Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng, trong 2 năm 2020 – 2021, Dự án Khu đô thị ĐH Đà Nẵng đã đạt được những bước tiến quan trọng: Trung ương đã bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2015-2020 cho ĐH Đà Nẵng và đã chuyển kinh phí được cấp cho thành phố quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Thành phố Đà Nẵng đã bố trí xây dựng Khu tái định cư (từ nguồn kinh phí của thành phố), đến nay Dự án đã GPMB được 33,5/40 ha (thuộc phường Hoà Quý).
Dự án đã được Trung ương cấp vốn để xây dựng các công trình cấp thiết giai đoạn 2018-2020 và ĐH Đà Nẵng đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành, dự kiến đưa vào sử dụng tháng 4/2022.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư đối với Dự án vay vốn ODA từ Ngân hàng thế giới để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết thuộc Dự án. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Báo cáo Khả thi và ĐH Đà Nẵng đang tích cực, chủ động làm việc với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để khẩn trương xúc tiến các bước tiếp theo.
Trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020, mặc dù được Chính phủ quan tâm ưu tiên bố trí 1.000 tỷ đồng và ĐH Đà Nẵng đã rất nỗ lực xây dựng dự án, chủ động báo cáo, làm việc với các Bộ, ngành, các địa phương có liên quan để đề xuất vốn ngân sách thực hiện các dự án. Tuy nhiên, do thay đổi pháp luật về đầu tư nên Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với tổng mức đầu tư 181 tỷ đồng không thể triển khai mặc dù đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt chủ trương đầu tư.
Về khó khăn của dự án, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, ĐH Đà Nẵng đã tập trung ưu tiên đề xuất vốn cho công tác bồi thường, GPMB, nhất là phía Quảng Nam. Tuy nhiên, do nhu cầu vốn rất lớn trong khi ngân sách lại đang gặp khó khăn nên Chính phủ không thể bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho ĐH Đà Nẵng để tiếp tục triển khai Dự án trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo quy định của pháp luật đầu tư công, dự án GPMB phải có cấu phần xây dựng nên cần vốn đầu tư lớn, kế hoạch đầu tư và sử dụng rõ ràng nên thủ tục chuẩn bị đầu tư phức tạp hơn, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn.
Việc hoàn thành GPMB toàn bộ phạm vi quy hoạch ĐH Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong một giai đoạn trung hạn là khó khả thi, cần phải phân kỳ cho nhiều giai đoạn. Bên cạnh đó, việc huy động vốn từ nguồn xã hội hóa và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho giải phóng mặt bằng và tái định cư là khó khăn hơn các dự án đầu tư xây dựng.
Giám đốc ĐH Đà Nẵng đề xuất và mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án ĐH Đa Nẵng từ nguồn ngân sách trung ương trong kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 để tập trung thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm sớm chấm dứt tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài, nhất là về phía tỉnh Quảng Nam.
Trước mắt ưu tiên bố trí vốn cho Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với tổng mức đầu 181 tỷ đồng từ nguồn dự phỏng 1.000 tỷ đồng trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, vướng mắc lớn nhất iện nay đối với các dự án đầu tư công là giải phóng mặt bằng, tái định cư. Hiện nay, Quốc hội đã giao Chính phủ tổ chức thí điểm tác dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án chung. Đà Nẵng đã mạnh dạn để làm trước dự án tái định cư
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của TP Đà Nẵng, nhất là quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ cho việc triển khai dự án, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư. Đối với những vấn đề còn tồn tại, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bên có liên quan cần tiếp tục quyết tâm, tập trung nguồn lực, tích cực phối hợp để sớm tháo gỡ các vướng mắc, nhanh chóng triển khai dự án Làng Đại học Đà Nẵng với định hướng là khu chức năng đặc thù, trung tâm giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực.