Chuẩn cơ sở giáo dục đại học: Chồng chéo quy định?

GD&TĐ - Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 quy định về Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).

Giảng viên, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Nguồn ảnh: HUST
Giảng viên, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Nguồn ảnh: HUST

Ngày 5/2/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở GDĐH. Chia sẻ quan điểm về việc cơ sở GDĐH thực hiện cùng lúc 2 văn bản, chuyên gia giáo dục - TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam, CHLB Đức) và PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng ban Quản lý chất lượng, ĐH Bách khoa Hà Nội đều cho rằng, chúng hoạt động ở các cấp độ, phục vụ mục đích khác nhau.

Phù hợp xu hướng quốc tế

- Việt Nam đã có quy định về tiêu chuẩn kiểm định, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn xây dựng Thông tư quy định Chuẩn cơ sở GDĐH? Các ông nghĩ sao về điều này?

- TS Nguyễn Văn Cường: Quản lý giáo dục định hướng chất lượng và định hướng chuẩn là xu hướng quốc tế hiện nay, cả trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, GDĐH. Trong đó, chuẩn là công cụ để quản lý chất lượng giáo dục. Có nhiều loại chuẩn khác nhau được phát triển trong giáo dục, như chuẩn chương trình, kết quả, điều kiện, chất lượng.

Trong lĩnh vực GDĐH, chuẩn kiểm định chất lượng được sử dụng phổ biến nhất trong phạm vi quốc tế. Ở châu Âu, hệ thống kiểm định chất lượng đại học với các bộ chuẩn được áp dụng ở tất cả nước tham gia “Không gian GDĐH châu Âu” từ sau tuyên bố Bonogna năm 1999 về quá trình cải cách GDĐH tại châu Âu.

Ở Đức, Hội đồng kiểm định liên bang được thành lập năm 1998, quy định các tiêu chí và quy trình kiểm định đại học. Nhiệm vụ kiểm định được thực hiện bởi các cơ quan được ủy thác. Đức không ban hành Chuẩn cơ sở GDĐH. Các điều kiện khung đối với cơ sở GDĐH được quy định trong luật GDĐH cũng như trong quy chế liên quan của các bang. Dựa trên quy định khung cũng như các tiêu chí kiểm định chất lượng, đồng thời căn cứ vào mục tiêu phát triển riêng, trường đại học phát triển chiến lược về đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, chuẩn kiểm định không phải bộ chuẩn duy nhất được sử dụng trong quản lý chất lượng GDĐH. Tùy theo trọng tâm phát triển GDĐH, người ta cũng phát triển các chuẩn khác. Ví dụ, Luật GDĐH của Berlin (2021), điều 5a quy định về “Đảm bảo chất lượng, đánh giá và chuẩn hoạt động khoa học tốt”.

Trong đó yêu cầu các trường đại học thực hiện biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng hoạt động của họ, đặc biệt trong nghiên cứu, giảng dạy và thi cử, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng chuyên môn đã được công nhận. Dựa trên quy định từ luật, các trường đại học phát triển quy chế đảm bảo hoạt động khoa học tốt phù hợp. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hoạt động trung tâm của trường đại học. Vì vậy, bảo đảm chất lượng của hoạt động khoa học được quan tâm đặc biệt, là nhiệm vụ trung tâm của đảm bảo chất lượng.

Phù hợp với xu hướng quốc tế, định hướng chất lượng và định hướng chuẩn hiện nay cũng được thực hiện trong quản lý GDĐH ở Việt Nam. Luật GDĐH (2018) của Việt Nam, điều 68 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về GDĐH, trong đó có quy định chuẩn GDĐH bao gồm Chuẩn cơ sở GDĐH, chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn giảng viên, cán bộ quản lý và các chuẩn khác.

Việc ban hành Chuẩn cơ sở GDĐH và Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDĐH phù hợp với xu hướng quốc tế về quản lý giáo dục định hướng chất lượng và phù hợp với trọng tâm nhiệm vụ quản lý GDĐH của Việt Nam. Chuẩn cơ sở GDĐH là chuẩn điều kiện, nhằm phục vụ mục tiêu quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH, một trọng tâm trong công tác quản lý GDĐH hiện nay ở Việt Nam.

Chuẩn cơ sở GDĐH quy định các điều kiện tối thiểu của cơ sở GDĐH nhằm đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo chất lượng. Chuẩn kiểm định là chuẩn chất lượng, nhằm sử dụng cho hoạt động tự đánh giá tình trạng chất lượng của các trường đại học và hoạt động kiểm định chất lượng các trường đại học (đánh giá ngoài).

TS Nguyễn Văn Cường.

