Hoàn chỉnh các quy định về chứng chỉ hành nghề
Từ góp ý của tập thể cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho thấy, cấp chứng chỉ hành nghề còn nhiều điều cần quan tâm làm rõ: Chưa có quy định về các đối tượng không được cấp chứng chỉ/cấm hành nghề Nhà giáo. Chưa có quy định cụ thể về đơn vị tổ chức sát hạch (Bộ và Sở tổ chức cấp…). Chưa có quy định về việc cấp lại chứng chỉ hành nghề sau khi thu hồi.
Điều 15 Dự thảo hồ sơ dự án Luật Nhà giáo được tập thể Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tập trung phân tích, góp ý.
Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng: Quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề trong Luật Nhà giáo cần nêu rõ về các đối tượng không được cấp chứng chỉ hoặc cấm hành nghề Nhà giáo. Ngoài ra, dự thảo luật hiện tại cũng chưa có quy định cụ thể về đơn vị tổ chức sát hạch, chưa có quy định về việc cấp lại chứng chỉ hành nghề sau khi thu hồi…
TS Bùi Việt Phú, giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục kiến nghị, Luật cần ghi rõ: “Nhà giáo chỉ được tham gia giảng dạy, giáo dục khi có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp” đồng thời bổ sung quy định đối với nhà giáo đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nghiệp vụ sư phạm có thể thay thế cho chứng chỉ hành nghề”.
Theo góp ý của tập thể Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, tại điều 15 đề nghị Luật ghi rõ: Nhà giáo chỉ được tham gia giảng dạy, giáo dục ở trong và ngoài cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học,… khi có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp. Chứng chỉ hành nghề có thời hạn 05 năm.
Đối với nhà giáo đã có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp phải được Bộ GD&ĐT thẩm định công nhận bằng văn bản. Việc tổ chức thi hoặc kiểm tra để cấp chứng chỉ hành nghề do Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể bằng văn bản. Cần quy định rõ về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề.
Tại Điều 15 không quy định những người tốt nghiệp cử nhân sư phạm hoặc cử nhân có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nhưng họ không giảng dạy trong các trường công lập cũng như tư thục mà họ chỉ dạy kèm, dạy một vài nhóm hoặc dạy online trên mạng thì họ có được cấp chứng chỉ không, họ có được gọi là nhà giáo không. Nội dung này chưa được quy định tại Điều 15 nên cần bổ sung cụ thể.
Điều 15 của Dự thảo cũng không quy định cụ thể khi được cấp chứng chỉ hành nghề thì có cần có các chứng chỉ khác nữa không như: Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm…
Một số giảng viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng băn khoăn Khoản 5 Điều 15 Dự thảo Luật nhà giáo đặt ra trường hợp chứng chỉ hành nghề được cấp ở nước ngoài nhưng chưa có Điều ước quốc tế quy định hay thoả thuận quốc tế đã và đang còn hiệu lực đối với nội dung này thì vấn đề thừa nhận ở Việt Nam quy định như thế nào?
Ngoài ra, tại Mục 2 Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, chưa có quy định điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo nên cần được bổ sung. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo ví dụ: Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông…
Có cần quy định thời hạn đối với chứng chỉ hành nghề không (5 năm, 10 năm hay cũng vĩnh viễn…) cũng là vấn đề chưa thấy quy định trong mục 2 này.
Khoản 2, Điều 15: Mỗi nhà giáo được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo cần bổ sung rõ ý thêm: “Trong trường hợp bị mất hoặc hỏng”.
Ở Khoản 3, mục a, Điều 15, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đề nghị bổ sung rõ thêm ý: Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành: “thì được cấp chứng chỉ nhà giáo mà không phải trải qua bất kì kì thi sát hạch chứng chỉ nhà giáo nào”.
Kiểm soát chất lượng nhà giáo các cơ sở ngoài công lập
Một số ý kiến tại tọa đàm góp ý cho Dự thảo Luật Nhà giáo của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cũng đặt vấn đề: Nếu theo quan niệm nhà giáo được quy định trong Luật giáo dục 2019 và Dự thảo luật Nhà giáo thì các vị trí việc làm như Thư viện, Thiết bị, Giáo vụ, Tư vấn học đường không phải là nhà giáo. Như vậy là không công bằng, vì những người này cũng góp phần quan trọng vào việc dạy học và giáo dục của nhà trường.
Để những vị trí việc làm này được công nhận là nhà giáo, Luật cần bổ sung, làm rõ khái niệm nhà giáo đối với những vị trí việc làm này. Tuy nhiên, việc tổ chức các cuộc thi/ kiểm tra sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề (trong các cơ sở giáo dục) cho các vị trí này cũng cần tính đến để có quy định cụ thể; nếu chưa có chứng chỉ hành nghề thì không tuyển dụng/không bố trí việc làm.
Luật Nhà giáo ra đời có thể sẽ có một số vấn đề mâu thuẫn với các luật khác đang có hiệu lực: Luật giáo dục; Luật công chức, viên chức; Luật lao động; Luật GDĐH; Luật bảo hiểm…. Vì vậy Bộ GD&ĐT cần có ý kiến giải trình, bảo vệ, đồng thời có ý kiến nghị các Bộ liên quan tham mưu để điều chỉnh, bổ sung một số Luật liên quan để có sự nhất quán xuyên suốt giữa các luật, đảm bảo phù hợp với hiến pháp hiện hành.
Ngoài ra, cần có chế tài cụ thể để kiểm soát chất lượng nhà giáo giảng dạy các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Quy định việc tuyển chọn và sử dụng nhà giáo ngoài công lập cần tương đồng với nhà giáo dạy các cơ sở giáo dục công lập.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng cần quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm ngạch chính, ngạch cao cấp và không hạn chế số lượng các ngạch này trong cơ sở giáo dục nhất là trong các trường đại học nhằm động viên, khuyến khích nhà giáo luôn phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn.
Hiện nay, chưa có quy định chi tiết, đặc thù cho đối tượng nhà giáo nước ngoài, mà nhà giáo nước ngoài hiện nay chủ yếu đang được điều chỉnh bởi pháp luật về lao động. Pháp luật về lao động xem nhà giáo nước ngoài như người lao động bình thường... Do đó, cần làm rõ cũng như quy định rõ về nội dung này trong dự thảo Luật Nhà giáo.