Trong lòng mẹ (Trích hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng):

Chủ nghĩa nhân đạo qua những trang văn ăm ắp tình mẫu tử

GD&TĐ - Là người sáng tác văn học, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà văn cũng không thể thiếu được một trái tim mãnh liệt, phong phú và sâu sắc. Trái tim ấy phải nhạy cảm hơn đời, phải có những cung bậc khác đời, dồi dào, giàu có hơn những người bình thường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Để rồi từ đó, tiếng nói nhân đạo, nhân văn sẽ chất chứa trong mỗi trang đời, với tất cả toàn bộ những tư tưởng quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị của con người như trí tuệ, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp.

Chủ nghĩa nhân đạo là vấn đề nội dung cốt yếu của các nhà văn, nghệ sĩ trong cảm hứng sáng tạo của nghệ thuật. Nguyên Hồng – một nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam cũng được biết đến là một con người với chủ nghĩa nhân đạo thống thiết. Nhà văn sinh ra ở thành phố Nam Định nhưng lớn lên ở một xóm lao động nghèo ở thành phố cảng Hải Phòng.

Ông sớm chứng kiến lớp đáy của xã hội với tất cả sự nhơ nhuốc và xấu xa, sự bần hàn, tối tăm của những lớp người cùng khổ như kẻ trộm cắp, lưu manh, những người phụ nữ phải làm nghề mạt hạng. Cuộc sống đã thôi thúc ông cầm bút, góp phần làm nên nhà văn Nguyên Hồng.

Nguyên Hồng được mệnh danh là nhà văn của phụ nữ và trẻ em, của lớp người cùng khổ, sống dưới đáy xã hội, bị khinh miệt và ruồng rẫy, là nhà văn của chủ nghĩa nhân đạo thống thiết. Những gì mà hơn 5.000 trang viết của ông để lại đều nói lên một chữ “tâm” – sự cảm thông, tình yêu thương, một tấm lòng bao giờ cũng hướng về những số kiếp bất hạnh trong cuộc đời.

Dù viết về thể loại nào, từ tiểu thuyết như “Bỉ vỏ”, “Cửa biển”…, truyện ngắn như “Linh hồn” hay hồi kí văn Nguyên Hồng đều lấp lánh chất trữ tình, nhiều khi dạt dào những cảm xúc rất mực chân thành. Mỗi chi tiết, mỗi con chữ đều rất khỏe mạnh bám riết lấy cuộc đời và tình người. Lối viết tiêu biểu của ông là để cảm xúc tràn ra trên trang giấy, không bao giờ tỉa gọt. Đó là văn của một trái tim nhạy cảm, dễ rung động đến cực điểm với những niềm hạnh phúc bình dị của con người.

Đoạn trích “Trong lòng mẹ” thuộc chương IV của cuốn hồi ký gồm 9 chương “Những ngày thơ ấu”. Cuốn hồi ký ra đời năm 1938, khi nhà văn tròn 20 tuổi. Tác phẩm kể về những kỷ niệm tuổi thơ dư thừa cay đắng, quá ít những kỷ niệm ngọt ngào. Chọn thể loại hồi ký, nhà văn đã ghi chép một cách chân thực những sự việc xảy ra trong quá khứ, một quá khứ mồn một hiện về như những thước phim rõ nét.

Hoàn cảnh tội nghiệp của chú bé Hồng

Nguyên Hồng sinh năm 1918, mất năm 1982. Ông sinh ra và lớn lên gắn với nhiều giai đoạn, biến cố của dân tộc. Đó là khi đất nước chìm trong đêm đen nô lệ, mất tên trên bản đồ thế giới, người Việt Nam không Tổ quốc, không quê hương, đời sống nhân dân khổ cực lầm than. Ông cũng chứng kiến Cách mạng tháng Tám thành công, đưa đất nước sang 1 kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do. Đó còn là 30 năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, thời kỳ Việt Nam cả máu và hoa…

Đoạn trích Trong lòng mẹ kể về cảnh ngộ tội nghiệp của chú bé Hồng. Sau khi bố mất, mẹ tha hương cầu thực, Hồng phải sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng nhà nội. Sắp đến ngày giỗ đầu của bố, mẹ ở Thanh Hóa vẫn chưa về, bà cô gọi Hồng đến bên cười và hỏi nhằm gieo rắc vào đầu óc Hồng những ý nghĩ cay độc để Hồng ruồng rẫy và khinh miệt người mẹ bất hạnh.

