Nhà văn Lê Hoài Nam: Run tay khi viết về mặt trái của tấm huy chương

GD&TĐ - Nhà văn Lê Hoài Nam - 16 tuổi xung phong vào quân ngũ, 27 tuổi có tác phẩm đăng báo.

Nhà văn Lê Hoài Nam (thứ 3 từ phải sang) và các cựu chiến binh.
Nhà văn Lê Hoài Nam (thứ 3 từ phải sang) và các cựu chiến binh.

Đến nay, ở độ tuổi ngoài 60, ông là tác giả của cả trăm truyện ngắn cùng những cuốn tiểu thuyết về chiến tranh không kém phần dữ dội và chất chứa băn khoăn, trăn trở trước mặt trái của tấm huy chương. “Thú thật, khi viết những trang văn ấy chính tôi cũng run tay...”, nhà văn Lê Hoài Nam chia sẻ như vậy khi trò chuyện cùng Báo Giáo dục và Thời đại.

Có trách nhiệm với ngòi bút

- Có khi nào văn chương gây “khó dễ” cho một người lính viết văn luôn hướng đến mặt trái của tấm huy chương như ông không?

Nhà văn Lê Hoài Nam: Nếu là một người cầm bút đúng nghĩa với hai chữ “nhà văn” thì không chỉ chọn những gì dễ dàng, suôn sẻ để viết, bởi cuộc sống đâu phải lúc nào cũng đi theo một hướng thuận lợi, nhất là trong chiến tranh trước sự sống, cái chết, con người có thể bộc lộ nhiều cung bậc của tình cảm, tính cách.

Trong các tác phẩm của tôi có truyện “Cuộc gặp muộn mằn” viết về những người lính trẻ lần đầu ra trận còn bỡ ngỡ, biết người tiểu đội trưởng của mình hy sinh ở địa điểm ấy, hôm sau đi tìm, nhận thấy xác anh ấy đã bốc mùi trong cái hầm bị sập, khiếp sợ không dám lôi lên, lấy xẻng đào đất vùi đi.

Khi về đơn vị sợ trách nhiệm, đành nói dối là không tìm thấy. Cấp trên nghi ngờ người tiểu đội trưởng xấu số ấy đã chiêu hồi. Tin xấu đồn về quê. Vợ và các con anh ấy bị coi là thân nhân kẻ phản bội.

Họ phải chịu nhiều thua thiệt: Con gái tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng không được đi dạy, đứa con trai tuổi vị thành niên không tin người cha mình là kẻ hèn nhát, đã bỏ nhà đi tìm và không thấy trở về.

Nhiều năm sau, người lính bỏ rơi đồng đội đã trưởng thành, nghĩ lại và ân hận, trong một cuộc hội ngộ bạn bè cùng đơn vị cũ, anh ta mới tiết lộ, rồi tìm đến nhà “kẻ chiêu hồi” xin lỗi vợ con anh ấy.

- Và cả những “sần sùi” trong tiểu thuyết “Hạc hồng” nữa, thưa ông?

Đúng thế, trong tiểu thuyết “Hạc hồng”, tôi có viết: Sau hiệp định Paris năm 1973, những người tù binh của ta bị giam ở nhà tù Phú Quốc được trao trả. Đơn vị an dưỡng đón tiếp họ rất tưng bừng. Những băng rôn, khẩu hiệu gắn trên hông những chiếc xe đón họ và trên cổng đơn vị đều có dòng chữ: “Nhiệt liệt chào mừng đoàn quân chiến thắng trở về”. Nhưng không khí ấm áp ấy nhanh chóng qua đi, thay bằng không khí hỏi cung nặng nề.

Tất cả những tù binh đều phải một mình ngồi viết tờ khai quá trình từ lúc bị bắt cho đến thời gian bị giam trong tù có bị địch tra tấn không? Khi bị tra tấn có khai báo những bí mật của đơn vị không? Có chiêu hồi không? Không những khai về bản thân mà còn “phát hiện” những hành tung hèn nhát, phản bội của những tù binh khác nữa.

Thế là chỉ trong cái ngày đầu tiên viết tờ khai ấy trong đơn vị đã có dăm bảy tù binh tự sát. Người tự sát bằng cách dùng dây võng treo cổ lên cây. Người thì dùng lưỡi lam tự rạch bụng lôi ruột gan ra ngoài.

