Không thể chấp nhận cơ quan có đến 40% người không làm được việc

GD&TĐ - Tại Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVI) diễn ra sáng 3-7 ông Tô Quang Phán - Tổng giám đốc Đài phát thanh truyền hình Hà Nội đã thẳng thắn thừa nhận trong tổng số hơn 700 người đang làm việc tại Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, chỉ khoảng 60% là "đủ năng lực" làm việc tốt. Còn lại 40% năng lực hạn chế, tuy nhiên không loại bỏ được những người này vì "con ông này, cháu bà kia từ trung ương trở xuống thành phố". 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức quy định: Đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức có 2 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ. Tương tự việc đánh giá công chức cũng được quy định rất cụ thể, theo đó nếu công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc (khoản 3 Điều 29 Luật Cán bộ, công chức).

Do đó, việc ông Phán thừa nhận được dư luận cho là “dũng cảm” nhìn thẳng vào sự thật, nhưng việc không buộc thôi việc những người "làm việc làng nhàng, đi ra đi vào" là không thuyết phục. Pháp luật đã quy định rất rõ ràng, cụ thể về buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng với những người không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liền, nhưng người có trách nhiệm, “có quyền sinh, quyền sát” với cương vị Tổng giám đốc, người đứng đầu như ông Phán mà cũng... “bất lực” thì thật đáng lo ngại!

Từ lâu dư luận đã có nhận định về việc trong bộ máy nhà nước có nhiều cán bộ, công chức không đủ năng lực, làm việc không hiệu quả theo kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” "làm việc làng nhàng, đi ra đi vào". Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không thể đuổi việc, tinh giản được những người này vì họ là “con ông, cháu cha”. Do đó, đuổi việc những người này không dễ, vì thường họ có “ô dù”, người có chức quyền che chắn, giúp đỡ. Trong khi đó, những người có trách nhiệm quản lý, điều hành lẽ ra phải xử lý các cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ thì ngại đụng chạm, không đủ dũng khí để thực thi điều mà pháp luật đã quy định rất cụ thể, rõ ràng.

Có thể khẳng định trong cơ quan mà có đến 40% người không làm được việc mà vẫn hưởng lương, phụ cấp... là không thể chấp nhận được, và chắc chỉ có ở Việt Nam! Sự tồn tại, hiện diện của họ trong cơ quan nhà nước không chỉ tạo nên gánh nặng cho ngân sách mà còn cản trở, giảm hiệu quả công tác nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan này, cản trở sự phát triển của những người trẻ tuổi, có trình độ, tâm huyết và khả năng công hiến cho đất nước.

Ngoài ra, đài phát thanh truyền hình địa phương (cấp tỉnh) mà có số người làm việc lên đến... 700 người cũng là vấn đề cần phải bàn. Bởi vì, Hà Nội là nơi đóng chân, hoạt động của đa số cơ quan truyền thông đại chúng của trung ương, các bộ, ngành, vì thế việc duy trì đài cấp tỉnh với quy mô lớn như vậy liệu có hợp lý hay không? Có lãng phí nguồn lực của đất nước hay không?

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần rà soát để loại bỏ những người không làm được việc, theo kiểu “có cũng được, không có cũng được” ra khỏi bộ máy nhà nước, cho dù họ là con cháu của ai. Không thể chấp nhận tình trạng cơ quan nhà nước mà có đến gần một nửa không làm được việc nhưng vẫn hưởng lương, chế độ.

Điều này không những góp phần tinh giảm biên chế, bộ máy mà còn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải quyết công việc của công dân, tổ chức.                            

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