Nhận ra ý nghĩ ấy của bà cô, Hồng không đáp và vẫn dành cho mẹ tình yêu thương và sự kính trọng.

Một hôm sau buổi tan học, Hồng nhìn thấy một người giống mẹ ngồi trên xe kéo, Hồng chạy theo và gọi rối rít. Hồng đã được gặp lại mẹ, được ngồi vào lòng mẹ. Tất cả những khổ đau, tủi nhục đã quên hết, chỉ còn lại niềm hạnh phúc vô bờ. Sở dĩ có những tình cảm, những khao khát như thế bởi Hồng sinh ra là kết quả của cuộc hôn nhân miễn cưỡng, không tình yêu.

Em sớm mồ côi cha, người mẹ trẻ vì túng quẫn đành phải tha hương cầu thực. Hồng phải sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng nhà nội. Gần đến ngày giỗ của bố mà Hồng vẫn chưa nhận được tin tức của mẹ nhưng lại phải nghe những lời nói độc ác, cay nghiệt của bà cô về mẹ với tất cả sự xỉa xói, dè bỉu, khinh miệt.

Niềm hạnh phúc vô bờ

Bàn về vai trò, sứ mệnh của nhà văn trong sáng tạo văn học, Sê-khôp, văn hào lỗi lạc của nước Nga, đã khẳng định rằng: “Một nhà văn chân chính trước hết phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”. Nhận định ấy có lẽ cần bắt đầu từ quy luật lớn của nghệ sĩ nói chung và văn học nói riêng bởi nghệ thuật là tiếng nói riêng của tình cảm, cảm xúc. Tình cảm chứ không phải yếu tố nào khác, chính là ngọn nguồn sâu xa nhất của văn chương nghệ thuật, là nguồn sống của văn chương nghệ thuật. Không có tình cảm thì không thể có văn học chân chính.

Nhưng vượt lên hoàn cảnh ấy Hồng đã dành cho mẹ một tình yêu thương và lòng kính trọng vô bờ. Tình cảm ấy được bắt đầu từ trong cuộc nói chuyện với bà cô.

Bà mẹ của bé Hồng trong mắt bà cô và trong mắt người đời là một người phụ nữ hư hỏng, hèn hạ: Chưa đoạn tang chồng mà đã chửa đẻ với người khác, bỏ con cái lại cho họ hàng nhà nội đi tha hương cầu thực. Nhưng trong mắt bé Hồng, mẹ em có quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được tìm kiếm bến đỗ của đời mình.

Bà cô trong đoạn trích không chỉ là một nhân vật trong tác phẩm mà còn là hiện thân cho những quan niệm sai lầm, những cổ tục nằm trong ý nghĩ cay độc. Bà cô ấy đã bằng nụ cười rất kịch, rắp tâm tanh bẩn, đôi mắt long lanh chằm chặp nhìn xoáy vào nội tâm của đứa cháu tội nghiệp để dày vò và chia cắt tình mẫu tử.

Bà cô hồn nhiên kể cho cháu mình nghe về một người mẹ tội nghiệp của em mưu sinh ở Thanh Hóa. Bà cô đã bẫy cháu mình “Mày có muốn vào Thanh Hóa thăm mợ mày không?”.

Có đứa trẻ nào mà lại không muốn đến nơi có mẹ? Nhưng bằng ý nghĩ thường trực là bảo vệ mẹ Hồng đã trả lời không. Cô cười, em cũng cười. Nhưng khi bà cô nhắc đến hai từ em bé ngân nga, xoắn chặt lấy tâm can của cháu mình thì lúc đó Hồng không thể nào chống đỡ được nữa. Hồng bật khóc tức tưởi, nước mắt chan hòa, đầm đìa cả vạt áo. Bà cô cạn tình máu mủ ấy đã vui vẻ tái hiện lại hình ảnh người mẹ còm cõi, xác xơ, võ vàng, nhục nhã, nhặt nhạnh từng đồng xu, sống lê lết qua ngày.

