Báo cáo với đoàn công tác, nhà giáo Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương cho biết, trường hiện có 45 lớp, trung bình mỗi khối 10, 11 và 12 đào tạo hơn 620 học sinh. Từ năm học 2011-2012, trường bắt đầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, theo chỉ đạo của Bộ và hướng dẫn của Sở.
Để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, trường đã chuyển sang hình thức dạy học các môn tự chọn. Học sinh được chủ động chọn môn học yêu thích hoặc cần bổ sung thêm kiến thức, trường sẽ phân chia trình độ và xếp lớp, bố trí giáo viên dạy phù hợp.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (bìa trái) tham quan Trường THPT Trưng Vương |
Ngoài ra, tận dụng thời gian dạy học buổi hai, các tổ bộ môn sẽ biên soạn những chuyên đề dạy học bổ trợ nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kỹ năng, kiến thức của học sinh. Trường
Đối với công tác ôn tập chuẩn bị kỳ thi THPT, theo cô Trương Thị Bích Thủy, kể từ khi có sự đổi mới trong đánh giá, kiểm tra, nhà trường đã chủ động nắm bắt, và sớm đưa ra định hướng ôn tập cho HS, để các em luôn có tinh thần chủ động. Thông thường sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ II, nhà trường tập trung ôn tập cho các em, và kế hoạch đã được hiệu phó, tổ trưởng các bộ môn xây dựng từ trước.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chụp ảnh lưu niệm với ban giám hiệu, giáo viên của Trường THPT Trưng Vương |
Bên cạnh đó cũng thông tin đến gia đình để phụ huynh nắm bắt, hỗ trợ thêm cho HS. Đặc biệt đối với những HS yếu, nhà trường sẽ tập hợp, xem xét khả năng tự học hoặc vào trường để tăng cường phụ đạo. Giáo viên sẽ tham gia phụ đạo và nhà trường không thu kinh phí của HS. Năm học 2016-2017, có 30 HS yếu được phụ đạo. Kết quả HS đậu tốt nghiệp đạt 100%.
Cô Trương Thị Bích Thủy cũng thay mặt các giáo viên của nhà trường có những đóng góp ý kiến về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã ghi nhận, đánh giá cao hoạt động giáo dục tại TPHCM, đặc biệt là làm tốt công tác tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Qua đây Thứ trưởng lưu ý trong công tác ôn tập chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nhà trường phải tổ chức trên tinh thần “không bỏ sót, không để một HS nào bị lãng quên”.
Ngoài ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho HS khá, giỏi, nhà trường cần chú ý phụ đạo cho HS yếu, để các em không rớt tốt nghiệp. Mặt khác, việc góp ý cho Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới là hết sức quan trọng. Nhà trường cần ghi biên bản từng tổ góp ý, gửi về Sở GD&ĐT. Theo đó, Sở tập hợp từ các trường gửi về Bộ để tổng hợp, xem xét, tiếp thu, sửa đổi, hoàn thiện cho chương trình.
Thứ trưởng cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT chụp ảnh lưu niệm với đại diện Trường THCS Lý Thánh Tông |
Sau khi làm việc với Trường THPT Trưng Vương, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã tới Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8) để lắng nghe những ý kiến đóng góp của cán bộ, giáo viên nhà trường về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Qua làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận các ý kiến góp ý cũng như mong muốn, đề xuất của các trường. Thứ trưởng đề nghị các trường tiếp tục bàn bạc, trên cơ sở các ý kiến của từng giáo viên bộ môn, từng hoạt động giáo dục để có những góp ý sâu sắc dựa vào những nội dung của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT đã công bố.
Việc góp ý cần chú trọng hướng vào 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi cho học sinh, trong đó có 3 năng lực chung cần lưu ý là tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, cùng với 7 năng lực chuyên môn bám sát hệ thống môn học xuyên suốt trong các cấp học.