"Lắng nghe trẻ em nói"
Cuối tháng 6 vừa qua, HĐND TP Đà Nẵng tổ chức Chương trình gặp mặt trẻ em thành phố năm 2022 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, đối thoại với 120 đại biểu trẻ em nhằm giải quyết các ý kiến, nguyện vọng, đề xuất, bảo đảm chăm lo quyền và lợi ích chính đáng cho đội viên, thiếu nhi trên địa bàn.
Tại chương trình, các đại biểu trẻ em được khuyến khích trao đổi các ý kiến, kiến nghị về những vấn đề thiếu nhi quan tâm; đề xuất những hoạt động, chương trình, tham gia cải thiện các điều kiện sống và phát triển của trẻ em trên địa bàn.
Các hoạt động tăng cường sự tham gia đóng góp ý kiến của trẻ em vào các nội dung cụ thể cũng được các cấp bộ đội triển khai đồng loạt bằng nhiều hình thức đa dạng thông qua các chương trình tập huấn kỹ năng lãnh đạo, diễn đàn “Tiếng nói trẻ em”, chương trình đối thoại giữa trẻ em và cán bộ phụ trách thiếu nhi, phụ huynh và thầy cô giáo, các hoạt động viết thư, viết thiệp “Gửi người lớn”… được triển khai rộng rãi tại 100% các liên đội trên địa bàn thành phố nhằm mở rộng ở mức độ lớn nhất tính tiếp cận đến thiếu nhi cấp cơ sở.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng bày tỏ kiến nghị về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, hạn chế bạo lực học đường; giảm tải áp lực về thành tích học tập; hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội an toàn…
Ngày 16/8 vừa qua, Hội đồng Đội TP Đà Nẵng tổ chức Kỳ họp Hội đồng trẻ em thành phố lần thứ VII, giai đoạn 2021-2022 với chủ đề “Thiếu nhi Đà Nẵng với các hoạt động phát huy quyền tham gia của trẻ em”.
Kỳ họp tập trung thông tin đến các em về kết luận Chương trình Đối thoại trẻ em của HĐND thành phố, đóng góp các ý kiến đánh giá về thực trạng, kết quả đạt được... Bên cạnh đó, kỳ họp cũng ghi nhận kiến nghị, ý kiến của các em học sinh về những vấn đề: cần có thêm các buổi sinh hoạt ở quy mô rộng hơn để các em được trình bày ý kiến; cơ quan chức năng tuyên truyền pháp luật, không để trẻ em tuổi vị thành niên sử dụng chất kích thích...
Học sinh nêu ý kiến tại Kỳ họp Hội đồng trẻ em thành phố lần thứ VII. |
Qua 2 sự kiện trên có thể thấy rằng, đây là những kênh thông tin quan trọng, hữu ích để từ đây thành phố xây dựng các chính sách, chương trình hành động hướng đến mục tiêu trở thành thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em.
Chị Nguyễn Thị Anh Thảo – Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố cho biết, việc triển khai Đề án: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi giai đoạn 2018-2022”, cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” giai đoạn 2018-2022 đã tạo chuyển biến tích cực về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của thanh thiếu nhi.
Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội được cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên hưởng ứng tích cực. 1.668 tin tốt, câu chuyện đẹp đã được đăng tải, bên cạnh đó các hoạt động như: diễn đàn, toạ đàm nhằm định hướng giá trị đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi cũng được tổ chức thường xuyên...
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh được quan tâm, đáp ứng nhu cầu của thiếu niên, nhi đồng trong tình hình hiện nay. Các cấp bộ Đoàn đã thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, định hướng giá trị, hình thành nhân cách cho thiếu nhi thông qua các phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”.
Qua đó, tiếp tục giáo dục, định hướng cho thiếu nhi về đạo đức, lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, tình thầy trò, tình bạn. Các cấp bộ Đoàn, Đội chủ động triển khai thực hiện Luật Trẻ em, tổ chức các hoạt động tạo điều kiện cho thanh thiếu nhi tham gia đề xuất, kiến nghị xây dựng thành phố thân thiện, lành mạnh với trẻ em...
Xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em
Tại chương trình “Lắng nghe trẻ em”, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã đánh giá, các ý kiến phát biểu tại chương trình gặp mặt rất đa dạng, không chỉ phản ánh tâm tư, tình cảm của trẻ em, mà còn gợi mở những vấn đề về mặt chính sách cũng như yêu cầu đặt ra với việc phát triển thành phố.
Ông Triết cho rằng, đây là những vấn đề hết sức thực tế, cụ thể, được phản ánh từ chính các em. HĐND thành phố tiếp thu tất cả các ý kiến này, đồng thời đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành liên quan tiếp thu, có sự tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Đại diện lãnh đạo HĐND TP Đà Nẵng cũng đề nghị, các cấp, ngành và toàn xã hội cần có sự vào cuộc hơn nữa để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em phát triển toàn diện, nhất là trong môi trường giáo dục và gia đình.
Cùng với đó, đề nghị HĐND thành phố thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Trẻ em, Nghị quyết 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tiếp tục chủ trì, phối hợp các cơ quan đơn vị có trách nhiệm tổ chức thường xuyên việc gặp mặt, đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của các em; giám sát, ban hành các chính sách mang tính chất đặc thù, tạo điều kiện cho trẻ em được học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích...
TP Đà Nẵng đang xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em. |
Còn bà Ngô Thị Kim Yến – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, những năm qua, thành phố có nhiều chính sách đột phá, toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, trong đó có những chính sách về chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các chương trình, hoạt động do thành phố tổ chức, lồng ghép tạo điều kiện cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng.
“Đề nghị các em tiếp tục quan tâm, quan sát việc thực hiện các quyền trẻ em tại gia đình, nhà trường, cộng đồng để tiếp tục có những thông tin phản hồi, đề xuất cho thành phố, nhằm xây dựng Đà Nẵng thành phố thân thiện với trẻ em”, bà Yến nhấn mạnh.
“Sự lắng nghe và chia sẻ đầy tâm huyết của các cấp lãnh đạo đã tạo niềm tin cho thiếu nhi thành phố phát huy vai trò của các em. Thiếu nhi tiếp cận và làm quen với nhận thức các em không chỉ là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ mà còn có thể trở thành một nhân tố tích cực và chủ động trong việc cải thiện điều kiện sống và phát triển của trẻ em”, chị Nguyễn Thị Anh Thảo nhấn mạnh.