Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH. Theo đó, các cơ sở GDĐH cần xây dựng chiến lược, kế hoạch để thực hiện tốt hai “bộ chuẩn” này.
PGS.TS Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long: Phải nhất trí, đồng lòng, xây dựng chiến lược đồng bộ
Chuẩn cơ sở GDĐH là nguyên tắc, nền tảng khoa học giúp đảm bảo tính thống nhất của quốc gia trong việc tuân thủ yêu cầu tối thiểu cho các hoạt động GDĐH. Thực hiện Chuẩn cơ sở GDĐH mang lại lợi ích to lớn cho ngành GDĐH nói chung và mỗi trường đại học ở Việt Nam nói riêng.
Bởi lẽ, Chuẩn cơ sở GDĐH sẽ là căn cứ chính yếu giúp cơ sở GDĐH xây dựng chiến lược, kế hoạch để duy trì, cải tiến các chỉ số hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực từ các bên liên quan và đảm bảo sự phát triển bền vững cho cơ sở GDĐH.
Đối với người học, bộ tiêu chí là yếu tố giúp họ xác định, lựa chọn các cơ sở GDĐH có chất lượng cao, uy tín lớn, chương trình đào tạo phù hợp để chuẩn bị tốt nhất việc tham gia thị trường lao động… Bên cạnh đó, Chuẩn cơ sở GDĐH cũng là cơ sở để doanh nghiệp có thông tin chuẩn xác về đơn vị mà họ quan tâm để giúp tăng cường hợp tác và tìm kiếm đối tác, thực hiện tuyển dụng…
Ngoài ra, bộ chuẩn còn cung cấp cho nhà nghiên cứu công cụ phương pháp luận giúp thực hiện các nghiên cứu, so sánh quốc tế và đối sánh... về các vấn đề của GDĐH. Nhà hoạch định xây dựng chính sách hiệu quả từ thông tin, dữ liệu của Chuẩn cơ sở GDĐH.
Thông qua thực hiện Chuẩn cơ sở GDĐH, các cơ sở GDĐH cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng tiêu chí của Chuẩn cơ sở GDĐH vào hệ thống cơ sở dữ liệu về GDĐH.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp cần thiết để thường xuyên giám sát, cải tiến chất lượng và hiệu quả hoạt động GDĐH. Bên cạnh đó thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan về chất lượng và hiệu quả hoạt động GDĐH thông qua kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở GDĐH.
Với 6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí và 28 chỉ số mang tính đại diện khá đầy đủ cho các lĩnh vực, mảng hoạt động, kết quả hoạt động cốt yếu của các trường đại học, từ tổ chức bộ máy quản trị, cho tới nguồn lực về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính, kết quả hoạt động trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Các chỉ số mang tính định lượng cao, khá đơn giản trong việc tính toán, giám sát, theo dõi, thực hiện.
Theo tôi, để thực hiện và phát huy tốt nhất hai bộ chuẩn mới này, thúc đẩy văn hóa chất lượng thì các trường đại học ở Việt Nam phải tự lực và gấp rút công tác chuẩn bị. Hội đồng trường, Đảng ủy, ban giám hiệu các trường đại học phải nhất trí, đồng lòng, xây dựng chiến lược đồng bộ, triển khai các giải pháp thực tế, đưa nhà trường tiếp cận với bộ chuẩn, tiến tới kiểm định và đánh giá đạt mức chuẩn tối ưu nhất. Chỉ như vậy, cơ sở GDĐH mới có thể hoàn thiện, tiếp cận được các trường đại học khác ở khu vực và trên thế giới.
TS Nguyễn Quốc Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp: Cơ sở để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
Với 6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí và 28 chỉ số, Chuẩn cơ sở GDĐH sẽ giúp các trường nâng cao năng lực, có cơ sở dữ liệu để so sánh. Mục đích của Chuẩn cơ sở GDĐH là thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH.
Khi quy hoạch mạng lưới được ban hành sẽ có nhiều việc phải làm, trong đó sắp xếp, mở rộng không gian, định hướng phát triển các cơ sở GDĐH phải dựa trên những tiêu chuẩn đã ban hành, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ…
Mục đích tiếp theo là vấn đề giám sát, công khai, minh bạch để cơ quan Nhà nước và toàn xã hội giám sát, các trường phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Qua đó, cơ sở GDĐH sẽ hiểu đúng, rõ thông tư, thực hiện hiệu quả, đồng thời làm căn cứ để các trường có những đối sánh giữa năm trước, năm sau và trong tương lai; giữa các cơ sở GDĐH với nhau, để đánh giá hiện trạng như thế nào, đặt ra các mục tiêu theo từng khía cạnh, tiêu chí… Thực hiện Chuẩn cơ sở GDĐH sẽ giúp các trường nâng cao năng lực, có cơ sở dữ liệu để so sánh, thực hiện tốt hơn công việc giảng dạy, đảm bảo nhu cầu cho người học…
Trường ĐH Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch triển khai Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT. Theo đó, tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng của nhà trường theo Chuẩn cơ sở GDĐH (Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT).
Từ đó đề xuất các giải pháp cải tiến để nhà trường đáp ứng tốt Chuẩn cơ sở GDĐH. Trường cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối kết hợp rà soát, cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ báo cáo theo yêu cầu của Thông tư số 01/2024. Các đơn vị được phân công, căn cứ vào tiêu chí, chỉ số chưa đáp ứng đề xuất giải pháp khả thi nhằm khắc phục hạn chế trong thời gian sớm nhất…
TS Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT): Xây dựng chiến lược cải tiến các chỉ số hoạt động
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở GDĐH với 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí (Thông tư 01). Chuẩn cơ sở GDĐH là những yêu cầu tối thiểu, được sử dụng làm công cụ quản lý Nhà nước trong việc xem xét điều kiện hoạt động và giám sát thường xuyên các điều kiện bảo đảm chất lượng hoạt động cũng như kết quả hoạt động chính hằng năm của cơ sở GDĐH.
