Đào tạo giáo viên về khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo: Cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia về khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo đã nhận định, để khởi nghiệp thành công, kiến thức về kinh doanh, tư duy tài chính, khả năng thích ứng và ứng dụng công nghệ thông tin, các kỹ năng mềm… cần được trang bị từ gốc và hình thành ngay từ bậc phổ thông. Muốn vậy, những câu lạc bộ sáng tạo, câu lạc bộ nghiên cứu khoa học tại các trường phổ thông rất cần những “người dẫn dắt” để truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HS. 

Một buổi training về khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo cho GV phổ thông do VNUK phối hợp với Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức
Một buổi training về khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo cho GV phổ thông do VNUK phối hợp với Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức

Nền tảng để thực hiện phân luồng

Sở GD&ĐT Đà Nẵng vừa phối hợp với Việt Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK - ĐH Đà Nẵng) tổ chức khóa tập huấn cho CBQL, GV của các trường THCS, THPT – những người có nhiệm vụ giảng dạy hoặc quản lý các câu lạc bộ khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp về giảng dạy khởi nghiệp ở trường phổ thông. Với xu hướng khởi nghiệp tinh gọn, GV được các chuyên gia chia sẻ về quan điểm, mô hình thực tiễn trong đào tạo và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp tại trường phổ thông.

“Học viên được trang bị kiến thức về tư duy thiết kế (Design thinking) cùng với các kỹ thuật giảng dạy có thể áp dụng sau này, gồm có: Thấu cảm – xác định vấn đề - phát triển ý tưởng – thực hiện mẫu thử - kiểm tra thị trường. GV cũng được định hướng để phát triển năng lực trong việc kết nối với cộng đồng địa phương với doanh nhân và các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng.

CBQL và GV vì vậy sẽ có thêm những kiến thức và kinh nghiệm trong việc thiết kế và lồng ghép khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo vào khung chương trình giảng dạy. Đồng thời, có thể tư vấn, ươm tạo cho các ý tưởng kinh doanh và kích thích tư duy sáng tạo cho một thế hệ HS mới năng động hơn, sáng tạo hơn” – TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện trưởng VNUK cho biết.

Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - trao đổi: “Ngoài những kiến thức về khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo, một vấn đề khá mới mẻ ở bậc phổ thông, GV tham gia khóa tập huấn còn có cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn, được trang bị các phương pháp về khả năng làm việc nhóm, phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề…

Những kiến thức, kỹ năng và tư duy khởi nghiệp được trang bị từ khóa học cũng góp phần thúc đẩy việc đưa STEM – B (STEM – khởi nghiệp) vào giảng dạy trong trường phổ thông, từ đó hình thành cho HS khả năng vận dụng các kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày cũng như tư duy thương mại hóa những ứng dụng, sản phẩm của STEM”. Đây sẽ là nền tảng để công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho HS khi Chương trình – SGK mới sẽ được triển khai có chiều sâu.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp

Đỗ Minh Huy – HS lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đã mất gần nửa năm đọc tài liệu, tìm hiểu sâu về trí tuệ nhân tạo, robot, xử lý ảnh, tìm hiểu các kiến thức về nông nghiệp như các loại sâu bệnh trên cây lúa và hoa màu… để thiết kế robot theo dõi và phát hiện sâu bệnh trên cây trồng, áp dụng cho hệ thống nhà kính. Robot có cấu tạo gồm phần hộp dùng để chứa các thiết bị xử lý, trong đó có các bo mạch, mô-đun xử lý động cơ để robot có thể tự di chuyển và một mô-đun kết nối với máy tính. Để robot có thể di chuyển ở địa hình khác nhau như trong bùn đất nhão hoặc mấp mô, Huy đã sử dụng loại bánh xích.

Khi robot di chuyển, camera gắn trên đầu sẽ ghi lại các hình ảnh về lá cây, tình hình sâu bệnh, xác định tình trạng cây trồng và gửi tín hiệu về máy chủ. Những thông tin này sẽ được xử lý bởi tiến trình được lập trình cho máy chủ bằng trí tuệ nhân tạo. “Các thông tin về cây trồng cũng như tình trạng của cây như bệnh trên cây, hàm lượng thuốc trừ sâu, phân bón, thời gian dự kiến thu hoạch… sẽ được lưu trữ để người nông dân có thể đưa ra các biện pháp phòng trừ sâu bệnh phù hợp cho cây trồng nhưng vẫn đảm bảo rau củ sạch khi đưa ra thị trường” - Huy cho biết.

Dùng nụ cười để bật đèn phòng ngủ chỉ vì “khi cười, dù là gượng ép cũng làm cho não tiết ra hormone dopamine để tăng cảm giác vui vẻ và serotonin giúp giảm mức độ căng thẳng và trầm cảm; thiết kế thiết bị đo nồng độ cồn và điều khiển khởi động phương tiện giao thông… Nhiều ý tưởng, sáng chế đầy tính nhân văn hướng đến hỗ trợ, nâng cao sức khỏe cộng đồng đã được HS phổ thông đưa vào các dự án của mình, truyền cảm hứng và tạo cơ hội cho người khác. Tham gia cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo

U-Invent, HS phổ thông ở Đà Nẵng, ngoài được các chuyên gia công nghệ hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cần thiết, cách triển khai ý tưởng trên các bản mạch điện tử, còn được các chuyên gia và các doanh nhân thành đạt trong giới khởi nghiệp hướng dẫn kỹ năng thuyết trình, hoàn chỉnh dự án, khơi gợi khả năng thương mại hóa các ý tưởng để các em nâng cao tính ứng dụng trong thực tiễn.

Theo đại diện của Quỹ Cá chuồn – Flying Fist Investment (FFI), một quỹ đầu tư khởi nghiệp tại Đà Nẵng, với STEM – B, sẽ tạo ra một bước đột phá trong giáo dục khi học sinh được thực hành nhiều hơn và nâng cao khả năng sáng tạo của bản thân. Việc triển khai giáo dục STEM ở trong các trường phổ thông đồng thời với giảng dạy về tư duy tài chính và một số kỹ năng mềm khác sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho những thế hệ startup với đầy đủ cả kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Tuy nhiên, định hướng mới này, như FFI nhận định, rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách để có thể xây dựng được một hệ sinh thái STEM – B ngay ở các trường phổ thông. Chỉ đơn giản như bên cạnh việc đưa STEM vào trường học, các trường THPT có thêm các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, sáng tạo, câu lạc bộ khởi nghiệp hay các doanh nghiệp, xưởng sản xuất… trên địa bàn mở cửa cho HS đến tham quan, học hỏi thực tế hoặc đầu tư cho các ý tưởng tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.