Chủ động “tạo ra” người học

GD&TĐ - Để trường ĐH đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời (HTSĐ) của người lớn, theo GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐH Thái Nguyên, phải thay đổi nhận thức của trường ĐH về sứ mạng góp phần xây dựng “xã hội học tập”.

Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet

Đây là giải pháp điều kiện quan trọng cùng với việc thiết kế lại mô hình trường theo hướng mở, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải được thiết kế linh hoạt, ngắn hạn và các hoạt động dịch vụ GD trong và ngoài nhà trường phải có sức hấp dẫn đối với người lớn: Vừa sức, linh hoạt, tiết kiệm chi phí, hiệu quả và thường xuyên…

Không thể trông chờ vào tuyển sinh định kỳ

Trường ĐH cần chủ động “tạo ra” người học. Đây là quan niệm mới về chức năng của trường ĐH được GS.TS Phạm Hồng Quang đưa ra trong một hội thảo về vai trò của trường ĐH với việc HTSĐ của người lớn của Hội Khuyến học Việt Nam. Trên quan điểm của Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã xác định: “Đổi mới hệ thống GD theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức GD, đào tạo…” (quan điểm 5) và “Hoàn thiện hệ thống GD quốc dân theo hướng hệ thống GD mở, HTSĐ và xây dựng xã hội học tập” (nhiệm vụ giải pháp 4).

GS.TS Phạm Hồng Quang

Đây là định hướng quan trọng để thiết kế và tổ chức hoạt động GD nói chung và GD ĐH cho hiện tại và tương lai. Đồng thời, với thực tế là 3 năm nay, do nhiều nguyên nhân nên tỉ lệ sinh viên đăng kí tham gia GD ĐH giảm mạnh, chỉ còn hơn 50% so với giai đoạn trước.

  Vai trò “dẫn đường” phải được xem trọng hơn cùng với vai trò “đáp ứng” thị trường lao động. Điều quan trọng là trong xã hội học tập, việc học hỏi lẫn nhau là quan trọng, “học thầy không tày học bạn, giảng viên trường ĐH phải là người “sẵn sàng” làm thầy người khác và sẵn sàng làm trò người khác” nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.

Do vậy, theo GS.TS Phạm Hồng Quang, các trường ĐH nếu chỉ trông chờ vào tuyển sinh định kì sẽ là sự thất bại. Vấn đề đặt ra là: Cần chủ động “tạo ra” người học. Phải thay đổi cách tuyển sinh chính quy từ mô hình theo đợt, chỉ cho 1 đối tượng là người tốt nghiệp trung học sang nhiều phương án khác như bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo từ xa, liên thông, vừa làm vừa học với yêu cầu thật sự chất lượng sẽ là giải pháp tối ưu. Như thế, chính là tạo cơ hội cho GD người lớn phát triển; người học không mất đi cơ hội thụ hưởng GD ĐH và nhu cầu HTSĐ của cộng đồng dân cư sẽ được đáp ứng.

 

GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng từ lâu nay, một khía cạnh rất quan trọng của GD ĐH là bồi dưỡng, thúc đẩy nhu cầu học tập với trách nhiệm cung cấp dịch vụ GD công cho xã hội và cộng đồng dân cư chưa được xem xét đúng vai trò; Ở đây có 2 mặt của 1 vấn đề: Xã hội vẫn chưa chấp nhận hoàn toàn những người “đi đường vòng” đến với GD ĐH; hai là bản thân các mô hình GD ngoài chính quy chưa làm cho xã hội yên tâm về chất lượng. Giải pháp GS.TS Phạm Hồng Quang đưa ra ở đây là: Phải thiết kế mô hình hoạt động của GD ĐH theo hướng mở, coi trọng chức năng phục vụ cộng đồng.

Rộng cửa đón người học

Trường ĐH phải thiết kế các chương trình đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng năng lực cho mọi thành phần, đối tượng - Đây là giải pháp căn cốt nhằm thu hút người học đến với trường ĐH thay vì “nhập học” sinh viên với số lượng cố định vào mùa tuyển sinh. Đối tượng sẽ rất mở bởi nội dung học tập xuất phát từ nhu cầu hành dụng của chính họ;

Giải pháp tiếp theo là phải thiết kế lại các hoạt động dịch vụ GD trong và ngoài nhà trường. Sức hấp dẫn của GD ĐH đối với người lớn chính là ở chỗ: Vừa sức, linh hoạt về thời gian, tiết kiệm chi phí, hiệu quả và thường xuyên… Do vậy, các hoạt động GD có tính chất dịch vụ cần được tổ chức trong và ngoài trường rất đa dạng theo nguyên tắc: Phục vụ cộng đồng, quảng bá thương hiệu và tăng dần nguồn thu.

Cuối cùng là phải thay đổi nhận thức của trường ĐH về sứ mạng góp phần xây dựng “xã hội học tập”. Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, đây là giải pháp điều kiện quan trọng, bởi nhiều năm qua, thái độ của các giảng viên ĐH chưa hẳn đã để tâm nhiều đến GD người lớn hoặc có thái độ xem nhẹ các hoạt động phục vụ cộng đồng (chí ít là cư dân xung quanh nhà trường). Do vậy cùng với chức năng “phục vụ, đáp ứng nhu cầu xã hội”, thì các trường cần chủ động tìm đến cộng đồng, mở rộng cửa đón người học (chứ không chỉ là học sinh và sinh viên), tạo cơ hội để người học quay lại trường nhiều lần; chủ động tạo ra nhu cầu học tập cho mọi người, kích thích việc học kĩ năng nghề, tạo ra tiêu chuẩn ngày càng cao cho doanh nghiệp (có tính chất dự báo về yêu cầu nghề nghiệp) để đưa trước vào chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chương trình…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.