- PGS.TS Trần Trung Kiên: Cả hai văn bản đều hướng tới nâng cao chất lượng GDĐH tại Việt Nam, chúng có phạm vi và mục tiêu khác nhau. Quy định về tiêu chuẩn kiểm định chất lượng tập trung vào việc đảm bảo các yêu cầu cơ bản của một cơ sở GDĐH, trong khi Chuẩn cơ sở GDĐH nhằm định hướng phát triển toàn diện và dài hạn, đáp ứng nhu cầu thay đổi của xã hội, hội nhập quốc tế. Hơn nữa, để có thể tiến hành quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, nhất thiết phải dựa trên công cụ là quy định về Chuẩn cơ sở GDĐH.

Cụ thể, về mục tiêu, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDĐH tập trung vào việc đánh giá, công nhận chất lượng của các cơ sở GDĐH dựa trên một bộ tiêu chuẩn đã được quy định. Quá trình kiểm định nhằm đảm bảo rằng các cơ sở GDĐH đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Về quy trình, kiểm định chất lượng thường bao gồm việc tự đánh giá của cơ sở giáo dục, đánh giá ngoài bởi các tổ chức kiểm định độc lập và công nhận kết quả kiểm định. Bộ tiêu chuẩn kiểm định bao gồm các tiêu chí cụ thể liên quan đến mọi khía cạnh của hoạt động giáo dục như chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính và quản lý.

Trong khi đó, Chuẩn cơ sở GDĐH có mục tiêu rộng hơn, định hướng toàn diện trong việc phát triển, nâng cao chất lượng của các cơ sở GDĐH. Thông tư quy định Chuẩn cơ sở GDĐH có thể bao gồm các tiêu chí và hướng dẫn cụ thể để đảm bảo cơ sở giáo dục không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, mà còn đạt được mục tiêu phát triển chiến lược dài hạn.

Trong khi tiêu chuẩn kiểm định chất lượng tập trung vào việc xác nhận các tiêu chí là đạt hay không đạt, Chuẩn cơ sở GDĐH bao gồm các tiêu chí cao hơn, yêu cầu cụ thể hơn nhằm thúc đẩy cơ sở GDĐH không ngừng cải tiến và phát triển.

Chuẩn cơ sở GDĐH có thể bao gồm các yêu cầu về đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ giảng viên, quản lý chất lượng, tài chính và các hoạt động hỗ trợ sinh viên. Một trong những khác biệt lớn nhất có thể nhìn thấy rõ là Chuẩn cơ sở GDĐH có đưa ra bảng chỉ số đánh giá cụ thể, với các chỉ số chi tiết theo từng mảng hoạt động của cơ sở giáo dục.

PGS.TS Trần Trung Kiên. Ảnh: NVCC

PGS.TS Trần Trung Kiên. Ảnh: NVCC

Không chồng chéo

- Như vậy, sau khi Thông tư quy định Chuẩn cơ sở GDĐH có hiệu lực thi hành thì các cơ sở GDĐH vừa phải thực hiện theo quy định của Chuẩn cơ sở GDĐH nhưng đồng thời đáp ứng yêu cầu bộ tiêu chuẩn kiểm định. Điều này có trùng lặp, lãng phí thời gian, sức lực của các cơ sở GDĐH không?

- TS Nguyễn Văn Cường: Việc thực hiện đồng thời Chuẩn cơ sở GDĐH và bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng không làm mất thời gian, sức lực vô ích của các trường đại học vì hai bộ chuẩn này có nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng nhằm mục tiêu chung là đảm bảo và phát triển chất lượng GDĐH. Hai bộ chuẩn được xây dựng với tiếp cận khác nhau nhưng không mâu thuẫn mà thống nhất và bổ sung cho nhau.

- PGS.TS Trần Trung Kiên: Không nên hiểu theo ý là các cơ sở GDĐH phải thực hiện theo 2 bộ tiêu chuẩn là trùng lặp, chồng chéo. Thực chất, căn cứ trên Chuẩn cơ sở GDĐH, các trường sẽ phải tự “soi” mình để từng bước cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, hoặc xây dựng lộ trình, chiến lược phát triển hướng đến hội nhập và chất lượng quốc tế. Đây cũng là tiền đề để các cơ sở GDĐH tiến hành công tác kiểm định. Một mũi tên trúng hai đích.

Qua nghiên cứu văn bản, tôi thấy có một số tiêu chí và yêu cầu giữa hai bộ tiêu chuẩn này có sự tương đồng hoặc trùng lặp, đặc biệt là nội dung về chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học. Tuy nhiên, công tác kiểm định được thực hiện theo chu kỳ, còn việc thực hiện quy định về Chuẩn cơ sở GDĐH cần được tiến hành liên tục, bài bản, định hướng lâu dài.

