Quốc tế hóa – động lực đổi mới giáo dục đại học

GD&TĐ - Quốc tế hóa vừa là mục tiêu nhưng cũng là động lực và biện pháp để Việt Nam có thể đổi mới nền giáo dục. Đây là nhận thức cần được quán triệt sâu rộng đến toàn bộ hệ thống giáo dục cũng như tất cả giáo viên, sinh viên. Đó là quan điểm của GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội).

Nhiều trường đại học của Việt Nam đang chủ động kết nối đào tạo và trao đổi sinh viên với các trường ĐH lớn trong khu vực và thế giới
Nhiều trường đại học của Việt Nam đang chủ động kết nối đào tạo và trao đổi sinh viên với các trường ĐH lớn trong khu vực và thế giới

Quốc tế hóa trong giáo dục ĐH: Thuận lợi và thách thức

Nhắc tới những cơ hội và thách thức mà sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến, trong đó có thách thức về đào tạo nguồn nhân lực, GS.TS Phạm Quang Minh khẳng định: Đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam phải chú trọng đến hội nhập quốc tế bởi đây là một xu hướng tất yếu mang tính toàn cầu. Toàn cầu hóa giáo dục, trong đó quan trọng nhất là giáo dục ĐH là một vấn đề thiết yếu và sống còn trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia.

Theo GS.TS Phạm Quang Minh, nhờ có toàn cầu hóa giáo dục, sự ra đời của các trường ĐH đa quốc gia và các mạng lưới các trường ĐH dần hình thành, khiến việc phổ biến những chương trình đào tạo mới và nhiều cải cách khác nhanh chóng trở thành hiện thực, đáp ứng nhu cầu tức thời của những nước mà hệ thống giáo dục ĐH chưa có đủ nhà cung cấp tương xứng, từ đó giúp phát triển về cả chất và lượng với người học.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang xem xét một loạt các đề nghị về việc xem giáo dục ĐH như một lĩnh vực thương mại nhằm bảo đảm việc xuất nhập khẩu giáo dục ĐH tuân theo những luật lệ phức tạp, những quy định pháp quy theo nghị định thư WTO và bảo đảm cho nó gần như không bị hạn chế. Sáng kiến của WTO đặt ra những mối đe dọa nghiêm trọng với lý tưởng truyền thống của trường ĐH, cũng như với quyền kiểm soát giáo dục của quốc gia, thậm chí của các trường, vì vậy rất cần được cân nhắc thận trọng. Thế giới đang ở giữa cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục ĐH, một cuộc cách mạng có khả năng làm biến đổi sâu sắc những hiểu biết của chúng ta về vai trò của trường ĐH.

 
GS Phạm Quang Minh

Tuy nhiên, toàn cầu hóa giáo dục ĐH cũng đem lại một số bất cập. Những xu hướng như tăng cường sử dụng Internet cùng toàn cầu hóa tri thức có tiềm năng tạo ra thách thức đối với trường ĐH, hệ thống đào tạo ĐH ở những quốc gia đang phát triển. Trong một thế giới bị phân cực thành những trung tâm và vùng ngoại biên, các trung tâm sẽ tăng trưởng mạnh hơn, áp đảo hơn khiến vùng ngoại biên ngày càng bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển xã hội. Có rất ít khoảng trống để trường ĐH hay hệ thống đào tạo ĐH phát triển một cách độc lập trong khung cảnh hệ thống giáo dục ĐH toàn cầu đang ngày càng cạnh tranh, biến chuyển nhanh và bị thống trị bởi những trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở những nước công nghiệp hóa.

“Những chuẩn mực, giá trị, ngôn ngữ, đổi mới khoa học, sản phẩm tri thức của các nước trong khu vực trung tâm đã làm cho những ý tưởng, sự sáng tạo của các quốc gia vùng biên bị áp đảo, “lãng quên”, ít được chú ý. Những nước nhỏ hơn, nghèo hơn có rất ít tự chủ hay tiềm năng cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa trong giáo dục ĐH trong một số trường hợp, thực sự làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng vốn đã sâu sắc giữa sân chơi tri thức của các trường ĐH trên thế giới” – GS Phạm Quang Minh cho hay.

