Trò chuyện cuối tuần

Chứng chỉ hành nghề dạy học: Vì vị thế người dạy, lợi ích người học

GD&TĐ - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ về bước tiến quan trọng trong nhận thức về nghề giáo...

Một tiết học Văn của cô trò Trường THCS - THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: NTTC
Một tiết học Văn của cô trò Trường THCS - THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: NTTC

Nói về bước tiến quan trọng trong nhận thức về nghề giáo, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: Dạy học là một nghề và nghề đó đòi hỏi nhà giáo có chứng chỉ hành nghề, vì vị thế của người dạy và lợi ích của người học.

Bước tiến quan trọng

- Theo ông, có gì khác biệt khi dạy học được xem là một nghề?

- Cho đến những năm giữa thế kỷ XX, dạy học được quan niệm là công việc ai cũng có thể làm được miễn người đó có trình độ văn hóa nhất định. Dạy học là công việc mang nặng tính nghiệp dư và giáo viên chỉ phải tuân theo các chỉ thị, hướng dẫn về những việc phải làm.

Bước tiến quan trọng trong nhận thức cũng như sự phát triển của bản thân việc dạy học được đánh dấu bởi Bản khuyến nghị năm 1966 của ILO/UNESCO về vị thế giáo viên; trong đó khẳng định “dạy học phải được xem là một nghề” (Teaching should be regarded as a profession).

Đối với nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, dường như không có sự khác biệt đáng kể giữa hai khái niệm công việc và nghề. Nói rằng một người nào đó có công việc, chẳng hạn sửa chữa xe máy, cũng có nghĩa người đó có nghề sửa chữa xe máy. Tuy nhiên, trong xã hội đã có bước tiến lớn về phân công lao động thì giữa công việc và nghề có một đường ranh rõ ràng.

Theo Wikipedia (mục từ profession) thì một công việc được coi là nghề khi đã trải qua các điểm mốc phát triển như sau: Công việc đó phải toàn thời gian; được đào tạo qua trường đại học; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người làm công việc đó được thành lập; các quy tắc ứng xử đạo đức trong công việc được thiết lập; các quy định Nhà nước về chứng chỉ hành nghề được ban hành.

Như thế, việc khẳng định dạy học là một nghề, thì không chỉ dạy học đã trở thành một hoạt động mang tính chuyên nghiệp, có vai trò quan trọng trong xã hội, mà nhà giáo cũng có vị thế xã hội được nâng cao với tư cách không phải chỉ là những chuyên gia môn học mà còn chuyên nghiệp trong nghề dạy học.

chung chi hanh nghe day hoc (1).JPG
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến. Ảnh: Xuân Phú

- Khi dạy học được xem là một nghề, sẽ kéo theo những đòi hỏi gì, thưa ông?

- Khi dạy học được coi là một nghề, điều đó kéo theo yêu cầu: Để được công nhận nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề.

Báo cáo mới đây của UNESCO cho biết: Phần lớn các nước yêu cầu nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề dạy học (teaching license hoặc teaching certificate), đặc biệt trong hợp tác quốc tế về nhà giáo khi mà các liên kết giáo dục qua trao đổi nhà giáo đang trở thành thông lệ.

Điều đó để đảm bảo rằng, trong bối cảnh đa dạng về người học cùng yêu cầu không ngừng cao và biến động chất lượng, nhà giáo không chỉ là người có khả năng sử dụng kiến thức chuyên môn - nghiệp vụ vững vàng và kinh nghiệm thực tế phong phú để cung cấp giáo dục có chất lượng, mà còn có phẩm chất và năng lực xử lý tin cậy, phù hợp trước những tình huống khác nhau, vì lợi ích của người học và đạo đức nghề nghiệp.