Từ đó niềm cảm thương mẹ trong lòng chú bé đã biến thành ngọn lửa căm thù hừng hực trước những cổ tục đã đày đọa người mẹ bất hạnh: “Giá những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ thì tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Nhà văn đã hữu hình hóa những tư tưởng, những cổ tục vốn vô hình bằng những hình ảnh như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ - những thứ vô dụng cản trở chúng ta trên con đường đi tới.

Nhà văn cũng sử dụng hàng loạt động từ vồ, nghiến, cắn, nhai để diễn tả tột cùng lòng căm tức những cổ tục lạc hậu đã khiến người mẹ tội nghiệp chịu nhiều đau khổ, mất mát. Như vậy, mọi ý đồ, ý muốn của bà cô hoàn toàn thất bại. Sau cuộc trò chuyện, dường như Hồng càng yêu thương, kính trọng và cảm thông với mẹ hơn. Tình mẫu tử là một tình cảm bất diệt không ai có thể chia cắt được.

Không chỉ vậy, tình yêu thương mẹ còn được thể hiện qua tình huống truyện thứ hai trong đoạn trích. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ khi được trở về trong lòng mẹ. Ngay lúc đứa trẻ tội nghiệp ấy đau khổ, lòng mong mỏi, khát khao được gặp mẹ bùng lên hơn bao giờ hết người mẹ ấy đã trở về sau một buổi tan học. Chỉ nhìn thấy một vạt áo từ đằng sau của bóng người ngồi trên xe kéo, linh cảm của đứa trẻ khát khao tình mẫu tử đã mách bảo với Hồng đó chính là mẹ.

Cậu bé vừa hồi hộp, vừa lo âu, vừa sung sướng, vừa hy vọng, vừa nơm nớp tuyệt vọng. Cậu chạy rất nhanh, thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, cất tiếng gọi bối rối “Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!”.

Những tiếng gọi ấy bật ra từ lòng khát khao bấy lâu nay dồn nén lại. Đó là sự thổn thức của trái tim trẻ thơ bật thành tiếng gọi. Ở đây, nhà văn tiếp tục sử dụng biện pháp so sánh: “Và cái lần đó không những làm tôi thẹn mà còn tủi cực nữa, chẳng khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc”.

Đây là so sánh giả định: “cái nhầm lẫn” của nhân vật tôi về người ngồi trên xe kéo với “ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc”.

Chú bé Hồng là “người bộ hành ngã gục giữa sa mạc” kiệt sức, mất hết hy vọng, đã bị dồn đẩy vào bước đường cùng, còn “ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm” là người ngồi trên xe kéo, là người mẹ, là người tiếp thêm sự sống, niềm hạnh phúc vô bờ, mang đến hy vọng về tương lai cho bé Hồng.

Quả thật, nếu người ấy không phải là mẹ, đó là sự sụp đổ hoàn toàn, là nỗi đau quá sức chịu đựng bởi vì với mỗi đứa trẻ người mẹ chính là cội nguồn của sự sống và tình yêu thương, là dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm mà mỗi đứa con chính là người bộ hành sắp ngã gục giữa sa mạc cạn khô tình người.

Rõ ràng, chỉ bằng một vài dòng văn người đọc có thể cảm nhận được rõ hơn về cảnh ngộ, về tâm trạng, tâm hồn của nhân vật chính. Hồng là chú bé bất hạnh, tội nghiệp nhưng có một trái tim tràn đầy tình yêu thương, niềm tin lớn lao với người mẹ đã chịu nhiều đau đớn.

Trong trái tim của em luôn khát khao tình mẫu tử, luôn chứa chan hy vọng được gặp lại mẹ. Giờ đây “dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm” không còn là ảo ảnh mà đó là cảm giác hiện hữu mà người bộ hành sắp ngã gục giữa sa mạc đã được đáp đền.

Mẹ đã trở về, mẹ ngồi trên xe kéo, “xe đã chạy chầm chậm”. Hồng đã tận mắt nhìn thấy mẹ: Mẹ không còm cõi xơ xác, gương mặt mẹ tươi sáng, nước da mịn, gò má hồng. Một người mẹ đẹp đẽ, xinh tươi, vẹn nguyên nét xuân sắc như trong ý nghĩ của em.

