Chuẩn bị đón 'khách quen'

GD&TĐ - 'Khách quen' ở đây là khách Trung Quốc sẽ đi du lịch khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, từ ngày 8/1 tới, sau hai năm gián đoạn do dịch Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau hai năm theo đuổi chính sách “zero Covid” với nhiều khó khăn do ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, bắt đầu từ ngày 8/1 này, Trung Quốc chính thức hủy bỏ việc kiểm dịch tập trung và xét nghiệm Covid-19 với khách quốc tế đến nước này, đồng thời cho phép người Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài.

Rất nhiều hãng lữ hành của Việt Nam đón nhận tin trên với nhiều kỳ vọng là sẽ phục hồi nhanh chóng ngành du lịch nước nhà sau hai năm vắng bóng những vị khách quen thuộc.

Một số hãng lữ hành lớn đang tất bật chuẩn bị lên kế hoạch đưa khách đi du lịch Trung Quốc và đón khách Trung Quốc đến nước ta ngay trong mùa xuân này nếu tình hình dịch bệnh vẫn được khống chế như thời gian vừa qua.

Vì sao các hãng lữ hành tỏ ra vui mừng và ngành du lịch Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào những vị khách quen thuộc này? Nói ngay rằng, Trung Quốc luôn là thị trường du lịch sôi động nhất đối với khách đến cũng như khách đi từ nhiều năm qua.

Trong vòng vài chục năm trở lại đây, khách Trung Quốc đi du lịch hầu như khắp thế giới. Những nước có cùng đường biên như Việt Nam, khách Trung Quốc đến mỗi năm một tăng thêm. Có người ví von “khách Trung Quốc như chiếc máy in tiền của ngành du lịch thế giới” quả không sai.

Thống kê cho thấy, nếu như năm 2000, chỉ có 10,5 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài thì năm 2018, trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này, có đến 150 triệu người Trung Quốc đi chơi ở các nước! Bình quân mỗi năm, khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng 16%. Đây là con số mà không một quốc gia nào trên thế giới có được.

Cũng theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), liên tục trong nhiều năm, Trung Quốc giữ vị trí số 1 thế giới về tổng mức chi tiêu cho đi du lịch nước ngoài, với 277 tỷ USD năm 2018, chiếm hơn 50% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của khu vực châu Á và chiếm 20% trên toàn thế giới.

Trung Quốc cũng nằm trong nhóm hàng đầu các nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương có mức chi tiêu cao với 1.850 USD/chuyến đi, xếp thứ 3 sau Úc (3.370 USD/chuyến) và Singapore (2.440 USD/chuyến).

Đối với Việt Nam, khách Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số du khách nước ngoài đến nước ta hàng năm. Trong 5 năm từ 2013 - 2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng bình quân 34,4% mỗi năm.

Trước khi có dịch Covid-19, năm 2018, Việt Nam đón 18 triệu khách quốc tế, khách Trung Quốc đã chiếm 6 triệu người. Những năm trước 2018, đến điểm du lịch nào trên đất nước ta cũng thấy khách Trung Quốc “áp đảo” so với khách các nước.

Việc khách Trung Quốc ngày một tăng lên không chỉ khuấy động thị trường du lịch mà gián tiếp kích hoạt nhiều lĩnh vực khác như nhà hàng, khách sạn, các hãng hàng không với nhiều chuyến bay thuê bao, thậm chí giá nhà đất cũng tăng vọt do nhu cầu kinh doanh các dịch vụ ăn theo.

Đang hồi sôi động nhất thì dịch dã xuất hiện khiến ngành du lịch lâm cảnh lao đao từ hai năm qua. Chính vì vậy, tin Trung Quốc sẽ mở cửa vào ngày 8/1 là một tin không thể vui hơn đối với ngành du lịch và các dịch vụ ăn theo khác ở nước ta.

Tuy nhiên, chuẩn bị như thế nào để biến tin vui này thành quả ngọt, chắc chắn sẽ không hề đơn giản, thậm chí còn là thách thức với nhiều ngành chứ không riêng du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