Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể: Ý kiến tâm huyết của GV phổ thông

GD&TĐ - Trong thời gian qua, báo GD&TĐ nhận được nhiều ý kiến của Hiệu trưởng các trường THPT về bản Dự thảo Chương trình GD phổ thông tổng thể (sẽ gọi là dự thảo). 

Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể: Ý kiến tâm huyết của GV phổ thông

Đa số các ý kiến bày tỏ sự đồng tình với những đề xuất trong dự thảo như hệ thống các môn học, kế hoạch GD giúp HS phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân tốt, chủ động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Đồng thời qua đây các thầy, cô cũng có những ý kiến đóng góp thiết thực xuất phát từ thực tế GD cho dự thảo.

Tâm đắc với những đề xuất mới

Thầy Nguyễn Nho Hòa – Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) - chia sẻ: Tập thể sư phạm nhà trường rất ủng hộ với dự thảo chương trình phổ thông tổng thể lần này, nhất là mục tiêu GD được đặt ra, GD toàn diện HS với những năng lực, phẩm chất cụ thể; Chương trình đã đặt ra mục tiêu trang bị cho HS những kỹ năng cần thiết làm hành trang cuộc sống như kỹ năng thực hành, kỹ năng vận dụng, kỹ năng thích ứng với những thay đổi; định hướng nghề nghiệp cho HS bằng những môn học và hoạt động GD cụ thể. Đặc biệt tâm huyết với chương trình tổng thể khi chú trọng hoạt động trải nghiệm.

Thầy Hòa cũng bày tỏ hoàn toàn ủng hộ với bản dự thảo đưa ra những môn học tự chọn, rất phù hợp với xu hướng GD hiện đại, tiên tiến của các nước. Thầy cho rằng, càng tự chọn sớm càng tốt với năng lực học tập của HS; Bởi không nhiều HS giỏi toàn diện tất cả các môn học mà chỉ nổi trội ở những mặt nào đấy. Đây là hướng phân hóa hợp lý mà Bộ nên phân hóa ngay từ cuối cấp THCS để lên đến bậc học THPT, sự phân hóa càng rõ rệt hơn thông qua các môn học tự chọn.

Một điểm nữa được thầy Hòa đánh giá cao là môn Ngoại ngữ trong bản dự thảo. Nếu việc dạy Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 - 12; Cơ sở GD có điều kiện thuận lợi có thể tổ chức học Ngoại ngữ 1 bắt đầu từ lớp 1 thì năng lực môn này của HS sẽ được cải thiện rất căn bản, lên THPT năng lực ngoại ngữ sẽ giúp các em rất nhiều trong định hướng hướng nghiệp.

Theo thầy Hòa, nhà trường cũng đang tích cực chuẩn bị, đón đầu tinh thần đổi mới để thích ứng, như đổi mới phương pháp dạy học tích cực, tổ chức hoạt động GD trải nghiệm, nhất là những hoạt động GD ngoài nhà trường, đưa âm nhạc, mỹ thuật vào sinh hoạt trong các CLB, phân công các giáo viên có năng lực phụ trách, tiến tới dần tiếp cận theo xu hướng mới. “Vấn đề cốt lõi là chuẩn bị con người – người dạy chương trình mới”, thầy Hòa nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với thầy Nguyễn Nho Hòa, cô Nguyễn Thị Hồng – Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Yên 2 (tỉnh Lào Cai) - nhấn mạnh thêm việc chương trình đưa ra những môn học tự chọn bắt buộc ở THPT đã hiện thực hóa tính khả thi của chương trình. Bởi điều kiện dạy và học của các nhà trường ở các vùng miền khác nhau của cả nước là rất khác biệt, nên dự thảo chương trình đưa ra các môn học tự chọn bắt buộc phù hợp với nguyện vọng của bản thân HS và điều kiện tổ chức của nhà trường là rất hợp lý;

Đồng thời, bản dự thảo cũng trao quyền chủ động cho các trường có phương án xây dựng các tổ hợp môn học để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường.

