Góp ý xóa bỏ hạn chế, bất cập về quản lý văn bằng, chứng chỉ

GD&TĐ - - Chiều ngày 21/7, tại TP Sầm Sơn diễn ra Hội thảo về công tác quản lý văn bằng chứng chỉ và công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: LT)
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: LT)

Chủ trì hội thảo có các ông: Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học; Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng; Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư Pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội; Sở GD&ĐT các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Vĩnh Phúc …

Nhiều hạn chế tại Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đại Dương, Trưởng Phòng quản lý văn bằng chứng chỉ, Cục quản lý chất lượng thông tin về thực tiễn triển khai Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT; nguyên nhân cần đổi mới một số nội dung trong thông tư 13/2021/TT-BGDĐT.

TS. Nguyễn Đại Dương, Trưởng Phòng quản lý văn bằng chứng chỉ. (Ảnh: LT).

TS. Nguyễn Đại Dương, Trưởng Phòng quản lý văn bằng chứng chỉ. (Ảnh: LT).

Cụ thể, theo tiến sĩ Nguyễn Đại Dương, thực tiễn triển khai Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT, bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước; gánh nặng cho người có văn bằng trong công tác làm thủ tục; Chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Chính phủ về dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ không và chưa công nhận còn cao.

Tiến sĩ Dương cũng cho rằng, hiện nay tỷ lệ văn bằng chưa được công nhận còn khá lớn, gây bức xúc và tạo sức ép cho dư luận xã hội cũng như cơ quan nhà nước. Thực trạng trên, đặt ra vấn đề cần đổi mới, thay đổi.

TS. Trần Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm chứng nhận văn bằng. (Ảnh: LT).

TS. Trần Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm chứng nhận văn bằng. (Ảnh: LT).

Dự thảo thông tư mới sẽ có những nội dung như: Định nghĩa lại về công nhận văn bằng, tách việc công nhận với việc xác định tính thật hay giả của văn bằng; khẳng định người có văn bằng chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của văn bằng; công nhận văn bằng không phân biệt hình thức đào tạo…

Liên quan đến các nội dung trên, TS. Trần Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Công nhận văn bằng, Cục Quản lý chất lượng cũng dẫn ra cách quản lý văn bằng tại một số nước như Pháp, Italy, Vương Quốc Anh, Liên Bang Nga, Thái Lan, Malaysia…

“Chúng ta có thể học thêm một số nước Châu Âu cách họ xử lý văn bằng cho người tị nạn, ta có thể xem xét cho những trường hợp họ có thể đã học rất lâu rồi, mất giấy tờ, mất bảng điểm, ta cũng nên có những quy định đối với những trường hợp này”, Giám đốc Trung tâm Công nhận văn bằng nêu quan điểm.

Xem xét thay đổi 7 nội dung

Tại hội thảo, có 16 phát biểu tham luận của đại diện một số Bộ, ngành, các sở GD&ĐT. Đa số ý kiến tập trung 7 vấn đề như: Tách việc công nhận văn bằng và xác thực văn bằng; Người có văn bằng phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của văn bằng; Công nhận văn bằng không phân biệt loại hình đào tạo; Thay đổi thẩm quyền công nhận văn bằng giáo dục đại học.

PGS.TS Mai Văn Trinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tham luận. (Ảnh: LT).

PGS.TS Mai Văn Trinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tham luận. (Ảnh: LT).

Thực hiện thủ tục công nhận văn bằng theo hình thức trực tuyến hoàn toàn; Thay đổi mẫu giấy công nhận văn bằng; Đối với liên kết đào tạo: các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm xác nhận việc thực hiện chương trình theo quy định và quyết định cho phép; cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng không thẩm định lại quá trình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ đầu vào.

PGS.TS Mai Văn Trinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng đưa quan điểm đối với 7 nội dung thay đổi của Dự thảo Thông tư. Trong đó, theo PGS.TS Mai Văn Trinh, về nội dung công nhận văn bằng không phân biệt hình thức đào tạo tuy nhiên vẫn nên ghi phương thức đào tạo là trực tiếp, từ xa hay trực tuyến…

Phát biểu tham luận, bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đồng tình với ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự. Tuy nhiên, bà Thanh cho rằng, thực tế cách quản lý của chúng ta hiện nay, hình thức đào tạo từ xa hiệu quả chưa cao, nên việc công nhận văn bằng cũng cần xem xét có nên phân biệt loại hình trực tiếp và từ xa hay không…

Bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá phát biểu tham luận. (Ảnh: LT).
Bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá phát biểu tham luận. (Ảnh: LT).

“Theo tôi vẫn phải ghi rõ đó là loại hình gì để cơ quan, đơn vị sử dụng lao động có quyền lựa chọn. Trực tiếp tốt hay từ xa tốt”, bà Thanh nói.

Đối với quy định chung về quản lý văn bằng, chứng chỉ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá đề xuất cần cân nhắc thẩm quyền ký văn bằng, quy định hiện hành chỉ cho Giám đốc Sở GD&ĐT ký văn bằng, cấp phó không được ký, trong khi những địa phương lớn như Hà Nội số lượng học sinh rất lớn, mỗi năm Giám đốc phải ký 30 ngày mới xong, do vậy cần cân nhắc thẩm quyền ký văn bằng.

Ngoài ra, bà Thanh cũng băn khoăn về việc bỏ mục xếp loại trong văn bằng “Rõ ràng tốt nghiệp 5 điểm và 10 điểm là hai giá trị khác nhau mà người sử dụng lao động hoàn toàn muốn có. Ngoài có vai trò quan trọng đối với nhà tuyển dụng, việc xếp loại văn bằng còn thúc đẩy người học...”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.