Giao lưu sinh viên quốc tế. Ảnh minh hoạ
 Giao lưu sinh viên quốc tế. Ảnh minh hoạ

“Lá chắn” bảo tồn bản sắc tri thức

Chính bởi những thách thức lớn như vậy khi toàn cầu hóa giáo dục diễn ra, GS Phạm Quang Minh cho rằng, các quốc gia cần có một hình thức để bảo vệ bản sắc tri thức của riêng mình. Một trong số đó là nhờ hợp tác giáo dục khu vực, bởi lẽ bằng việc chia sẻ điểm tương đồng trong khu vực, các quốc gia tin rằng chính những điểm tương đồng đó sẽ như lớp “lá chắn” bảo tồn một cách tốt nhất cho bản sắc tri thức của mình. ASEAN có thể xem như như là một ví dụ điển hình nhất với mô hình Mạng lưới các trường ĐH ASEAN - The ASEAN University Network (AUN).

Với tư cách là một thành viên đi đầu trong tổ chức AUN, trải qua 30 năm đổi mới, giáo dục ĐH Việt Nam đã cung cấp hàng triệu nhân lực trình độ CĐ, ĐH, hàng vạn lao động trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước. GS Phạm Quang Minh cho rằng, đây là lực lượng chủ lực, nòng cốt của quá trình CNH - HĐH đất nước, của phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Hệ thống cơ sở đào tạo ĐH đã phủ gần kín cả nước. Đầu tư của Nhà nước cho giáo dục ĐH tăng nhanh, cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH bắt đầu được đổi mới. Nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục ĐH tăng nhanh.

Đã bắt đầu hình thành hệ thống quản lý chất lượng giáo dục ĐH trong cả nước; cơ chế Nhà nước, nhà trường và người dân giám sát chất lượng giáo dục, đầu tư cho giáo dục. Quan hệ quốc tế phát triển tương đối nhanh cả cấp quốc gia, cấp trường. Tuy nhiên, giáo dục ĐH cũng đang đứng trước thách thức rất to lớn: Chương trình đào tạo còn nhiều phần chưa hợp lý; so sánh với quốc tế, khu vực thì còn tồn đọng hạn chế nhất định; cơ sở vật chất, phương pháp phục vụ cho nghiên cứu còn có phần lạc hậu, cần sự ủng hộ lớn của bạn bè, quốc tế và sự quan tâm của Nhà nước.

Giáo dục ĐH phải hòa vào dòng chảy phát triển chung của nhân loại
Giáo dục ĐH phải hòa vào dòng chảy phát triển chung của nhân loại 

Khẳng định bước vào thời kỳ quốc tế hóa giáo dục, giáo dục ĐH Việt Nam đã có một hành trang, một di sản quý báu, đó là truyền thống lâu đời dựa trên phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn” - đề cao những giá trị đạo đức, đề cao việc làm người - GS Phạm Quang Minh cho rằng đây là truyền thống tốt đẹp cần phát huy trong thời đại toàn cầu hóa. Để tồn tại trong thời đại toàn cầu hóa, mỗi dân tộc cần bảo vệ bản sắc riêng của mình. Sự đa dạng về văn hóa, giáo dục không chỉ có lợi cho việc bảo vệ bản sắc mỗi dân tộc, mà còn quan trọng với toàn nhân loại.

Từ thực tiễn của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với thuận lợi và khó khăn riêng trong quá trình quốc tế hóa, theo GS Phạm Quang Minh, muốn chủ động lựa chọn kinh nghiệm của các nước, đóng góp phần mình vào dòng chảy tri thức chung của nhân loại, muốn hội nhập và hấp thu được những lợi ích do công cuộc toàn cầu hóa mang lại, một trong những việc mà Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cần làm là phải có một quyết sách mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy việc học tiếng Anh trong nhà trường, từ đó gia tăng tỷ lệ trao đổi sinh viên, hợp tác giữa các khoa của trường với các trung tâm đào tạo lớn ở ngoài nước.

Để thực hiện chiến lược quốc tế hóa, trường đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Anh, tổ chức câu lạc bộ Lunch Box sinh hoạt bằng tiếng Anh, xuất bản tạp chí bằng tiếng Anh, các môn học dạy bằng tiếng Anh, thực hiện các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, trong đó có ngành Việt Nam học, khen thưởng các công bố quốc tế, hướng tới có nhiều hơn công bố quốc tế ở các tạp chí hoặc NXB có chỉ số ảnh hưởng cao…

“Để thực hiện những yêu cầu trên, nhà trường cần nhất là những quỹ tài trợ nghiên cứu lớn như NAFOSTED. Vì vậy cần gấp rút nghiên cứu, mở rộng hợp tác quốc tế, cần phát triển hệ thống quỹ đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản với sản phẩm đặc sắc đỉnh cao mang thương hiệu quốc gia, quốc tế” – GS Phạm Quang Minh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