Chuẩn trình độ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học môn GDQP-AN

GD&TĐ - Hiện nay, Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trong cả nước đang xây dựng quy hoạch đội ngũ giáo viên môn học GDQP-AN, cử giáo viên đi đào tạo để chuẩn hóa trình độ theo Đề án 607 về đào tạo đội ngũ giáo viên GDQP-AN; Đây là những nỗ lực nhằm đáp ứng lộ trình đề ra theo tinh thần của Nghị định số 13 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật GDQP-AN.

Chuẩn trình độ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học môn GDQP-AN

Ưu tiên cử giáo viên trong biên chế đi đào tạo

Theo Đại úy Bùi Anh Xuân – Sĩ quan biệt phái tại Sở GD&ĐT Lâm Đồng, những năm trước đây do thiếu giáo viên giảng dạy, trình độ giáo viên chưa chuẩn, cơ sở vật chất, chế độ chính sách chưa đồng bộ nên giáo viên GDQP-AN gặp nhiều khó khăn trong giảng dạy và bồi dưỡng chuẩn hóa trình độ.

Tỉnh Lâm Đồng cũng không nằm ngoài thực trạng chung của cả nước. Thiếu giáo viên giảng dạy nên Sở GD&ĐT và các trường THPT, TTGDTX gặp khó khăn trong việc vận động giáo viên các môn khác đi bồi dưỡng ngắn hạn 6 tháng và cử đi đào tạo cử nhân GDQP-AN để giảng dạy môn học này.

Do vậy, công tác nâng chuẩn trình độ của đội ngũ giáo viên giảng dạy GDQP-AN đang được ngành Giáo dục Lâm Đồng đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 93 giáo viên giảng dạy GDQP-AN ở 59 trường THPT.

Thực hiện kế hoạch của Bộ GD&ĐT về cử giáo viên đi đào tạo chuẩn trình độ GDQP-AN, qua các năm, Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã cử đi đào tạo được 31 giáo viên chuẩn trình độ cử nhân chuyên ngành GDQP-AN văn bằng 2 (cả 2 hình thức đào tạo thời gian 24 và 18 tháng). Năm 2015, Sở tiếp tục cử 12 giáo viên đi đào tạo văn bằng 2 thời gian đào tạo 18 tháng. Hiện tỷ lệ giáo viên giảng dạy GDQP-AN đạt chuẩn trình độ cử nhân GDQP-AN của Lâm đồng đạt trên 30%.

Chuẩn trình độ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 12 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác GDQP-AN trong tình hình mới” Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã chú trọng quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác giảng dạy môn học GDQP-AN cho HSSV trong các cơ sở giáo dục trực thuộc.

Ông Đỗ Xuân Chính – Cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết: Đội ngũ giảng dạy môn học GDQP-AN của tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 100 giáo viên. Về cơ bản giáo viên đều đã có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ GDQP-AN 6 tháng, đủ điều kiện để giảng dạy môn học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Qua hai năm thực hiện kế hoạch cử giáo viên GDQP-AN đi đào tạo trình độ cử nhân, đã có 24 giáo viên đang được Sở GD&ĐT Khánh Hòa cử đi đào tạo chuẩn trình độ.

Để nâng cao chất lượng môn học GDQP-AN, Sở GD&ĐT thường xuyên tăng cường chỉ đạo thực hiện trọng tâm các công tác: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đội ngũ giáo viên; Quan tâm đến việc thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên, và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác dạy – học môn học GDQP-AN trong các nhà trường. Chính vì vậy, chất lượng GDQP-AN trong các cơ sở giáo dục của tỉnh Khánh Hòa hiện nay có nhiều khởi sắc và đi vào nề nếp.

Phấn đấu đáp ứng kịp lộ trình chuẩn trình độ giáo viên GDQP-AN

Đối với tỉnh Quảng Ninh, đang có một số lượng lớn giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học GDQP-AN cần phải được cử đi đào tạo trình độ cử nhân văn bằng 2, thời gian đào tạo 24 và 18 tháng. Trung tá Lê Văn Thấp – Sĩ quan biệt phái tại Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 130 giáo viên giảng dạy môn học này; Trong đó mới có 9 giáo viên có bằng tốt nghiệp đại học khác chuyên ngành được Sở GD&ĐT cử đi đào tạo văn bằng 2 (thời gian đào tạo 24 tháng).

Năm 2015, Sở cũng đang cử 4 giáo viên đi đào tạo văn bằng 2 với thời gian đào tạo 18 tháng. Các giáo viên này nằm trong kế hoạch chuẩn hóa trình độ giáo viên GDQP-AN của Sở GD&ĐT Quảng Ninh thực hiện theo Đề án “Đào tạo giáo viên GDQP-AN cho các trường THPT, TCCN, TCN, CĐN và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020” của Chính phủ.

Hiện do thiếu nhiều giáo viên chuẩn trình độ giảng dạy môn học này nên Sở GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch đưa giáo viên đi đào tạo văn bằng 2 trong các năm 2016, 2017 trình Bộ GD&ĐT phê duyệt chỉ tiêu; Phấn đấu theo kịp lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Nghị định số 13/NĐ-CP ngày 25/2/2014: Đến hết năm 2016 có trên 70%, hết năm 2020 có trên 90% giáo viên GDQP-AN được đào tạo trình độ chuẩn; đến hết năm 2016 có trên 50%, hết năm 2020 có trên 70% giảng viên GDQP-AN được đào tạo trình độ chuẩn.

Đại úy Bùi Anh Xuân cho biết: Đến nay, cơ chế, chính sách đã được Bộ GD&ĐT xây dựng khá đồng bộ nên ở Lâm Đồng hiện nay không chỉ riêng giáo viên chưa chuẩn trình độ đang giảng dạy môn GDQP-AN, nhiều giáo viên dôi dư ở các môn học khác cũng có nguyện vọng đăng kí đi học văn bằng 2 để được chuẩn trình độ cử nhân GDQP-AN, trở về giảng dạy môn học này.

Hiện Sở GD&ĐT Lâm Đồng đang ưu tiên cử các giáo viên GDQP-AN đã tuyển dụng trong biên chế nhưng chưa chuẩn trình độ đi đào tạo cử nhân văn bằng 2, tiếp đó mới xét đến việc cử các giáo viên môn học khác đi đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