Nhằm góp phần thực hiện đánh giá luật bảo vệ và phát triển rừng sau 10 năm thực hiện, Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đề tài “ đánh giá công tác bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng và hộ gia đình tại 3 tỉnh Đắc Lắc, Hòa Bình và tỉnh Thừa Thiên - Huế”.
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu về tham vấn cộng đồng và hộ gia đình về Luật BV&PTR 2004, từ năm 2000 - 2011, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao được 19.322 ha rừng cho người dân quản lý bảo vệ. Trong đó, cộng đồng được giao 14.131 ha, nhóm hộ được giao 4.183 ha và hộ gia đình được giao 1.007 ha.
Tại hai địa bàn nghiên cứu, huyện A Lưới tính đến hết năm 2013, huyện này đã giao 15.690 ha rừng tự nhiên cho 50 hộ gia đình, 120 nhóm hộ, 26 cộng đồng cư thôn và 1 tổ chức là đồn biên phòng Nhâm quản lý.
Ngoài ra, huyện còn giao 48.630 ha rừng và đất rừng cho các BQL, khu bảo tồn; tại huyện Nam Đông có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 53.371 ha, trong đó, đã giao cho các BQL rừng phòng hộ Nam Đông và Vườn Quốc gia Bạch Mã là 37.193ha, giao cho hộ gia đình là 7071 ha, cộng đồng quản lý là 4.618 ha, nhóm hộ quản lý là 1.034 ha và UBND các xã quản lý 2.453 ha.
Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 73 cộng đồng dân cư thôn được giao 14.131 ha rừng tự nhiên, trong đó huyện A Lưới có 26 cộng đồng và Nam Đông có 32 cộng đồng. Tuy nhiên, kết quả khảo sát ở các điểm tham vấn cho thấy chưa có cộng đồng nào đảm bảo được sự tham gia nhận rừng như luật định.
Đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận về những vấn đề thực tế được phát hiện tại địa bàn tham vấn như quy định giao rừng cho cộng đồng dân cư; giao rừng cho nhóm hộ; chậm hoàn tất thủ tục cấp, đổi GCNQSĐ đất, bất cập trong chính sách đền bù, đổi đất lâm nghiệp…
Qua đó, nêu lên đề xuất, kiến nghị trong việc trong thực hiện Luật BV&PTR như: giao rừng phải gắn với giao đất; cần có quy định quyền hạn của chủ rừng…