Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, duy trì sĩ số trường lớp từ đó nâng cao chất lượng giáo dục… các địa phương, nhà trường buộc phải làm tốt công tác phòng, chống rét.
Nỗi lo từ trường vùng khó
Trường PTDT bán trú Tiểu học Ngọc Long cách trung tâm thị trấn huyện Yên Minh (Hà Giang) 40km. 100% HS dân tộc Mông, đời sống khó khăn. Trường có 1.313 học sinh đến từ 25 thôn bản. Trường có 24 điểm trường, trong đó, tại điểm trường chính có số học sinh bán trú lên tới gần 400 em.
Theo thầy Dương Văn Đông - Hiệu trưởng nhà trường, điều kiện cơ sở vật chất của địa phương, nhà trường, phụ huynh hạn chế nên mỗi khi mùa đông về thầy cô và học sinh lại đứng trước nỗi lo sức khỏe và duy trì sĩ số.
Thầy Đông cho biết: “Hiện phòng học, phòng ở bán trú của học sinh được xây dựng, sửa chữa. Song tình trạng thiếu chăn, đệm, hệ thống nước nóng... vẫn chưa được cải thiện. Vào mùa đông, học sinh phải nằm chiếu vì không có đệm. Học sinh tắm, giặt chỉ diễn ra vào ngày ấm, nhà trường hỗ trợ phần nào nước nóng. Dù thời tiết đã chuyển lạnh nhưng trường vẫn thiếu 50 - 70 chiếc đệm, 150 chăn đắp cho học sinh mà chưa thể tìm nguồn để mua…”.
Tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Pa Vệ Sủ (Mường Tè - Lai Châu), tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất cũng được thầy Vũ Văn Viện - Hiệu trưởng chia sẻ: Trường có 375 học sinh, trong đó có 202 em bán trú tại 2 điểm trường. Mùa đông thường kéo dài, khắc nghiệt, nhiều năm có băng tuyết xuất hiện. Thầy và trò phải đốt củi trong lớp để tránh không bị tê buốt.
“Năm nay, trường được địa phương đầu tư nâng cấp nên lớp học không bị gió lùa, thiếu ánh sáng vì phải đóng kín cửa. Tuy nhiên, đồ dùng chống rét cho học sinh bán trú như chăn đệm, quạt sưởi, hệ thống nước nóng... vẫn thiếu và chưa có. Dù đã nỗ lực trong việc trang bị nhưng kinh phí hạn hẹp, vẫn phải huy động từ xã hội, hoặc các đoàn từ thiện tới địa phương hỗ trợ...” – thầy Viện cho biết.
Chia sẻ kế hoạch phòng chống rét cho 227 học sinh toàn trường (trong đó 131 em bán trú), thầy Nguyễn Tiến Công - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà - Lào Cai) cho hay, trường đã sẵn sàng phương án. Trường dự trữ một số lượng quần áo ấm lớn được trao tặng từ năm học trước nhưng chưa phân phát hết nên mùa lạnh năm nay vẫn có để phát cho học sinh. Chăn, đệm, đồ dùng giữ nhiệt cơm canh được nhà trường trang bị đầy đủ và bổ sung thay thế số bị hư hỏng.
Theo thầy Công, công tác phòng chống rét cho học sinh đã bảo đảm, chỉ riêng nước ấm sinh hoạt phải triển khai theo hình thức cũ, chia lịch tắm và đun nước nóng. Thời điểm này Phòng GD&ĐT Bắc Hà đang chuẩn bị lắp đặt thí điểm bếp đun nước nóng đa năng cho các nhà trường. Nếu hiệu quả, thời gian tới trường sẽ được đầu tư và học sinh sẽ có nước nóng sinh hoạt 24/24 giờ.
Để mùa đông bớt lạnh
Có thể thấy, phòng chống rét cho học sinh vào mùa lạnh trong những năm gần đây được các địa phương, trường học vùng cao đặc biệt quan tâm. Dù nhiều khó khăn nhưng mỗi trường đều nỗ lực, chủ động tìm giải pháp khác nhau. Bởi các trường xác định bảo đảm sức khỏe học sinh là yêu cầu số 1 để duy trì sĩ số, chất lượng giáo dục.
Ông Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT Sa Pa (Lào Cai) trao đổi: Trước khi bước vào mùa đông, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường rà soát lại trang thiết bị, cơ sở vật chất, vật dụng phòng chống rét để có kế hoạch trang cấp mới, bổ sung kịp thời.
Phòng đặc biệt ưu tiên với bậc học Mầm non, bởi ở độ tuổi này trẻ em dễ bị ảnh hưởng về sức khỏe nếu không đủ ấm. Vì vậy, bên cạnh việc trang cấp, phòng yêu cầu các trường mua sắm thêm lò sưởi (có từ 1-2 lò sưởi/phòng học) để bảo đảm sức khỏe cho trẻ khi tới lớp.
Đa số trường tiểu học, THCS chưa có hệ thống nước nóng tự động. Phòng GD& ĐT đã vận động, yêu cầu các trường duy trì đun nước nóng cho học sinh tắm giặt, ăn uống, sinh hoạt.
“Năm học này, Phòng GD&ĐT Sa Pa đã phát động mô hình Nước nóng cho em trong các cơ sở giáo dục. Trước mắt, các trường đang tiếp thu công nghệ mô hình bếp đun nước nóng đa năng và sáng tạo thêm cho phù hợp với trường mình. Phòng GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm mô hình bếp đun nước nóng ủ trấu ở 2 - 3 trường. Khi mô hình khả thi, có kết quả tốt, đáp ứng nhu yêu cầu thực tế sử dụng của các nhà trường, phòng sẽ tiến hành triển khai lắp đặt ở diện rộng…”, ông Nguyễn Trường Chinh cho biết.
Nói về biện pháp phòng chống rét cho học sinh vào mùa đông, thầy Dương Văn Đông cho biết, việc trang bị thiết bị, đồ dùng để phòng, chống rét cho học sinh không dễ đối với các trường ở vùng đặc biệt khó khăn do vấn đề kinh phí. Không thể xã hội hóa được khi phần lớn phụ huynh thuộc hộ nghèo. Ngân sách địa phương hạn hẹp, trong khi đồng thời phải hỗ trợ nhiều trường học trong địa bàn.
Vì vậy, “công tác huy động nguồn lực phòng, chống rét cho học sinh nhà trường đều trông đợi vào sự giúp đỡ, ủng hộ của các nhà tài trợ trong và ngoài địa phương”, thầy Đông trao đổi.
Thầy Vũ Văn Viện cũng khẳng định, trong hoàn cảnh còn khó khăn chung, việc chống rét cho học sinh cần phát huy từ thực tế nhà trường. Trước hết, trường sắp xếp lịch học sinh tắm theo lớp vào những ngày nhiệt độ tăng cao. Nước nóng được bộ phận bếp đun hỗ trợ. Giáo viên làm vệ sinh chăn, chiếu cho học sinh vào thứ 6 hàng tuần khi các em trở về gia đình. Vào những ngày nhiệt độ dưới 10 độ C, trường sẽ bố trí ghép 2 - 3 học sinh ngủ chung để giữ ấm...