Khi mẹ con đã gần đến độ: Đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngã vào cánh tay mẹ tôi: Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường. Để diễn tả chân thực và rõ nét những cảm xúc này, tác giả dùng nhiều động từ, tính từ đặc biệt là danh từ cùng trường nghĩa: Gương mặt, đôi mắt, nước da, gò má, đùi, đầu, cánh tay, da thịt, khuôn miệng… để miêu tả vô cùng sinh động niềm hạnh phúc lớn lao tưởng chừng lên tới đỉnh điểm của tình mẫu tử. Đây thực sự là cảm giác mơn man, ngây ngất, đắm say mà vô cùng dịu êm của quan hệ máu mủ, ruột thịt mà những đứa trẻ bất hạnh không dễ gì có được.

Nhà văn đã dựng lại một bức tranh tràn ngập ánh sáng, đường nét rõ ràng, hài hòa, trong đó có những sắc màu tươi tắn, thoang thoảng hương thơm. Đó là hình ảnh về một thế giới đang bừng nở, hồi sinh, một thế giới dịu dàng kỷ niệm, ăm ắp tình mẫu tử.

Sống trong thế giới ấy, chú bé Hồng bồng bềnh trôi trong cảm giác sung sướng, rạo rực, ru mình trong tình mẹ dịu êm, tự hào hãnh diện được đền đáp bởi đứa con hiếu thảo, yêu thương, tin yêu mẹ đến cháy lòng. Lúc đó Hồng có cảm giác mình đang bé lại để làm nũng mẹ, được mẹ vuốt ve, được mẹ chiều chuộng…

Tình mẹ như một liều thuốc thần tiên và kỳ diệu làm sống lại tất cả những cảm giác ngọt ngào nhất tưởng như dã mất đi. Tình mẹ chữa lành mọi vết thương lòng. Mọi điều xấu xa, sai lệch mà bà cô gieo vào đầu óc Hồng đã tan biến hết.

Chỉ còn lại là niềm hạnh phúc giản dị mà thiêng liêng, hiện thực mà đầy lãng mạn, mơ mộng. Đây là bài ca bất diệt về tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng. Càng về cuối đoạn trích, ngôn ngữ văn chương càng linh hoạt, sống động, tình cảm người viết càng dạt dào.

Đúng là nhà văn đang sống lại những kỷ niệm tuổi thơ để tâm tình, chia sẻ với bạn đọc, cùng bạn đọc thấm thía những vui buồn, đắng cay, ngọt ngào của lòng mẹ yêu con, của lòng con tin mẹ.

Có thể khẳng định rằng, chủ nghĩa nhân đạo thống thiết đã được thể hiện trọn vẹn qua một đoạn trích ngắn gọn trong một tác phẩm viết về tình mẫu tử - một tình cảm thiêng liêng, nhân bản nhất của con người. Tình cảm ấy như một lẽ tự nhiên đi vào văn Nguyên Hồng và trở thành suối nguồn không bao giờ vơi cạn bằng cá tính sáng tạo của mình, bằng tấm lòng của mình.

Để chuyển tải tình cảm nặng sâu ấy đoạn văn có sự kết hợp nhuần nhuyễn của các phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả, biểu cảm và bình luận. Đó là giọng văn thiết tha, sôi nổi nhiều lúc trầm lắng, suy tư nhưng tất cả đều dạt dào cảm xúc, ngôn ngữ giàu chất trữ tình tinh tế, chọn lọc, diễn tả được tận cùng mọi cảm xúc… Ngôi kể thứ nhất diễn tả rõ nét tinh tế tâm lý nhân vật – một chú bé bất hạnh trong hoàn cảnh éo le.

Với Nguyên Hồng cuộc sống có thể được bắt đầu bằng việc yêu thương gương mặt hiền hòa của mẹ. Chính tình mẹ và chủ nghĩa nhân đạo thống thiết đã giúp nhà văn Nguyên Hồng sống một cuộc đời thật ý nghĩa và lan tỏa những điều tốt đẹp đến tất cả mỗi chúng ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.