Người chèo thuyền nan ra cánh đồng ngập lụt lấy dao găm đâm thủng thuyền trẫm mình… Trong đơn vị có một người nữ tù binh vốn là chiến sĩ quân y, cô bị thám báo bắt, ba tên thám báo thay nhau hãm hiếp rồi chúng tống một quả đạn M79 vào cửa mình của cô khiến cô chết ngất. Cô được người bác sĩ “phía bên kia” chữa chạy cứu sống, rồi bị đưa ra Phú Quốc giam trong tù.

Chứng kiến những người tù binh tự vẫn thê thảm, người nữ tù binh này cương quyết không viết tờ khai. Khi chính trị viên hỏi tại sao cô không viết, cô trả lời: “Vì tôi không muốn trong đơn vị có thêm những người tự sát”. Thế là cô bị nếm đủ đòn trù dập. Họ không cho cô đi đại học quân y theo tiêu chuẩn ưu tiên.

Cô nhận giấy xuất ngũ về quê. Nhưng vì quá duyên nợ với ngành y, cô tự ôn thi vào trường đại học y khoa như bao nhiêu học sinh phổ thông khác. Mặc dù là một sinh viên giỏi nhưng khi ra trường về làm việc ở bệnh viện tỉnh, cô không được xếp vào khoa – phòng nào. Người ta phân công cô trông coi nhà xác của bệnh viện, một cái chân chẳng phù hợp với phái nữ, cũng không cần đến trình độ chuyên môn của một bác sĩ.

Suốt 10 năm, cô làm cái việc trông coi và khâm liệm xác chết một cách âm thầm, mẫn cán. Rồi đến một ngày không thể chịu nổi cái vị trí trái khoáy dành cho mình, lại biết mình không còn khả năng có con, cô quyết định xin về hưu trước tuổi rồi trở thành một nữ tu của ngôi đền thánh ở nông thôn.

Tại đây, người bác sĩ cựu quân nhân vốn tên Hoa ấy đã mang một cái biệt danh Xơ Hòa để không ai biết tung tích của mình. Kể từ đây, cô mới bắt đầu phát huy tay nghề của một bác sĩ giỏi giang: Cô chữa bệnh cho rất nhiều bệnh nhân đến điều trị ở trạm xá của nhà thờ…

Thú thật, khi viết những trang văn ấy chính tôi cũng run tay. Nhưng khi tác phẩm được xuất bản, không thấy ai phản ứng gì, không những thế còn được khen là có cách nhìn cách viết mới mẻ, không giống ai. Có lẽ bởi người ta nhận thấy tôi viết chân thành, có trách nhiệm với ngòi bút, chứ không phải mang động cơ như Erotat “đốt đền để được nổi tiếng”chăng!

Đừng xáo xào tài liệu chiến tranh

Một số tác phẩm viết về đề tài chiến tranh của nhà văn Lê Hoài Nam.

Một số tác phẩm viết về đề tài chiến tranh của nhà văn Lê Hoài Nam.

- Có lo ngại rằng, dần dần, thế hệ những nhà văn trực tiếp tham gia cuộc chiến sẽ không còn nữa thì mảng văn học về đề tài này sẽ ít được khai thác hoặc nếu có khai thác thì góc nhìn không đạt được độ chân thực như người trong cuộc. Ông thấy sao?

Tôi có đọc một số tác phẩm viết về chiến tranh của các nhà văn trẻ. Tôi thấy thú vị ở sự mới lạ, những sáng tạo, cách tân về nghệ thuật của họ. Đó cũng là những đóng góp cho mảng văn học về chiến tranh thêm phong phú, rất đáng ghi nhận. Tuy thế, sự lo ngại như câu hỏi đặt ra là hoàn toàn có cơ sở. Tôi nghĩ rằng, không phải nhà văn cứ phải cầm súng ra trận mới viết được tác phẩm về chiến tranh.

Tài liệu về những cuộc chiến tranh ở nước ta không thiếu, nhất là những trang nhật ký, hồi ký của các cựu chiến binh thì khá nhiều. Đọc, nghiên cứu kỹ về những tài liệu ấy có thể hình dung ra bộ mặt những cuộc chiến tranh, từ đó mà tư duy ra tác phẩm văn học.

