Bốn năm triển khai Chương trình GDPT 2018 đã tạo chuyển biến rõ nét: Cơ sở vật chất ngày càng được quan tâm đầu tư; mạng lưới trường, lớp được củng cố, đi vào ổn định; môi trường, điều kiện học tập của học sinh được cải thiện; trình độ cán bộ quản lý, giáo viên và chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao.
Công tác quản lý, quản trị trường học thay đổi theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Đổi mới và sử dụng hiệu quả phương pháp dạy học được chú trọng, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực.
Năm học 2024 - 2025 là dấu mốc Chương trình 2018 phủ hết các lớp phổ thông, chuẩn bị đánh giá cả chu trình đổi mới, cũng là năm đầu tiên học sinh lớp 5, lớp 9, lớp 12 học chương trình, sách giáo khoa mới. Với kết quả trên, việc triển khai so với các năm học trước thuận lợi hơn. Các địa phương, nhà trường đã có kinh nghiệm thực tiễn và sự chuẩn bị đủ dài nên hết sức chủ động. Đến thời điểm này, cơ bản các trường đã có kế hoạch bố trí đội ngũ, cơ sở vật chất để triển khai chương trình mới ở các lớp cuối cấp.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn thẳng vào thực tế rằng có những khó khăn suốt nhiều năm qua chưa, hoặc khắc phục chưa triệt để. Điều kiện thực hiện chương trình, đặc biệt 2 yếu tố cốt lõi là giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn là nỗi trăn trở của nhà trường, địa phương. Nhiều nơi còn thiếu giáo viên; chậm trễ, vướng mắc trong mua sắm đồ dùng dạy học; có địa phương thời điểm này chưa có đồ dùng dạy học tối thiểu theo quy định cả ở lớp 10, lớp 11 và lớp 12; một số nơi chưa in ấn, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương…
Thực hiện đổi mới giáo dục, nhất là giai đoạn thực hiện chương trình mới cần nhiều nguồn lực để triển khai các hoạt động (đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu…) nhưng chưa được ưu tiên nguồn lực tương ứng. Trong khi đổi mới đi vào chiều sâu càng yêu cầu cao hơn về điều kiện bảo đảm chất lượng.
Để 3 lớp cuối cấp có khởi đầu tốt khi triển khai chương trình mới cần sự chuẩn bị chủ động, trách nhiệm, quyết liệt của chính quyền địa phương, ngành Giáo dục, nhà trường. Điều kiện quyết định thành công chính là bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Do đó, công tác chuẩn bị các điều kiện này cần chủ động thực hiện sớm, có kế hoạch cụ thể gắn với lộ trình thay sách giáo khoa; phân cấp trách nhiệm rõ ràng từng ngành, địa phương thực hiện.
Quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” cần hiện thực hoá bằng những chính sách cụ thể, có hiệu lực ở các phương diện đời sống, huy động sự vào cuộc thực chất của tất cả Bộ, ban, ngành, địa phương.
Cũng cần lưu ý thêm, điểm khác biệt là năm học tới, việc lựa chọn sách giáo khoa sẽ theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT. Theo đó, nhà trường được giao quyền chọn sách - quyền lớn hơn cũng kéo theo trách nhiệm nặng nề. Nghiên cứu thật kỹ Thông tư 27 là yêu cầu bắt buộc với cán bộ, giáo viên nhà trường. Bộ GD&ĐT đã sớm thẩm định, công bố danh mục sách giáo khoa môn học, hoạt động giáo dục lớp 5, lớp 9, lớp 12. Việc còn lại là của nhà xuất bản, sớm cung ứng sách mẫu để giáo viên nghiên cứu, lựa chọn.