Chứng cứ về nền siêu văn minh vũ trụ?

GD&TĐ - Khoảng trống Bootes là khu vực khá đặc biệt trong vũ trụ khả kiến của chúng ta. Khu vực trải dài trên khoảng cách gần 330 triệu năm ánh sáng chỉ chứa 60 thiên hà, hoàn toàn cách biệt nhau bởi khoảng không gian vũ trụ khổng lồ.

Một nền siêu văn minh vũ trụ có thể đã hoặc đang tồn tại trong khoảng trống Bootes
Một nền siêu văn minh vũ trụ có thể đã hoặc đang tồn tại trong khoảng trống Bootes

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc chắn nguyên nhân hình thành nên khoảng trống Bootes chính xác là gì. Tuy nhiên, theo một giả thuyết, nguyên nhân hình thành nên khoảng trống này là một nền siêu văn minh vũ trụ, có khả năng hấp thụ các thiên hà.

Khu vực trống rỗng khổng lồ

Có thể so sánh khoảng trống Bootes với Dải Ngân hà để hình dung nó rộng lớn như thế nào. Theo tính toán của các nhà thiên văn học, trong bán kính 3 triệu năm ánh sáng tính từ Dải Ngân hà, có 22 thiên hà khác. Trong khi đó, trong khu vực 300 triệu năm ánh sáng của khoảng trống Bootes chỉ có vẻn vẹn 60 thiên hà. Để so sánh, cũng trong khu vực cùng kích cỡ này ở xung quanh Dải Ngân hà có ít nhất 10.000 thiên hà.

Hơn nữa, theo các nhà nghiên cứu, nếu thiên hà của chúng ta nằm trong khoảng trống Bootes, thì ít nhất là đến những năm 60 thế kỷ trước, chúng ta cũng không biết về sự tồn tại của những thiên hà khác. Giới khoa học cho rằng, bên trong khu vực này là chân không hoàn hảo. Nếu trong khoảng trống này có một phi hành gia, thì người đó bị bao phủ hoàn toàn bởi bóng tối và ở cách nguồn ánh sáng hay đối tượng vật chất gần nhất là hàng trăm triệu năm ánh sáng.

Mặc dù, chúng ta có thể nhìn vào bên trong khoảng trống Bootes, nhưng chúng ta không biêt chắc chắn về căn nguyên hình thành của nó. Hiện tại, các nhà thiên văn học đưa ra 3 giả thuyết nhằm giải thích một số bất thường ở khu vực này. Một trong 3 giả thuyết đó cho rằng, khu vực này là kết qủa của liên kết một vài vùng trống nhỏ hơn. Về mặt lý thuyết điều đó liên quan đến việc thu hút vật chất của các khu vực có mật độ vật chất cao hơn, tạo ra khoảng trống tại những khu vực còn lại.

Một thuyết khác kết hợp sự tồn tại khoảng trống Bootes với vật chất tối. Chính vật chất tối đã làm khu vực giãn ra từ trung tâm, khiến cho các thiên hà chạy ra xa. Theo các nhà nghiên cứu, một quá trình tương tự cũng gây ra hiện tượng các thiên hà di chuyển ra xa nhau mà chúng ta quan sát được và không loại trừ khả năng là hiện tượng đó có thể dẫn đến việc hình thành các khu vực trống rỗng. Trong vũ trụ khả kiến, cũng có một vài khu vực trống như vậy, tuy nhiên không khu vực nào lớn bằng khoảng trống Bootes.

Giả thuyết cuối cùng, ít được ủng hộ nhất, nói rằng không phải các quá trình tự nhiên tạo ra khoảng trống Bootes, mà là do hoạt động của một nền siêu văn minh vũ trụ. Nền siêu văn minh này có công nghệ khai thác năng lượng từ các thiên hà.

