Chú trọng hệ thống hóa kiến thức cho học sinh lớp 12

GD&TĐ - Trường THPT Lê Quý Đôn (Quảng Ninh) đẩy mạnh ôn tập để học sinh có đủ kiến thức, kĩ năng, tự tin tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cô giáo Vũ Thị Thơm, trong giờ ôn tập tiếng Anh cho học sinh khối 12.
Cô giáo Vũ Thị Thơm, trong giờ ôn tập tiếng Anh cho học sinh khối 12.

Phân loại đối tượng bồi dưỡng

Theo cô giáo Trần Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, nhà trường đang tập trung hoạt động dạy học kết hợp với ôn tập, hệ thống hóa kiến thức cho học sinh cho khối 12. Nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục và giữ vững kết quả đỗ tốt nghiệp (100%). Đồng thời, giúp các em có đủ kiến thức cơ bản theo chương trình Giáo dục phổ thông và chuẩn kiến thức kỹ năng, bám sát phù hợp với yêu cầu về hình thức, nội dung của đề thi tốt nghiệp THPT.

Chúng tôi chỉ đạo việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, của UBND tỉnh Quảng Ninh và các quy định khác về dạy thêm học thêm và các hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT của Sở GD&ĐT Quảng Ninh. Đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học, với sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Việc ôn tập kiến thức, phân loại dạng bài và nội dung ôn tập theo đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2022 và 2023; chú trọng rèn kĩ năng giải nhanh, chính xác yêu cầu của đề thi.

Dựa trên nguyện vọng và năng lực học tập của từng học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp và các thầy cô giáo bộ môn nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em để tư vấn lựa chọn ngành, trường đại học. Điều này giúp tăng thêm số lượng học sinh đỗ vào các trường đại học, đặc biệt là các trường tốp đầu trong toàn quốc. Bên cạnh đó, công tác này giúp phân loại học sinh theo từng nhóm đối tượng dựa vào khả năng nhận thức và lực học.

Cô Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên môn Toán: Chúng tôi đẩy mạnh tiến độ hoàn thành chương trình năm học theo lịch kết hợp song song với ôn tập.

Cô Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên môn Toán: Chúng tôi đẩy mạnh tiến độ hoàn thành chương trình năm học theo lịch kết hợp song song với ôn tập.

Ngoài ra, nhà trường cũng phối hợp với ban Đại diện cha mẹ học sinh tổ chức họp phụ huynh khối lớp 12 để trao đổi, thảo luận và thống nhất kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp, tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền sâu rộng các quy định, quy chế thi tốt nghiệp THPT. Lựa chọn những biện pháp tích cực, phù hợp với từng đối tượng để giúp đỡ học sinh nắm vững chương trình, củng cố kiến thức, đạt được kết quả cao nhất theo khả năng của học sinh trong thời gian quy định.

Xây dựng thời lượng hợp lý

Cô Hiệu trưởng Trần Thị Thu cho biết, thời gian, môn và thời lượng ôn tập được xây dựng đảm bảo hợp lý với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 củng cố, bám sát kiến thức cơ bản theo chuẩn kiến thức kĩ năng; bổ sung, nâng cao kiến thức một cách phù hợp với từng đối tượng học sinh. Học sinh học tối đa 4 buổi/tuần, mỗi buổi 3 tiết (Dự kiến từ 25 đến 27 tuần). Môn học do các em đăng kí ôn tập theo tổ hợp môn thi tốt nghiệp và các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Thời lượng các môn Toán, Văn, Anh 3 tiết/tuần; các môn còn lại từ 1,5 đến 3 tiết/tuần.

Giai đoạn 2 tổng ôn tập sẽ bắt đầu từ 8/5/2023 đến 24/6/2023. Thời lượng môn học môn Toán có tổng 45 tiết; Môn Ngữ văn, Ngoại ngữ có tổng 35 tiết/môn; Môn Lịch sử, Địa lí, GDCD, Vật lí, Hóa học, Sinh học: tổng 28 tiết/môn. Trong thời gian này, các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp THPT chủ động thống nhất xây dựng nội dung ôn tập, đảm bảo tổng ôn tập kiến thức; phân loại dạng bài và luyện đề dựa theo đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2022 và 2023 của Bộ GD&ĐT.

Kế hoạch bài ôn tập một cách phù hợp, giúp học sinh nắm được nội dung ôn tập theo khả năng của từng đối tượng học sinh.

Kế hoạch bài ôn tập một cách phù hợp, giúp học sinh nắm được nội dung ôn tập theo khả năng của từng đối tượng học sinh.

Cô Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên môn Toán cho biết: Chúng tôi đang đẩy mạnh tiến độ hoàn thành chương trình năm học theo lịch kết hợp song song với ôn tập. Cả cô và trò cùng tìm hiểu kĩ đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2022, 2023 và đề thi chính thức tốt nghiệp THPT các năm 2021, 2022 của Bộ GD&ĐT để nắm được cách thức ra đề, mức độ, phạm vi kiến thức và có kế hoạch ôn tập cho phù hợp. Trong tổ bộ môn, các thầy cô thường xuyên tổ chức trao đổi, thảo luận tìm ra các giải pháp hữu hiệu trong công tác tổ chức quản lí, ôn tập để áp dụng có hiệu quả trong thời gian ôn tập.

Còn với cô giáo Vũ Thị Thơm, dạy môn Tiếng Anh: "Chúng tôi tổ chức phân loại học sinh theo đúng đối tượng trong lớp ôn tập để xây dựng Kế hoạch bài ôn tập một cách phù hợp, giúp học sinh nắm được nội dung ôn tập theo khả năng của từng đối tượng học sinh. Đặc biệt quan tâm đến các học sinh có nguy cơ cao trượt tốt nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với GVCN trong công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở học sinh, thông tin cho giáo viên chủ nhiệm để cùng đôn đốc nhắc nhở việc học của các em".

"Nội dung ôn tập nằm trong Chương trình GDPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD&ĐT công bố. Giáo viên phải tổng hợp, khắc sâu kiến thức trọng tâm cơ bản, hệ thống hóa kiến thức và nâng cao khả năng vận dụng kiến thức để giúp học sinh giải được các bài tập ở các mức độ đề yêu cầu. Hướng dẫn học sinh kĩ năng làm bài hiệu quả phù hợp với từng bộ môn.Giáo viên phải thu nhận thông tin phản hồi của học sinh trong quá trình giảng dạy để kịp thời điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả của việc ôn tập" Cô Trần Thị Thu thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