Cô Hồng nhận xét: Ở phổ thông, tuy số môn học tăng lên nhưng tổng số tiết ở các bộ môn: Lý, Hóa, Tin học, Sinh học… giảm so với thực tế giảng dạy hiện nay, điều này giảm tải rất nhiều về thời gian để HS được tập trung vào các hoạt động GD phát triển phẩm chất, kỹ năng như mục tiêu GD đã nêu trong bản dự thảo.

Những góp ý từ cơ sở

Theo cô Nguyễn Thị Hồng: Đối với các môn học tự chọn mà số HS đăng ký không đảm bảo rất khó cho hoạt động GD được thực hiện vì Trường THPT số 2 Bảo Yên đặt tại xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên, Lào Cai), khoảng cách so với các trường khác trên cùng địa bàn là 22 km. Vậy nên trong kế hoạch GD đối với lớp 11, 12 có cụm từ “Trong trường hợp môn học mà số HS chọn học không đủ để tổ chức thành lớp học riêng, HS có thể theo học môn học đó ở các cơ sở GD khác hoặc thay đổi lựa chọn phù hợp với khả năng đáp ứng của nhà trường”, Ban soạn thảo nên sửa thành: “Trong trường hợp môn học mà số HS chọn học không đủ để tổ chức thành lớp học riêng, HS có thể thay đổi lựa chọn phù hợp với khả năng đáp ứng của nhà trường”.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (70 tiết), do chương trình mới nên lúng túng trong tổ chức, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nguồn kinh phí, trình độ kinh tế địa phương khó khăn. Nội dung hoạt động, các bộ môn văn hóa phải xây dựng số tiết trải nghiệm sáng tạo phù hợp để gộp thành kế hoạch dạy học trải nghiệm; Do vậy nên phân công giáo viên ở các bộ môn văn hóa thực hiện (trong kế hoạch đến tiết dạy bộ môn nào thì giáo viên bộ môn đó hướng dẫn HS học tập).

Với môn tự chọn bắt buộc ở lớp 11, 12 có khó khăn là tỷ lệ dôi dư giáo viên nhiều ở các môn văn hóa truyền thống, thiếu giáo viên có năng lực chuyên môn ở các môn như khoa học máy tính, GD kinh tế pháp luật, thiết kế và công nghệ…; HS chỉ lựa chọn 3 môn học dẫn tới có môn nhiều HS lựa chọn, môn có ít và HS có thể lựa chọn cơ sở khác để học…

Do vậy, theo cô Hồng, giải pháp của các thầy, cô giáo trong trường là: Trước mắt là định hướng, tư vấn kĩ để HS lựa chọn học 3 môn tự chọn sau khi học hết lớp 10 phải phù hợp với đặc điểm đơn vị, xã hội, đất nước; Bước đầu phân công giáo viên có ít (nhiều) năng khiếu và giáo viên hạn chế về chuyên môn sang dạy các môn học mới. Từ đó giảm thiểu tối đa việc dôi dư giáo viên, phù hợp với đặc điểm đơn vị. Về lâu dài, lựa chọn thầy cô còn hạn chế về năng lực bộ môn, giáo viên có năng khiếu để đào tạo tập huấn về giảng dạy các môn học mới như: Mĩ thuật, Âm nhạc, Thiết kế và công nghệ, GD kinh tế và pháp luật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo…

“Ở lớp 10, đối với hoạt động nghệ thuật (35 tiết), có khó khăn là số tiết dạy nhiều, thiếu giáo viên có chuyên môn sâu, chưa thực hiện giảng dạy bao giờ. Vậy nên, lựa chọn một số lĩnh vực, loại hình nghệ thuật để hướng dẫn HS học tập, trải nghiệm như âm nhạc, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc tại địa phương. Cần phân công giáo viên có kiến thức cơ bản về các loại hình nghệ thuật khi dạy” - cô Nguyễn Thị Hồng đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