Quả cầu Dyson
  • Quả cầu Dyson

Thang Kardashev

Giả thuyết thứ ba nói trên dựa vào cái gọi là thang Kardashev – một phương pháp đo mức phát triển của nền văn minh. Thang do nhà vật lý thiên văn người Nga Nikolai Kardashev đề xuất năm 1964. Thang Kardashev nói rằng mức phát triển nền văn minh lạ phụ thuộc vào lượng năng lượng mà nền văn minh ấy có thể sử dụng. Nền văn minh tiềm năng trong khoảng trống Bootes có thể đạt tới mức III, thậm chí tới mức IV. Theo Kardashev, khả năng khai thác năng lượng và tiến bộ công nghệ liên quan chặt chẽ với nhau. Ông đã đưa ra thang phát triển nền văn minh như sau:

Loại 0 – nền văn minh dưới cấp toàn cầu: Đó là nền văn minh dựa trên đốt gỗ, than và các nhiên liệu mỏ khác; còn phát triển công nghệ dựa trên quặng kim loại khai thác được.

Loại I - nền văn minh hành tinh: Đây là nền văn minh mà chúng ta đang mong muốn vươn tới. Nếu đạt mức này, chúng ta sẽ có khả năng sử dụng tất cả tài nguyên hành tinh.

Loại II – nền văn minh sao: Nền văn minh này ở mức phát triển hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta có thể sánh ngang với họ sau 1.000 - 2.000 năm nữa. Trong trường hợp này, chúng ta nói đến khả năng khai thác và sử dụng năng lượng ngôi sao, chẳng hạn thông qua quả cầu Dyson (hệ thống vệ tinh năng lượng mặt trời bao quanh ngôi sao).

Loại III – nền văn minh thiên hà: Đây là đẳng cấp hoàn toàn khác. Nền văn minh này có khả năng khai thác năng lượng thiên hà, với lượng năng lượng nhiều hơn 10 tỷ lần so với nền văn minh loại II. Chúng ta có thể đạt tới mức này sau 1 triệu năm nữa. Nền văn minh loại III có thể tự thuộc địa hóa toàn thiên hà và thu nhận năng lượng từ hàng tỷ ngôi sao.

Loại IV – nền văn minh vũ trụ: Thậm chí khó hình dung mức phát triển của nền văn minh kiểu này. Nền văn minh này có thể gây ảnh hưởng đến toàn vũ trụ và lấy năng lượng từ hàng tỷ tỷ ngôi sao. Các đại diện nền văn minh này có khả năng điều khiển không- thời gian, trong đó họ có thể làm chậm hoặc đảo ngược entropy và bằng cách đó đạt tới trường thọ. Nền văn minh loại IV có thể tồn tại bên trong chân trời sự kiện của lỗ đen siêu nặng tại trung tâm nhiều thiên hà.

Khoảng trống Bootes
Khoảng trống Bootes 

Tác phẩm của nền văn minh tiên tiến

Theo thang Kardashev, khoảng trống Bootes là kết quả rõ rệt của việc nền văn minh loại III hoặc IV “nuốt chửng” toàn bộ các thiên hà. Giả thuyết này dựa trên hình dạng gần như là hình cầu của khoảng trống, tương ứng với sự bành trướng (về mặt lý thuyết) của nền văn minh trong quá trình tìm kiềm các nguồn năng lượng mới. Một số người còn cho rằng, nền văn minh khởi đầu sự bành trướng ấy đến nay đã không còn tồn tại. Thay vào đó có thể là trí tuệ nhân tạo. Trong tình huống ấy, việc tiếp tục tìm kiếm các thiên hà để khai thác năng lượng có thể sẽ kéo dài đến khi vũ trụ chấm dứt tồn tại.

Dễ dàng suy ra là việc khẳng định giả thuyết nói trên đòi hỏi lượng kiến thức và dữ liệu khổng lồ mà chúng ta chưa có được. Vì thế, chúng ta không có khả năng biết được điều gì đang ẩn chứa bên trong khoảng trống Bootes (ngoài một số thiên hà đơn lẻ, bị chia cắt).

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