Chuẩn hóa đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên

GD&TĐ -Khởi nghiệp đã và đang được nhiều cơ sở giáo dục đại học phát triển thành môn học bắt buộc để đào tạo bài bản, khoa học và chính thống cho sinh viên.

Bà Bùi Thị Ngần trong buổi lên lớp đào tạo về kỹ năng phát triển nghề nghiệp. Ảnh: NVCC
Bà Bùi Thị Ngần trong buổi lên lớp đào tạo về kỹ năng phát triển nghề nghiệp. Ảnh: NVCC

Khởi nghiệp đã và đang được nhiều cơ sở giáo dục đại học phát triển thành môn học bắt buộc để đào tạo bài bản, khoa học và chính thống cho sinh viên.

Môn học bắt buộc

Từ chỗ vẫn còn “lơ mơ” về khởi nghiệp, nhưng sau khi học xong học phần “Phát triển kỹ năng nghề nghiệp”, Nguyễn Minh Huệ - sinh viên lớp KT4, Khoa Kinh tế (Trường ĐH Mở Hà Nội) đã hiểu, khởi nghiệp không nhất thiết phải có ý tưởng táo bạo hay số vốn “khủng”. Khởi nghiệp có thể từ những ý tưởng nhỏ, qua quan sát hoặc xuất phát từ sở thích cá nhân… “Từ kiến thức được học, trải nghiệm thực tế, em biết khơi tạo và nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp cho mình. Em có một số ý tưởng đang nhờ các thầy, cô giáo cố vấn”, Minh Huệ bộc bạch.

Thực hiện Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (Đề án 1665), từ năm 2019, Khoa Kinh tế của Trường ĐH Mở Hà Nội tiên phong đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp trở thành học phần trong chương trình đào tạo. TS Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Trưởng khoa Kinh tế cho biết, nhà trường thiết kế thành học phần “Phát triển kỹ năng nghề nghiệp”. Theo đó, sinh viên năm thứ nhất và đầu năm 2 được học học phần này. Học phần có 3 tín chỉ, gồm 20 tiết lý thuyết, 50 tiết thực hành và thảo luận nhóm, 90 tiết tự học.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Hường, mục tiêu của học phần này là cung cấp kiến thức về nhu cầu thực tế của xã hội với các ngành nghề mà sinh viên đang theo học; đồng thời giúp người học có thể quản lý và chuyển hóa cảm xúc của bản thân. Mặt khác, các em có cơ hội phát triển kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, khởi nghiệp.

Ngoài ra, trong quá trình học, sinh viên được cung cấp kiến thức tổng quan liên quan đến lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, công nghệ... để có thể làm việc, thay đổi và thích nghi với môi trường công việc trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

“Ngoài ra, chúng tôi chú trọng hình thành và phát triển 7 kỹ năng cơ bản cho sinh viên gồm: Định vị; quản lý cảm xúc tiêu cực, tâm thái biết ơn; xác định ý tưởng, con đường khởi nghiệp; lãnh đạo; thuyết trình; ra quyết định; tư duy thiết kế”, TS Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ; đồng thời cho biết, nhà trường đã xây dựng chuẩn đầu ra của Học phần “Phát triển kỹ năng nghề nghiệp” và phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova (NovaEdu) để chuẩn hóa tài liệu giảng dạy, đào tạo.

Giờ học "Kỹ năng Khởi nghiệp" của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: Internet.

Giờ học "Kỹ năng Khởi nghiệp" của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: Internet.

Chuẩn hóa tài liệu

Từ năm học 2019 - 2020, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đưa chương trình “Kỹ năng Khởi nghiệp” trở thành môn học được đào tạo cho sinh viên theo chủ trương của Đề án 1665. Thông tin từ TS Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng nhà trường, môn học được đào tạo dưới 2 hình thức bắt buộc và tự chọn.

Theo đó, sinh viên một số khoa như: Quản lý văn hóa, nghệ thuật sẽ bắt buộc phải học môn học này. “Qua theo dõi, môn học “Kỹ năng Khởi nghiệp” được sinh viên yêu thích. Môn học có tính thực tiễn cao khi kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và thực tế thông qua các buổi chia sẻ của doanh nhân, trải nghiệm tại doanh nghiệp. Không chỉ có thêm kiến thức về khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp, môn học còn giúp các em tự tin vào bản thân, truyền động lực, cảm hứng tới những bạn trẻ có khát vọng phát triển”, TS Nguyễn Văn Định nhìn nhận.