Nhưng ở ta, không biết căn nguyên từ đâu mà ngày nay đang mắc một vấn nạn: lười đọc sách văn học. Hầu như cái vấn nạn  này ngày càng trở thành một căn bệnh trầm kha khó chữa, nó lây lan đến tất cả mọi người, mọi giới, kể cả giới nhà văn.

Người viết văn đã không kinh qua thực tiễn chiến tranh mà lại lười đọc, ngại nghiên cứu tài liệu, chỉ viết bằng trí tưởng tượng hoặc xào xáo tác phẩm nước ngoài thì làm sao có tác phẩm hay về chiến tranh Việt Nam?

- Lâu nay, giới phê bình vẫn đặt ra câu hỏi: Các lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhất là lĩnh vực văn học còn “nợ” đất nước, nhân dân những tác phẩm xứng tầm thời đại. Suy nghĩ của ông về vấn đề này?

Tôi cho rằng, ý kiến nhận định này khá phiến diện. Có thể bắt đầu là một người nói, rồi người ta nói theo nhau thôi.

Có lẽ những người đó quan niệm rằng, “tác phẩm xứng tầm thời đại” phải là những tiểu thuyết dày cộp, mô tả cuộc chiến tranh ở tầm vĩ mô, có những nhân vật tướng tá lừng danh chỉ huy (kiểu như tướng Kutuzov chỉ huy trận Waterloo trong tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” đồ sộ), bên dưới là hàng trăm sĩ quan binh lính với đủ loại vũ khí, làm nên những chiến thắng lừng lẫy địa cầu chăng? Nếu lấy tiêu chí ấy làm thước đo thì quả thật, văn học Việt Nam hiện đại còn thiếu, còn “mắc nợ” thật.

Nhưng tôi lại có quan niệm khác. Cái thời mà Lev Nikolaevich Tolstoy viết “Chiến tranh và hòa bình” là thời của văn học hiện thực cổ điển; cái thời Mikhail Aleksandrovich Sholokhov viết “Sông Đông êm đềm” là thời giao thoa giữa văn học hiện thực cổ điển và văn học hiện đại; cái thời mà Erich Maria Remarque viết “Một thời để yêu và một thời để chết” là thời của văn học hiện đại. Nhưng cả ba thời đó nền văn minh của loài người chưa sản sinh ra những phương tiện truyền thông tiện lợi như bây giờ.

Con người thưởng thức văn học nghệ thuật chủ yếu dựa vào sách, vào sân khấu. Bởi vậy, Lev Tolstoy mô tả một gương mặt của nhân vật mà dài tới hàng trang sách, bạn đọc vẫn “tiêu hóa” được. Trên sân khấu, các nhân vật đối thoại với nhau bằng những câu loằng ngoằng, dài lê thê, khán giả vẫn thích.

Còn bây giờ mà viết như thế, diễn như thế sẽ không có bạn đọc, không có khán giả xem. Thời công nghệ số hiện nay con người sống tốc độ, áp lực công việc lớn, lại có nhiều phương tiện thưởng thức nghệ thuật, nhà văn không thể viết dài, không được phép có những trang “độn” nhàm tẻ, nhạt nhẽo.

Phải lấy việc viết cô đọng, “ý tại ngôn ngoại”, tình tiết, chi tiết đậm đặc, giàu tính biểu tượng làm đầu. Cho nên nếu đòi hỏi tác phẩm “xứng tầm” phải dầy hàng nghìn trang, với những nhân vật tai to mặt lớn, với những trận đánh hoành tráng, bề thế là không khả dụng.

- Ông có thể nêu một vài dẫn chứng cụ thể về vấn đề này từ thực tế đời sống văn học hôm nay?