Các điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề dạy học khá đa dạng, bao gồm các kỳ thi cạnh tranh, yêu cầu về ngôn ngữ giao tiếp, quyền công dân, kiểm tra y tế, lý lịch tư pháp, kể cả yêu cầu về độ tuổi. Tuy nhiên, xét về góc độ chuyên môn, ngoại trừ những nước thu nhập thấp, giờ đây các nước trên thế giới đều yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo ở mọi cấp học phải từ cử nhân trở lên; 75% nước yêu cầu nhà giáo có chứng chỉ sư phạm. Ngoài ra, điều kiện tiên quyết phổ biến nhất để giảng dạy là thực hành giảng dạy và tập sự.

chung chi hanh nghe day hoc (2).JPG
Cô trò Trường Tiểu học - THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: NTCC

Không tạo ra áp lực

- Dự thảo Luật Nhà giáo đưa ra quy định về chứng chỉ hành nghề dạy học. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, có người bày tỏ e ngại quy định này thực chất là một kiểu giấy phép con, có khả năng khiến nhà giáo rơi vào vòng xoáy của cơ chế “xin - cho”. Ông nghĩ sao về điều này?

- Về lý thuyết, e ngại này có cơ sở nếu không tính đến các quy định cụ thể về việc cấp chứng chỉ hành nghề trong Dự thảo Luật Nhà giáo.

Điều 15 của Dự thảo Luật Nhà giáo quy định như sau:

a) Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì đương nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề.

b) Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch thì được cấp chứng chỉ hành nghề.

Với quy định như vậy thì hiển nhiên việc cấp chứng chỉ hành nghề không tạo ra bất kỳ áp lực nào đối với nhà giáo đương nhiệm. Riêng với người mới được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục thì yêu cầu cần đạt để được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ ở mức độ hiện nay (được công nhận hoàn thành giai đoạn tập sự).

Như vậy, quy định về chứng chỉ hành nghề không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với nhà giáo kể cả nhà giáo đương nghiệm và sau này. Trong khi đó, tác động tích cực rất đáng kể.

Trước hết, xét ở góc độ quản lý thì quy định về chứng chỉ hành nghề tạo ra cơ sở pháp lý để Nhà nước và xã hội phân định được nhà giáo chính danh với tự xưng trong bối cảnh thị trường giáo dục ngày càng trở nên phức tạp dưới tác động của công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là tình trạng không chỉ riêng đối với giáo dục.

Trong lĩnh vực y tế hiện nay có khá nhiều bác sĩ tự xưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Đặc biệt đáng quan ngại trong lĩnh vực báo chí truyền thông, khi bên cạnh các nhà báo chính danh được cấp thẻ, hiện có nhiều nhà báo tự xưng trên mạng xã hội, đặc biệt là các TikToker, Facebooker…

Để khắc phục tình trạng này hiện mới chỉ có giải pháp bảo đảm chất lượng chuyên môn của các hoạt động nghề nghiệp thông qua chứng chỉ hành nghề. Trong tương lai, cần có khảo sát, giám sát, đánh giá và tổng kết thực tiễn của tình trạng này để có các quy định pháp lý cần thiết, phù hợp.

chung chi hanh nghe day hoc (3).JPG
Cô trò Trường THCS - THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: NTCC

Tiếp nữa, xét ở góc độ hội nhập quốc tế, khi chúng ta chủ động và tích cực đẩy mạnh tiến trình trao đổi nhà giáo trong khu vực và quốc tế thì một điều kiện tiên quyết là nhà giáo nước ngoài cũng như Việt Nam đều phải có chứng chỉ hành nghề.

Cuối cùng, xét ở góc độ vị thế và hoạt động nghề nghiệp nhà giáo thì chứng chỉ hành nghề là văn bản pháp lý không chỉ khẳng định vị thế mà còn tạo điều kiện để thầy cô phát huy các quyền của nhà giáo chuyên nghiệp trong nghề dạy học.

Quan trọng hơn cả là quyền tự chủ của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Vì thế, trong Dự thảo Luật Nhà giáo, tại Điều 6, một trong các nguyên tắc quản lý và phát triển nhà giáo là: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ, sáng tạo trong hoạt động chuyên môn của nhà giáo”.

