Ngoài việc lắng nghe các tín hiệu điện từ, các nghiên cứu tập trung vào tìm kiếm các dấu vết sinh học của sự sống trên sao Hỏa hoặc trên các vệ tinh của sao Thổ, sao Mộc, hoặc trên các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời (ngoại hành tinh). Hiện giờ, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) dự định nghiên cứu dấu vết của những nền văn minh vũ trụ phát triển cao.
Tại trụ sở của Viện Nghiên cứu Mặt trăng và Hành tinh (The Lunar and Planetary Institute) ở Houston đã diễn ra hội thảo kéo dài 3 ngày về triển vọng tìm kiếm các dấu vết công nghệ của sự sống lạ – các tín hiệu có thể là sản phẩm của một nền văn minh ngoài Trái đất. NASA đã mời các chuyên gia thuộc các lĩnh vực để thảo luận về chủ đề các giải pháp khả dĩ thực hiện những quan sát như vậy (ngoài các tín hiệu điện từ). Điều thiết thực là trong năm nay, Quốc hội Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề này. Vì vậy, có khả năng là NASA được nhận thêm tài trợ để thực hiện nghiên cứu.
NASA mong muốn tổ chức các cuộc thảo luận về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, những nơi mà kinh phí dành cho chương trình này được sử dụng hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, NASA cũng lên kế hoạch liên kết với các chương trình tư nhân cùng tìm kiếm dấu vết nền văn minh lạ.
Chương trình mới sẽ mở rộng hơn so với các tìm kiếm trong khuôn khổ chương trình SETI (tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái đất). SETI là một chương trình giới hạn trong việc nghe ngóng các thử nghiệm tiếp xúc bằng thông điệp của nền văn minh ngoài hành tinh. Trong khi đó chương trình mới quan tâm đến tất cả các dạng hoạt động thông minh, chẳng hạn như phát tia laser, xây dựng cấu trúc lớn hơn hay gây ô nhiễm khí quyển – tất cả những gì gợi ý về sự sống thông minh. Vấn đề ở đây là tìm kiếm các dấu vết của nền văn minh ngoài hành tinh thậm chí cả khi nền văn minh ấy không muốn tiếp xúc với chúng ta.
NASA tuyên bố, những phát hiện khoa học mới nhất, liên quan đến Hệ Mặt trời cũng như các ngoại hành tinh khiến cho việc thực hiện các công việc tìm kiếm dấu vết nền văn minh lạ phát triển là có cơ sở. Kính viễn vọng không gian James Webb (sắp sửa được đưa lên quỹ đạo) sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng hơn khí quyển các hành tinh xa xôi. Chúng ta hi vọng sẽ xác định được hành tinh nào trong số đó duy trì sự sống. Hơn nữa, còn quan sát được các chứng cớ công nghệ về sự tồn tại của nền văn minh vũ trụ phát triển cao.
Một trong những cảm hứng thúc đẩy các hoạt động tìm kiếm như trên là phát hiện Tabbys Star (tên gọi không chính thức của ngôi sao KIC 8462852 cách Trái đất 1.470 năm ánh sáng) của Kính viễn vọng Kepler năm 2015. Sự thay đổi độ sáng không đều đặn của ngôi sao này khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng có thể có một siêu cấu trúc do một nền siêu văn minh xây dựng, quay xung quanh ngôi sao.
Các nghiên cứu sâu hơn khẳng định, ánh sáng ngôi sao dường như đã bị các đám mây bụi che khuất; tuy nhiên quan điểm cho rằng bằng cách này có thể quan sát các hiệu quả của kỹ thuật ngoài Trái đất, vẫn không bị bỏ quên. Có thể hi vọng, lượng dữ liệu do các thiết bị quan sát tiên tiến thu thập sẽ tăng đột biến, các nhà khoa học có thể tìm kiếm trong số đó các dấu vết bất thường.