Dịp áp Tết năm 2021, tôi có viết và gửi báo Văn nghệ đăng bài “Giông gió, hiểm họa và văn chương”, kể về những ngày đi tránh dịch Covid ở quê Nam Định, tôi có đọc được mấy cuốn sách hay, trong đó có một cuốn tiểu thuyết Việt Nam mang tiêu đề “Được sống và kể lại” của Trần Luân Tín. Tác giả này chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Anh vốn là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật, năm 1972 tình nguyện nhập ngũ, hành quân vào chiến trường Quảng Trị, nếm trải 81 ngày đêm chiến dịch thành cổ. Trong tiểu thuyết của anh không mô tả toàn cảnh rộng lớn của chiến trường Quảng Trị, cũng chẳng có nhân vật tướng tá nào. Anh chỉ viết về cái tiểu đội thông tin hữu tuyến của mình.

Phạm vi hoạt động của tiểu đội cũng rất hẹp: Họ chỉ có nhiệm vụ bơi đi bơi lại trên sông Thạch Hãn để nối dây, giữ liên lạc giữa những đơn vị đang chiến đấu trong thành cổ với sở chỉ huy mặt trận ở bên này sông. Quãng sông ấy mỗi ngày phải hứng chịu hàng trăm tấn bom và đạn pháo kích, dây điện thoại đứt liên tục.

Cái tiểu đội với dăm bảy con người ấy hầu như ngày nào cũng phải bơi đi bơi về qua sông nhiều lần. Dưới những làn bom pháo dày đặc ấy họ đã nghĩ về đất nước, quê hương, người thân thế nào, ăn uống ra sao, yêu ghét thế nào, và đáng nói hơn: Có bận chuẩn bị bơi qua sông họ linh cảm mình sẽ hy sinh nhưng quyết không thể bỏ nhiệm vụ.

Họ đã lặng lẽ góp máu xương của mình vào chiến thắng. Thông qua mấy người lính gần như vô danh ấy, ta có thể nhìn thấy tầm vóc cả một cuộc chiến tranh ở Việt Nam nó khốc liệt ghê gớm đến nhường nào, những người lính bé nhỏ kia vĩ đại biết bao nhiêu!

Tiếp đến những ngày hè năm nay, tiếp tục tránh dịch Covid tại nhà, tôi lại đọc được cuốn sách hay về chiến tranh, có tên là “Mùa chính chiến ấy” của tác giả Đoàn Tuấn. Cuốn sách đề thể loại là “hồi ký” vì tác giả viết người thật việc thật, về cái trung đoàn của anh suốt 5 năm (1979 - 1983) chiến đấu ở Campuchia, góp phần đập tan chế độ diệt chủng Pônpôt – Iêngxari.

Tôi đoán rằng, khi còn đang trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, Đoàn Tuấn chỉ ghi nhanh dưới dạng “nhật ký” những gì mà anh thấy cần phải ghi lại, để rồi hơn 30 năm sau, anh mới mang tập nhật ký viết thành hồi ký.

Đã có một độ lùi cần thiết về thời gian cùng với sự trải đời và một kiến văn khá vững nên anh biết chọn những gì có giá trị văn học cần viết. Với giọng văn rất lính, chất liệu ngồn ngộn, sự kiện nào cũng hay, nhân vật nào cũng ấn tượng, ám ảnh.

Những người chưa hiểu lắm về cuộc chiến ở Campuchia mà đọc cuốn sách này hẳn sẽ rất kinh ngạc bởi không hiểu vì sao ở cái đất nước lắm chùa chiền, chỗ nào cũng thấy thờ đức Phật như Campuchia mà lại nảy nòi ra một chế độ man rợ, có những cách giết người quái thai đến thế? Họ cũng sẽ hỏi chẳng hiểu từ đâu ra mà có nhiều loại vũ khí giết người “sành điệu” đến thế? Chỉ riêng mìn thôi đã có hàng trăm loại. Mỗi loại mang một công năng giết người khác nhau. Mìn rải dày đặc trên các lối đi trong rừng, trên cả đường phum, sóc, gây biết bao cái chết đau thương cho những người lính tình nguyện Việt Nam.

Tác giả Đoàn Tuấn từng là lính thông tin tiểu đoàn nhưng anh thường phải đeo máy vô tuyến “cắm” xuống đại đội, trực tiếp đối diện với họng súng của địch. Khi được phụ trách chính sách của trung đoàn thì anh lại thường xuyên phải đến tận nơi nhận mặt những liệt sĩ hy sinh, làm thủ tục báo tử, chôn cất.

