Chiều 25/10, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5 để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.
Trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế bất cập. Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa; thời gian để hoàn thành việc xây dựng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến; việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trê phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.
Do vậy nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018- 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng.
Theo yêu cầu của Nghị quyết 88, từ năm học 2018- 2019 sẽ bắt đầu triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tuy nhiên, căn cứ tình hình xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và chuẩn bị điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc đến tháng 9 năm 2017 và cơ sở phân tích lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo yêu cầu của Nghị quyết 88, có thể thấy nếu triển khai theo lộ trình trên thì chất lượng chương trình, sách giáo khoa mới cũng như điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật để dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới chưa bảo đảm, do đó việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa khó đảm bảo thành công và khó nhận được sự đồng thuận, yên tâm của xã hội.
Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019- 2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020- 2021, và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021- 2022.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và cho rằng các nội dung này đã thể hiện tương đối đầy đủ các công việc đã thực hiện, những hạn chế trong việc triển khai Nghị quyết và xác định được những việc cần làm trong giai đoạn 2017- 2024.
Qua thực tế 3 năm thực hiện Nghị quyết, việc chuẩn bị cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới đã bị chậm, chưa đảm bảo theo lộ trình và tiến độ nên việc điều chỉnh thời gian bắt đầu áp dụng chương trình mới là cần thiết để có đủ thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà.
Như vậy, so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới sẽ chậm lại 01 năm ở các lớp tiểu học, 02 năm ở các lớp trung học cơ sở và 03 năm ở các lớp trung học phổ thông, chứ không triển khai cùng lúc như Nghị quyết 88. Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện ở tất cả các lớp học phổ thông từ năm học 2023- 2024.
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13.
Nhiều ý kiến đại biểu đồng ý với Tờ trình của Chính phủ về lộ trình điều chỉnh và cho rằng, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chỉ cần chậm lại 01 năm, tương đương với thời gian chậm ban hành chương trình phổ thông tổng thể so với kế hoạch.
Hơn nữa, việc thực hiện theo phương thức nêu trong Tờ trình, thời gian bắt đầu chậm lại 01 năm ở các lớp tiểu học, 02 năm ở các lớp trung học cơ sở và 03 năm ở các lớp trung học phổ thông là phù hợp vì độ dài thời gian chuẩn bị cơ bản tương ứng với mức độ khó trong đổi mới chương trình của từng cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuẩn bị.
Ngoài ra xét về tổng thể, các đại biểu cho rằng dù điểu chỉnh thời điểm bắt đầu nhưng tổng thời gian triển khai chương trình vẫn là 5 năm, không làm phát sinh kinh phí.
Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi về phương án điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Các đại biểu cho rằng, từ nay cho đến lúc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, khối lượng công việc cần triển khai là rất lớn; chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dù đã được ban hành nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về cơ sở lý luận, mục tiêu và nội dung chương trình; các địa phương còn rất lúng túng trong việc chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình mới…
Các đại biểu cho rằng, để đảm bảo cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đạt chất lượng và hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, việc đề xuất điều chỉnh thời gian triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cần được cân nhắc kỹ lưỡng, chặt chẽ, tránh lặp lại những hạn chế, bất cập do việc triển khai thiếu đồng bộ đã xảy ra.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Ủy ban sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến của các đại biểu tại phiên họp toàn thể hôm nay để nghiên cứu và hoàn thiện Báo cáo thẩm tra về vấn đề này.
Đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện các nội dung trong Tờ trình; bên cạnh đó tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, đảm bảo tính khả thi và chất lượng thực hiện chương trình.