- Nếu việc ban hành Chuẩn cơ sở GDĐH áp dụng cho tất cả cơ sở GDĐH thì những tiêu chuẩn, tiêu chí của chuẩn có đảm bảo được sự đa dạng đối với các loại cơ sở GDĐH không?

- TS Nguyễn Văn Cường: Việc ban hành Chuẩn cơ sở GDĐH áp dụng cho tất cả cơ sở GDĐH không làm mất đi sự đa dạng, vì đây là chuẩn tối thiểu, yêu cầu các cơ sở cần đáp ứng. Ngoài ra, cơ sở GDĐH không bị giới hạn trong việc quy định những mục tiêu chất lượng của mình, có thể vượt xa quy định tối thiểu của chuẩn tùy theo khả năng và quyết tâm của cơ sở GDĐH.

- PGS.TS Trần Trung Kiên: Trong quá trình xây dựng Chuẩn cơ sở GDĐH, Bộ GD&ĐT đã áp dụng nguyên tắc về tính đa dạng của cơ sở GDĐH, vì vậy có thể áp dụng cho nhiều loại hình cơ sở GDĐH cũng như đơn vị đặc thù. Thời điểm áp dụng cũng linh hoạt đối với các loại hình cơ sở giáo dục khác nhau, vì vậy có thể thấy được tính khả thi của quy định này.

Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Thành Đô. Ảnh: NTCC
Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Thành Đô. Ảnh: NTCC

Thực hiện trong mối quan hệ thống nhất, hỗ trợ

- Theo quan điểm của các ông, việc công khai kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở GDĐH mang lại những lợi ích gì cho các bên liên quan?

- TS Nguyễn Văn Cường: Công khai kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở GDĐH làm tăng cường tính minh bạch thông tin, hỗ trợ công tác quản lý và phát triển chất lượng của trường đại học; hỗ trợ công tác quản lý, quy hoạch của cơ quan quản lý cũng như cung cấp thông tin về cơ sở GDĐH cho sinh viên, phụ huynh, xã hội, có ý nghĩa cho việc chọn trường của người học.

- PGS.TS Trần Trung Kiên: Hệ thống GDĐH của chúng ta đã thực hiện công khai thông tin liên quan đến hầu hết mảng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, học phí, học bổng, thông tin tuyển sinh, tỷ lệ việc làm… đem đến sự minh bạch và cơ hội để người học lựa chọn. Việc công khai kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở GDĐH là để đảm bảo quyền lợi cho người học và các bên liên quan. Tôi cho rằng việc này là rất cần thiết.

- Ông có những lưu ý gì để cơ sở GDĐH thực hiện hiệu quả Chuẩn cơ sở GDĐH và Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở GDĐH?

- TS Nguyễn Văn Cường: Để thực hiện hiệu quả Chuẩn cơ sở GDĐH và Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở GDĐH, các cơ sở GDĐH không nên thực hiện hai bộ chuẩn này độc lập, tách biệt nhau mà cần trong mối quan hệ thống nhất, hỗ trợ nhau.

Để thực hiện việc này, các cơ sở GDĐH cần phát triển một chiến lược đảm bảo, chất lượng giáo dục của trường, trong đó tích hợp các yêu cầu từ việc thực hiện Chuẩn cơ sở GDĐH và Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở GDĐH, từ đó xác định các mục tiêu trọng tâm cũng như giải pháp riêng trong công tác đảm bảo và phát triển chất lượng.

Việc xây dựng văn hóa chất lượng dựa trên sự thấu hiểu, đồng thuận và tham gia tích cực của các thành viên đối với chiến lược và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng là điều kiện để phát triển bền vững chất lượng GDĐH. Chuẩn là khái niệm động, chuẩn giáo dục có thể thay đổi và phát triển cùng với sự phát triển thực tiễn giáo dục.

- Xin trân trọng cảm ơn!

Quản lý giáo dục định hướng chất lượng và định hướng chuẩn là xu hướng quốc tế hiện nay, cả trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, GDĐH. Trong đó, chuẩn là công cụ để quản lý chất lượng giáo dục. Có nhiều loại chuẩn khác nhau được phát triển trong giáo dục như chuẩn chương trình, kết quả, điều kiện, chất lượng. - TS NGUYỄN VĂN CƯỜNG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Ukraine trên chiến trường

Chuyện gì đang xảy ra với Kiev?

GD&TĐ -Nhiều nguồn tin phương Tây cho biết, Kiev đang vật lộn để tăng thêm quân số để có thể thực hiện hoạt động tấn công trong cuộc xung đột đang diễn ra.