Nguyên tắc này tiếp đó được cụ thể hóa trong Điều 8 về quyền nhà giáo. Theo đó, nhà giáo có quyền tự chủ và chủ động trong việc lựa chọn, sử dụng tài liệu giảng dạy; phân phối thời lượng, sắp xếp nội dung giáo dục; lựa chọn hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục đảm bảo mục tiêu giáo dục, kế hoạch của cơ sở giáo dục.

Các quy định này là bước tiến quan trọng so với các quy định về quyền nhà giáo trong Luật Giáo dục 2019. Điều đó kéo theo các quy định cần thiết về môi trường và chế độ làm việc để bảo đảm nhà giáo được phát huy đầy đủ quyền tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp.

Cần nói thêm: Dự thảo Luật Nhà giáo đã lưu ý có những quy định phù hợp về môi trường làm việc tại Điều 9 và về chế độ làm việc tại Điều 27. Tuy nhiên, cần xem xét bổ sung như sau:

Thứ nhất, về môi trường làm việc, khoản 8 Điều 9 quy định nhà giáo “được tạo điều kiện để làm việc trong môi trường thuận lợi, an toàn”. Điều này quan trọng và cần thiết nhưng chưa đủ. Nhà giáo chuyên nghiệp cần môi trường làm việc chuyên nghiệp, tức là môi trường hướng tới những giá trị cốt lõi tạo nên văn hóa học đường.

Thứ hai, về chế độ làm việc, quy định tại Điều 27 mới chú trọng tới yếu tố thời gian trong chế độ làm việc của nhà giáo. Một loạt các tiêu chí quan trọng khác chưa được đề cập tới, bao gồm yếu tố về sĩ số, cơ sở vật chất, trang thiết bị, quan hệ ứng xử. Trong đó, ngày nay khi vấn đề bạo lực học đường có nguy cơ trở thành vấn nạn, nhiều nước trên thế giới đã có thêm quy định về bảo vệ nhà giáo.

- Ngoài chứng chỉ hành nghề, theo ông có thêm những khuyến nghị nào giúp nâng cao vị thế và phẩm giá nghề dạy học?

- Trước các thách thức mới đang được đặt ra với giáo dục, Hội đồng cấp cao của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã thông qua Khuyến nghị về nghề dạy học nhằm tạo cơ sở về nhận thức và hành động để chuyển đổi nghề dạy học thành một nghề có vị thế, trình độ cao, được hỗ trợ tốt, trả lương xứng đáng và tôn trọng cao, có khả năng dẫn dắt và thúc đẩy việc học tập phù hợp, hiệu quả và bao trùm.

Trong các khuyến nghị về nâng cao vị thế và phẩm giá nghề dạy học, có khuyến nghị sau đây:

“Vị thế và phẩm giá của nhà giáo cũng liên quan trực tiếp đến khả năng tác động đến chính sách gắn với công việc của họ, bao gồm chương trình giảng dạy và phương pháp sư phạm.

Các chính sách cần đảm bảo quyền tự quyết và tự chủ của nhà giáo dựa trên kiến thức, năng lực và trách nhiệm trong các mục tiêu giáo dục, đồng thời cần thúc đẩy bầu không khí tin cậy và tôn trọng giữa chính quyền nhà trường, cộng đồng, người học và nhà giáo. Chính phủ cũng cần đảm bảo nhà giáo và tổ chức của họ có thể tham gia đối thoại xã hội, bao gồm thương lượng tập thể và đối thoại chính sách về mọi vấn đề ảnh hưởng đến nghề nghiệp”.

Dự thảo Luật Nhà giáo với những quy định hiện nay về chứng chỉ hành nghề, quyền và nghĩa vụ, chế độ làm việc của nhà giáo đã góp phần tạo ra khung pháp lý kiến tạo, hướng đến việc phát triển đội ngũ nhà giáo trên cơ sở nâng cao vị thế và phẩm giá nghề dạy học theo khuyến nghị nêu trên.

- Xin cảm ơn ông!

Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác.

Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo:

a) Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

b) Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo;

c) Nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu);

d) Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.

Trích dự thảo Luật Nhà giáo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

GD&TĐ - Khoảng 16h30 ngày 19/9, xưởng in có diện tích khoảng 300m2 ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra cháy lớn.