Chuẩn cơ sở GDĐH gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí với những yêu cầu tối thiểu phản ánh các mục tiêu, giá trị và hoạt động chính yếu của các cơ sở GDĐH, nên thực hiện chuẩn đảm bảo tính thống nhất của quốc gia trong toàn hệ thống GDĐH.
Thực hiện Chuẩn cơ sở GDĐH cũng giúp các cơ sở GDĐH tự cải thiện và đảm bảo chất lượng bên trong của mình hằng năm, đáp ứng tốt hơn các mục tiêu phát triển của cơ sở GDĐH. Do đó, hằng năm, các cơ sở GDĐH đều thực hiện đánh giá theo Chuẩn cơ sở GDĐH, dữ liệu đánh giá được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu GDĐH quốc gia và công bố công khai, minh bạch hằng năm cho toàn xã hội và các bên liên quan.
Chuẩn kiểm định cơ sở GDĐH để đánh giá và chứng nhận chất lượng của các cơ sở GDĐH, đảm bảo chúng được công nhận và cung cấp trách nhiệm giải trình cho các bên liên quan. Thực hiện chuẩn kiểm định cơ sở GDĐH theo chu kỳ (ví dụ 5 năm/lần) và theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định khác nhau (ABET, FIBAA…) tùy theo quyết định của cơ sở GDĐH. Danh sách các cơ sở GDĐH được đánh giá công nhận chất lượng theo chu kỳ, theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định khác nhau được công bố công khai, minh bạch cho toàn xã hội và các bên liên quan.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với GDĐH đã quy định điều kiện tối thiểu các trường phải đáp ứng đối với hoạt động GDĐH nhưng ở nhiều văn bản khác nhau như: Tuyển sinh, chương trình đào tạo, mở ngành đào tạo mới, tổ chức đào tạo… và công khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo…
Tuy nhiên, thực hiện quy định của Luật GDĐH năm 2018 thì cần quy định Chuẩn cơ sở GDĐH để thực hiện thống nhất trong quản lý Nhà nước về GDĐH. Do đó, Chuẩn cơ sở GDĐH có tác động tới cơ sở GDĐH nhưng theo hướng tích cực. Bản chất tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn là các cơ sở GDĐH đã và đang triển khai nhiều năm qua.
Thông qua thực hiện chuẩn này, cơ sở GDĐH xây dựng chiến lược, kế hoạch để duy trì, cải tiến các chỉ số hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo ra nhiều ảnh hưởng với các bên có liên quan, thu hút nguồn lực từ xã hội và tạo sự phát triển bền vững cho cơ sở GDĐH. Tác động tích cực nhất của Chuẩn cơ sở GDĐH là tạo ra môi trường minh bạch (về chất lượng, hiệu quả), thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các cơ sở GDĐH.
Việc công khai kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở GDĐH là cung cấp thông tin giúp các bên liên quan có cái nhìn tường minh về diện mạo, sứ mệnh và chỉ số chính trong hoạt động của các cơ sở GDĐH. Theo đó, học sinh, sinh viên có thể xác định, lựa chọn cơ sở GDĐH tốt, chương trình đào tạo phù hợp…
Thông tư 01 không quy định hướng xử lý nếu các trường không đạt chuẩn, mà kết quả thực hiện chuẩn theo quy định của Thông tư này sẽ dùng làm căn cứ để xem xét các hoạt động của trường theo quy định pháp luật. Cụ thể như: Cơ sở GDĐH không đạt tiêu chuẩn, tiêu chí hay chỉ số đối với hoạt động GDĐH nào đó thì việc xử lý sẽ quy định ở Nghị định số 04/2021/NĐ-CP hoặc các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động GDĐH đó. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chuẩn theo quy định tại Thông tư 01 sẽ được Bộ GD&ĐT công bố công khai hằng năm, dự kiến lần công khai đầu tiên từ tháng 6/2025.
Bộ GD&ĐT hướng dẫn cơ sở GDĐH cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của Chuẩn cơ sở GDĐH vào hệ thống cơ sở dữ liệu về GDĐH.
Theo đó, các cơ sở GDĐH cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác và nhất quán số liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của Chuẩn cơ sở GDĐH vào hệ thống cơ sở dữ liệu. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cần thiết để thường xuyên giám sát, cải tiến chất lượng và hiệu quả hoạt động GDĐH. Bên cạnh đó, thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan về chất lượng và hiệu quả hoạt động GDĐH thông qua kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở GDĐH.
Xét về góc độ pháp lý, Luật GDĐH quy định thẩm quyền của Bộ GD&ĐT ban hành Chuẩn cơ sở GDĐH và các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định cơ sở GDĐH.
Chuẩn cơ sở GDĐH được sử dụng làm công cụ quản lý Nhà nước trong việc xem xét điều kiện hoạt động và giám sát thường xuyên các điều kiện bảo đảm chất lượng hoạt động cũng như kết quả hoạt động chính của cơ sở GDĐH.
Chuẩn cơ sở GDĐH và các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định cơ sở GDĐH là hai công cụ khác nhau về mục đích, nội dung và tính chất, bổ sung cho nhau. - TS Nguyễn Thị Thu Thủy.