(GD&TĐ)-Đó là một trong nhiều nội dung công bố tại buổi họp báo được tổ chức với sự đại diện của các Bộ: Công an; Khoa học - Công nghệ; Giao thông - Vận tải; Công thương diễn ra ngày hôm nay (26/4).
Họp báo công bố nguyên nhân gây cháy xe. Ảnh: gdtd.vn |
Theo thống kê của Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), trong năm 2010-2011, toàn quốc xảy ra 324 vụ cháy, nổ ô tô, xe máy, trong đó có 274 vụ cháy ô tô, 48 vụ cháy xe máy. Chỉ tính riêng từ 1/1/2012 đến nay, cả nước xảy ra 115 vụ cháy ô tô, xe máy, trong đó 56 vụ cháy xe ô tô, 59 vụ cháy xe máy, làm bị thương 3 người, thiệt hại tài sản giá trị trên 20 tỉ đồng.
Lực lượng chức năng mới chỉ làm rõ nguyên nhân của 209/324 vụ, chiếm tỉ lệ 64,5%.
Trong số đó, về nguyên nhân cháy, 30,25% do chập điện, 15,1% do sự cố kĩ thuật, 9,8% do sơ suất, 4,63% do tai nạn giao thông và 4,32% do đốt. Riêng số cháy xe tính từ 1/1/2012 mới điều tra làm rõ được 25 vụ (21,7%), còn 96 vụ (78,3%) đang điều tra.
Trong số 25 vụ đã điều tra làm rõ nguyên nhân thì có 9 vụ do chập điện, 6 vụ do sơ suất, 5 vụ do sự cố kĩ thuật, 4 vụ do tai nạn giao thông và 1 vụ do đốt.
Qua nghiên cứu, xe cháy xảy ra ở nhiều hãng sản xuất đã có uy tín: Huyndai, Daewoo, BMW, Mercedes, Ford, Toyota…Nhiều vụ cháy có yếu tố bất thường như dừng xe tắt máy, xe nổ và cháy; xe chết máy tháo bugi phụt lửa gây cháy; xe đang lưu thông bị tắt máy, khởi động lại gây cháy…
Trong các công bố về nguyên nhân gây cháy xe trên không hề nhắc đến nguyên nhân do xăng dầu.
Tình trạng ô tô, mô tô cháy vẫn diễn ra khá phổ biến (Trong ảnh: xe máy Attila biển số 51S6- 4567 bốc cháy lúc 18 giờ 45 phút ngày 23/4/2012, trên xa lộ Hà Nội (đoạn phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM khi đang lưu thông) |
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học – Công nghệ), trong năm 2011, qua kiểm tra 704 mẫu thì có 147 mẫu (chiếm 20,9%) không đạt về trị số octan và 5 mẫu có methanol. Từ đầu năm 2012, kiểm tra 541 mẫu xăng và 128 mẫu dầu diesel, kết quả là có 60 mẫu xăng (11%), 17 mẫu dầu diesel (13,28%) không đạt.
Sai phạm chủ yếu là hàm lượng octan thấp so với xăng và hàm lượng lưu huỳnh cao đối với dầu.
Tuy nhiên, khi tiến hành lấy 56 mẫu xăng liên quan tới xe cháy, 100% mẫu xăng này đều đạt chất lượng, không phát hiện methanol, aceton trong xăng.
Hiện có 3 nhóm nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân xe cháy gồm Viện cơ khí động lực (Đại học Bách khoa Hà Nội), Phòng thí nghiệm trọng điểm hóa dầu (Viện Hóa công nghiệp) và Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh). Kết luận ban đầu là, ngay cả khi xăng được pha nồng độ methanol, etanol dưới 30% vẫn không thể tự động bốc cháy phương tiện, trừ trường hợp có sự rò rỉ nhiên liệu và có sự tiếp xúc với nguồn nhiệt nóng hơn 490oC. Như vậy, trong câu chuyện xe cháy, chưa có bằng chứng để kết luận xăng dầu là thủ phạm.
Song ông Trần Văn Vinh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng nhấn mạnh rằng, nếu phương tiện không đồng bộ với yêu cầu về xăng dầu tại Việt Nam hiện nay cũng có thể gây ra nguy cơ cháy xe. Ví dụ, xăng dầu của Việt Nam hiện nay phù hợp cho xe thiết kế sử dụng nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro 2, khi sử dụng xe thiết kế cho Euro 4, 5 thì sẽ bị nóng máy, ống xả bị nóng hơn, có thể gây cháy.
Đại diện Cục quản lý thị trường cũng cho biết ngành đang thực hiện quản lý chất lượng xăng dầu theo chuỗi từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng để đảm bảo chất lượng.
Tại buổi họp báo, đại diện các Bộ, ngành liên quan đều khẳng định đã thực hiện nhiệm vụ tìm nguyên nhân gây cháy xe một cách trung thực, nghiêm túc và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.
Như vậy sau khi xảy ra nhiều vụ cháy nổ xe ôtô, xe máy thời gian qua thì vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan chức năng về nguyên nhân gây cháy nổ
Tuy nhiên, Thiếu tướng Trần Anh Dũng cho biết đây chỉ là những kết quả tìm nguyên nhân bước đầu, các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu bằng các Đề án, chương trình (đã có) để sớm ra tìm thêm những nguyên nhân cháy nổ xe.
Khuyến cáo đối với người sử dụng phương tiện ô tô, xe máy để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro: không lắp đặt thêm thiết bị điện, phụ kiện không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất; bảo hành bảo dưỡng định kì, thường xuyên kiểm tra phương tiện, phát hiện các dấu hiệu lạ để khắc phục ngay; khi để xe ở trong nhà phải tắt khóa điện, đóng khóa bình xăng, để xa nguồn lửa, nhiệt; không mua xăng dầu ở các điểm tự phát; xe ô tô 4 chỗ trở lên phải trang bị bình chữa cháy… Khi phát hiện có ngọn lửa, khó hoặc nhiệt độ cao bất thường ở phương tiện cần bình tĩnh, cho xe vào lề đường, tránh xa nơi có nhiều người, nhiều chất dễ cháy. Ngay sau đó, phải tắt khóa điện, tìm cách khóa bình xăng, hô hoán để mọi người giúp. Nếu nhiên liệu chưa trào ra ngoài (ngọn lửa chưa bốc cháy dữ dội) thì có thể sử dụng nước hoặc vật bất kì dập lửa. Nếu nhiên liệu đã trào ra ngoài thì phải sử dụng bình chữa cháy, cát, chăn chiên, bao tải, vải nhúng nước để dập lửa. Đối với ô tô, nếu phát hiện khói, lửa ở trong nắp cabô cần tắt ngay khóa điện để ngừng bơm xăng cho động cơ rồi tiến hành dập lửa. Nếu cháy ở bãi giữ xe, trong gara, trước tiên phải gọi PCCC, sau đó phải khởi động hệ thống chữa cháy ở vị trí đó (nếu có) và sử dụng các phương tiện chữa cháy khác để dập lửa. Trường hợp không có khả năng dập tắt đám cháy thì nên tránh xa phương tiện để tránh nổ bình xăng gây tai nạn. Bộ Công an cũng đề nghị các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy nâng cao chất lượng các chi tiết sản phẩm, tăng hệ số an toàn của hệ thống điện, nhiên liệu và các vật liệu chế tạo thích ứng với xăng dầu đang sử dụng trong nước. |
PV-Nguyễn Sơn
TIN LIÊN QUAN |
---|