Chứng cứ hư hại, phải xử lý nghiêm những người liên quan

GD&TĐ - Mới đây có vụ việc bà Đỗ Thị Hồng Nga ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng khởi kiện đòi nợ và nộp giấy vay nợ bản chính có lập biên bản giao nhận chứng cứ cho thẩm phán và thư ký của TAND TP Bảo Lộc.

Bà Đỗ Thị Hồng Nga, người được đề cập đến trong vụ việc chứng cứ khởi kiện của bà bị hư hại
Bà Đỗ Thị Hồng Nga, người được đề cập đến trong vụ việc chứng cứ khởi kiện của bà bị hư hại

Tuy nhiên, khi đưa ra xét xử thì tờ giấy ghi nợ có dấu hiệu bị gạch xóa. Do đó, vụ án bị bế tắc, kéo dài không thể giải quyết dứt điểm gây thiệt hại cho quyền lợi của bà Nga.

Việc các bên liên quan nộp chứng cứ cho tòa án, thì kể từ lúc đó tòa án phải có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản theo quy định pháp luật. Trừ trường hợp chứng cứ bị hư hỏng, mất mát vì lý do khách quan như hỏa hoạn, lũ lụt... thì mới xem xét miễn trách nhiệm, còn lại trong mọi trường hợp cơ quan và người bảo quản đều phải chịu trách nhiệm.

Theo đó, cán bộ, công chức nào tiếp nhận, bảo quản chứng cứ thì chịu trách nhiệm trực tiếp còn cơ quan cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Đó là nguyên tắc cơ bản của việc bảo quản, lưu giữ chứng cứ hoạt động tư pháp cũng như quản lý hành chính Nhà nước.

Chứng cứ là cơ sở, căn cứ quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định để ra bản án, quyết định giải quyết vụ án. Do đó, bất kỳ một thông tin, chứng cứ nào của vụ án bị sai sót, thay đổi cũng có thể khiến cho vụ án rơi vào bế tắc hoặc bị sai lệch dẫn đến oan sai (hình sự) hoặc gây thiệt hại, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự (dân sự).

Chính vì vậy, tại Bộ luật Hình sự có hẳn một điều luật quy định về việc xử phạt hình sự đối với tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (Điều 375). Theo đó: “Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Người phạm tội trong một số trường hợp có thể bị phạt tù lên đến 15 năm.

Trong vụ án dân sự, nếu chứng cứ hư hại có thể làm sai lệch vụ án, gây khó khăn cho quá trình, điều tra, xác minh của tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác. Vì thế, việc bảo quản, lưu giữ chứng cứ có vai trò đặc biệt quan trọng, cá nhân, tổ chức nào được giao bảo quản chứng cứ mà làm hư hại đều có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự nêu trên.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm khởi tố vụ án, điều tra, xác minh làm rõ động cơ, mục đích việc làm hư hại chứng cứ, sai lệch chứng cứ so với tiếp nhận ban đầu. Trường hợp xác định có hành vi sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án cần xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định pháp luật. Điều này vừa nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người dân, đồng thời răn đe, phòng ngừa các hành vi tương tự về sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