụ huynh, học sinh theo dõi chặt chẽ thông tin về nhiệt độ ngoài trời tại các bản tin dự báo thời tiết. Qua đó, phụ huynh có con em học mầm non, tiểu học và THCS được phép cho con nghỉ học nếu nhiệt độ từ 7 độ C trở xuống và từ 5 độ C trở xuống đối với học sinh THPT.

Cô trò bên bếp lửa.

Cô trò bên bếp lửa.

Huy động xã hội hóa

Năm học 2022 – 2023, Điện Biên có 481 trường, với hơn 207.600 học sinh ở các cấp học. Để ứng phó với thời tiết, các trường đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo, chăm sóc tốt sức khỏe cho trò. Tuy nhiên, do tiềm lực hạn chế, nhiều trường học, thầy cô phải trông cậy vào nguồn xã hội hóa, cùng chung tay “giữ ấm” cho trò.

Nậm Ty là bản vùng cao, đặc biệt khó khăn của xã Hua Thanh (huyện Điện Biên). Những ngày mùa Đông này, điểm trường mầm non nằm trên đỉnh đồi cao đối diện với các đợt gió rít liên hồi, rét buốt. Trong giờ học, cô và trò luôn đóng kín cửa để bớt gió lùa. Song vẫn không thể ứng phó được những ngày cao điểm của đợt không khí lạnh, rét “cắt da cắt thịt”.

Cô Quàng Thị Ngân, Trưởng nhóm điểm Nậm Ty 2, cho biết: Điểm trường có 2 lớp ghép, với 49 trẻ theo học. Mùa Đông năm nay, cả cô và trò đã bớt phần lo lắng khi điểm trường được hỗ trợ 2 bóng đèn sưởi từ nguồn xã hội hóa.

“Học sinh ở đây hầu hết là con hộ nghèo, áo ấm chưa đảm bảo. Do vậy, nhà trường luôn tìm cách kêu gọi các nhà từ thiện để hỗ trợ áo ấm, mũ, tất, giày dép cho các em. Nhưng cái rét trên này vẫn làm cả cô và trò co ro. Giờ có thêm bóng sưởi, phòng học ấm áp hơn rất nhiều. Đến giờ ngủ, các em nằm gọn trong chăn ngủ ngon”, cô Ngân chia sẻ.

Không riêng điểm Nậm Ty 2, năm học này, cả 3 điểm vùng cao của Trường Mầm non Hua Thanh đều được hỗ trợ bóng sưởi. Cô Nguyễn Thị Dung, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, cho biết: Đầu mùa rét, trường được hỗ trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời. Sau khi nhận 8 bóng sưởi, đơn vị phân bổ về các điểm trường vùng cao, nơi thời tiết lạnh giá, rét buốt.

“Vừa có điện, giờ lại có thêm bóng sưởi đã giúp cô và trò các điểm trường bớt vất vả trong mùa Đông năm nay. Ngoài ra, mới đây nhà trường cũng nhận được nhiều áo ấm của các đơn vị từ thiện để phân bổ cho các em. Cơ bản đảm bảo đủ ấm cho các em yên tâm đến trường”, cô Dung cho hay.

“Đối với trường tổ chức bán trú phải bảo đảm đủ khẩu phần, thực phẩm sạch. Chế độ ăn hợp lý với cơm, thức ăn, thức uống nóng, tăng đề kháng cho học sinh. Các trường mầm non thì đủ nước ấm để chăm sóc học sinh. Nhất là đối với điểm trường, do không có hệ thống nóng lạnh nên giáo viên phải đun nước nóng bằng bếp củi”, ông Sơn cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.