Trong tác phẩm, anh ghi lại khoảng hơn 30 trường hợp đồng đội hy sinh. Mỗi người chết một kiểu. Có người chết tức tưởi. Có người chết từ từ. Chủ yếu chết vì vướng mìn. Mìn có pha chất độc cùng thuốc nổ bên trong nên người lính nào đã dính mìn hầu như không cứu được. Tác giả mô tả cái đói, cái khát trong mùa khô nơi biên giới Campuchia – Thái Lan mới khủng khiếp làm sao. Những người lính tình nguyện đói đến nỗi phải bắn cả chim kền kền mà ăn.

Loài chim này chuyên ăn xác thối, chúng ăn cả những xác liệt sĩ hy sinh ở trong rừng mà đồng đội chưa tìm thấy. Thịt kền kền hôi tanh chỉ ngửi mùi đã lợm giọng, muốn nôn mửa. Đói đi liền với khát. Khát đến nỗi tê cứng người, không bước đi được, người này phải vạch quần tè ra cho người kia uống… Đoàn Tuấn kể về điều gì cũng chân thực, hấp dẫn, khó quên.

Đọc chương này lại muốn đọc tiếp chương kia. Tuy tác giả cho in ngoài bìa là hồi ký nhưng nó xứng đáng được gọi là một cuốn tiểu thuyết, một tiểu thuyết hay về chiến tranh. Theo thiển ý của tôi, “Mùa chính chiến ấy”, “Được sống và kể lại” là những tác phẩm rất “xứng tầm thời đại” như người ta mong muốn. Chỉ có điều không may là những tác phẩm này xuất bản vào cái thời mà số lượng bạn đọc văn chương không còn nhiều nên sự lan tỏa rất hạn hẹp.

Đọc những tác phẩm này tôi lại nhớ đến một vài tác phẩm được gọi là viết về chiến tranh xuất bản đầu những năm 90, được giải thưởng rồi được đánh giả, tung hô rất ồn ào. Nhưng tôi đọc thì lại thấy chất liệu chiến tranh ở trong đó mỏng mảnh, hời hợt, đôi chỗ còn méo mó, cốt truyện và nhân vật thì ảnh hưởng tiểu thuyết chiến tranh của nước ngoài.

Hẳn vì nó ra đời vào thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới mở cửa, người Việt khi ấy mới có điều kiện nhìn sang Âu Mỹ thấy cái gì cũng mới lạ, hay ho thì nảy sinh tư tưởng vọng ngoại cũng là dễ hiểu, nên những tác phẩm kia nghiễm nhiên được chấp nhận, ngợi ca.

- Ông có những dự định gì về sáng tác trong thời gian tới? Là tiểu thuyết lịch sử hay chiến tranh? Ông sẽ làm mới mình như thế nào ở những dự án này?

Tôi vẫn còn nhiều dự định sáng tác. Trong đầu tôi bây giờ lúc nào cũng lảng vảng một hai cái cốt tiểu thuyết, có cuốn là đề tài hiện đại, có cuốn là đề tài lịch sử. Nhưng tôi chỉ có thể ngồi vào bàn gõ ngón tay lên máy tính khi đã thực sự thấy hình hài cuốn tiểu thuyết ấy đã hiện lên mà không bị lặp lại những cuốn trước đó. Nội dung càng khó viết thì càng hấp dẫn, vẫy gọi tôi dấn thân cho văn học.

- Trân trọng cảm ơn nhà văn!

Nhà văn Lê Hoài Nam sinh năm 1953 tại Nghĩa Hưng, Nam Định. Là một người lính viết văn, nên những tác phẩm của ông hầu như viết về đề tài chiến tranh như: “Thung lũng sỏi” (Suối cạn), “Chuyện rồi sẽ kể”, “Cuộc gặp muộn mằn”, “Hàng rào kẽm gai”, “Sói con”, “Tình yêu vỗ cánh”, “Xạ thủ”, “Cây hoa lạ ở góc vườn”… (truyện ngắn), “Những đêm huyền ảo”, “Hành trình của người lính”... (truyện dài) và tiểu thuyết “Hạc hồng”. Gần đây, ông còn “trình làng” hai cuốn tiểu thuyết lịch sử: “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” và “Cuộc đời xa khuất” gây sự chú ý trên văn đàn nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.