Bên cạnh đó, hoạt động khởi nghiệp tại Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương còn là chuỗi hệ thống chương trình liên kết chặt chẽ, từ đưa nội dung bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên vào chương trình đào tạo, đến các hội thảo, chuyên đề, mời chuyên gia khởi nghiệp, CEO doanh nghiệp trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp…

Khởi đầu từ cuộc thi khởi nghiệp cấp trường, dự án Thực Nghệ Hương đã xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi “Sinh viên NUAE với ý tưởng khởi nghiệp”. Từ đây, dự án được nhà trường đặc biệt quan tâm hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệm... Dự án lọt vào tốp 80 dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất toàn quốc tham dự SV - STARTUP 2023 và trở thành Quán quân của cuộc thi. “Thành công của dự án “Thực Nghệ Hương” là minh chứng cho hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển bền vững của nhà trường khi hỗ trợ, đào tạo bài bản cho sinh viên về các hoạt động khởi nghiệp”, TS Nguyễn Văn Định nhấn mạnh.

Năm 2018, NovaEdu chính thức trở thành đơn vị đồng hành cùng Bộ GD&ĐT triển khai Đề án 1665, với các hoạt động tiêu biểu như: Tổ chức chuỗi diễn đàn “Hành trình người khởi nghiệp”, phối hợp tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh sinh viên (SV - STARUP). Đặc biệt, NovaEdu đã phối hợp với các cơ sở đào tạo đưa môn học đào tạo về Kỹ năng khởi nghiệp (2 - 3) tín chỉ vào các trường cao đẳng, đại học.

NovaEdu cũng là đơn vị được Bộ GD&ĐT phê duyệt bộ tài liệu “Kỹ năng toàn diện nền tảng cốt lõi để khởi nghiệp thành công” để đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng. Bà Bùi Thị Ngần - Giám đốc điều hành NovaSpro, Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova chia sẻ, bộ tài liệu là tập hợp hệ thống 7 nhóm kỹ năng mềm quan trọng và cần thiết, tạo nên nền tảng cốt lõi để học sinh, sinh viên tham gia “Hành trình Khởi nghiệp” và có thể rút ngắn thời gian lập nghiệp, khởi nghiệp thành công. Các nhóm kỹ năng bao gồm: Nhận thức giá trị bản thân; làm chủ cảm xúc; tương tác xã hội; làm việc; quản lý; lãnh đạo; khởi nghiệp.

Cũng theo bà Ngần, bộ tài liệu được xây dựng gắn với những mục tiêu cơ bản như: Giúp người học thấu hiểu về khởi nghiệp trong thực tế. Thấm nhuần chủ trương, mục tiêu trọng điểm Đề án 1665 và cách thức triển khai đề án hiệu quả đối với học sinh, sinh viên. Nâng cao năng lực, gia tăng cơ hội khởi nghiệp thông qua hệ thống kỹ năng toàn diện được đào tạo bài bản.

Trực tiếp tham gia giảng dạy cho sinh viên, bà Ngần luôn chú trọng trang bị từ kỹ năng cơ bản đến nâng cao cho người học. Đồng thời, rèn luyện cho sinh viên cách thể hiện giá trị bản thân, cùng khả năng thích nghi và ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống hiện đại cũng như môi trường công việc. “Trong quá trình giảng dạy, tôi thường tích hợp hệ thống các kỹ năng sống và làm việc nhằm định hướng tốt nhất cách xây dựng giá trị cốt lõi và rèn luyện kiến tạo kỹ năng tương tác xã hội cho sinh viên; từ đó giúp các em sẵn sàng lập nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo để cống hiến cho gia đình và xã hội”, bà Ngần bày tỏ.

“Điểm đặc biệt trong môn học về khởi nghiệp là áp dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy hiện đại tích cực, nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo và trải nghiệm cho người học. Một số phương pháp điển hình được sử dụng trong giảng dạy như động não; chia sẻ theo cặp; đóng vai; nghiên cứu tình huống; tổ chức học tập theo nhóm...”, bà Bùi Thị Ngần cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...